ThienNhien.Net – Đã hơn 60 năm kể từ khi nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Nga đi vào vận hành và đúng 31 năm sau thảm họa hạt nhân Chernobyl. Dù năng lượng hạt nhân đã tồn tại hàng nhiều thập kỷ, các quốc gia trên thế giới vẫn chưa thống nhất được phương pháp lưu trữ rác thải hạt nhân an toàn.
Phần Lan hiện đang là quốc gia đi đầu với kho chứa vĩnh viễn chất thải phóng xạ đầu tiên trên thế giới, nơi chất thải phóng xạ mức độ cao được lưu trữ ở độ sâu 450m dưới nền đá granite của đảo Olkiluoto bên bờ biển của Phần Lan. Các nhà điều hành kho chứa tuyên bố rằng nơi này sẽ được đảm bảo an toàn trong vòng 100.000 năm tới.
Nhìn chung, các chính phủ đều không có các giải pháp dài hạn. Đây cũng là vấn đề chính của công nghiệp hạt nhân: phải tính toán các tình huống có thể xảy ra trong hàng trăm, hàng ngàn thậm chí hàng triệu năm.
Sự phản đối của công chúng
Vào năm 2011, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố một nhà máy điện hạt nhân hoàn thành vào năm 2022 sẽ khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu này trở thành nước tiên phong về năng lượng tái tạo.
Trước đó vào năm 1977, nước Đức đã tiên phong trong các giải pháp xử lý rác thải hạt nhân khi có kế hoạch dùng một mỏ muối xưa ở Gorleben có thể làm kho chứa. Ngay từ ban đầu, người dân địa phương đã phản đối kịch liệt. Trận chiến kéo dài hàng thế kỷ bắt nguồn từ những tranh cãi về vị trí khu vực chứa chất thải. Năm 2000 chính phủ Đức đã ký quyết định dừng nghiên cứu tại đây.
Dự thảo được Đức thông qua vào năm nay lại tiếp tục lựa chọn Gorleben thành khu vực chứa chất thải. Khu chứa chất thải sẽ chính thức xác định vào năm 2031 và xây dựng vào năm 2050.
Ở Vương quốc Anh, khu vực tiềm năng được thăm dò gần với trạm xử lý và tái chế Sellafield đã bị trì hoãn và hủy bỏ sau quá trình tham vấn khoa học và công chúng.
Ở Pháp, tiên tiến hơn hầu hết các kế hoạch khác là kế hoạch xây dựng kho chứa đất sét gần làng Bure. Cơ quan hạt nhân ANDRA của Pháp dự định hoàn thành kho vào năm 2035. Các nhà quan sát nói rằng Nghị viện nước này sẽ bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch này nhưng kế hoạch đang gặp phải sự phản đối của công chúng do thiếu trưng cầu dân ý.
Vấn đề chi phí và kỹ thuật
Ngoài vấn đề kỹ thuật và chính trị xung quanh việc xử lý chất thải hạt nhân thì các quốc gia cũng đối mặt với nhiều thách thức khác nữa.
Ở Anh, Cơ quan Giải trừ Năng lượng hạt nhân (Nuclear Decommissioning Authority –NDA) dự báo dựa trên số liệu có sẵn thì chi phí xử lý hiện tại rơi vào khoảng 95 đến 219 tỉ bảng Anh. Tổng chi phí ước tính cho năm 2017/2018 là 3,24 tỉ bảng.
Ở Đức, các nhà máy năng lượng nguyên tử phải chịu phần lớn trách nhiệm về việc giải trừ lò phản ứng sau khi ngừng hoạt động. Đây cũng là nơi diễn ra quá trình dài hàng thế kỷ nằm loại bỏ nhiên liệu đã qua sử dụng và phá dỡ các lò phản ứng .
Ở Đức, ngân sách cũng phải dành 23,6 tỉ Euro cho việc xử lý chất thải hạt nhân.
Một số chuyên gia cho rằng phương án xử lý cuối cùng trong bất kỳ trường hợp nào cũng chỉ để “hoãn binh”, không phải là phương án lâu dài, bền vững.
Ông Mycle Schneider, chuyên gia độc lập về năng lượng hạt nhân, cũng là tác giả chính Báo cáo thường niên về Tình trạng Công nghiệp Hạt nhân thế giới, cũng không đồng tình với nhận định rằng lưu trữ trong lòng đất là vĩnh viễn an toàn.
Thay vào đó, Giáo sư Schneider ủng hộ tập trung vào phương pháp mà hiện hầu hết không được sử dụng là lưu trữ tạm thời.
Anh và Pháp là hai quốc gia đã sử dụng phương pháp lưu trữ ướt đối với chất thải hạt nhân, nghĩa là chất thải được giữ trong các bể một khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, ông Schneider cho rằng từ kinh nghiệm của châu Âu thì Đức nên từ bỏ phương pháp lưu trữ ướt và thay bằng lưu trữ khô. Bởi vì theo ông, lưu trữ khô an toàn và đảm bảo hơn rất nhiều so với lưu trữ ướt. Nếu mất nước sẽ gây ra vấn đề lớn vì nhiên liệu sẽ nóng lên. Nhiên liệu có thể phát cháy phụ thuộc vào độ tuổi, do đó việc này có thể làm giảm nguy cơ gây ra thảm họa hạt nhân.
Với Vương quốc Anh, ông Andrew Blowers chuyên gia độc lập của Hiệp hội Tư vấn Xử lý Rác thải hạt nhân cho rằng vấn đề chính là ở vị trí của lò phản ứng hạt nhân: “Rất nhiều nhiên liệu nguy hiểm sẽ được lưu trữ ở một khu vực. Trong khi khu vực này nằm ở vị trí bờ biển dễ suy yếu khiến sẽ phát sinh nhiều vấn đề lớn trong thế kỷ mới trong bối cảnh biến đổi khí hậu.”
Trên đây mới chỉ là phần nhỏ của toàn bộ vấn đề về chất thải hạt nhân. Theo ông Blowers, “Đức vẫn đúng khi quyết định dần dần ngừng sử dụng điện hạt nhân. Chúng ta không muốn nhiều chất thải hạt nhân hơn nữa nhưng ta cũng không chắc chắn sẽ làm gì với những thứ đang có.”
Thu Hà (Theo CounterPunch)