ThienNhien.Net – Ngày 22/5, Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động các dự án tận thu cát, đất sét, đặc biệt là than tại Thị xã Đông Triều do việc khai thác khoáng sản đang có những diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Một trong số các dự án khai thác khoáng sản tạo điểm nóng về khiếu nại là dự án khai thác đất sét làm gạch gói của Công ty cổ phần Gốm Đất Việt tại xã Tràng An, Thị xã Đông Triều.
Dự án “2 trong 1”
Dự án khai thác đất sét làm gạch ngói của Công ty cổ phần Gốm Đất Việt được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp giấy phép khai thác ngày 20/5/2015. Đây là dự án kết hợp nạo vét lòng hồ đập Làng (thuộc thôn An Sinh, xã Tràng An) với việc tận thu khoáng sản phục vụ sản xuất gạch gói.
Trước đó, năm 2013, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, cho phép Công ty cổ phần Gốm đất Việt được thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Đập Làng nhằm nâng cao khả năng tích trữ nước của hồ này phục vụ cho công tác thủy lợi trên địa bàn Thị xã Đồng Triều khi hồ Trại Lốc được hạ cao trình nhằm bảo tồn và phát triển khu di tích lăng mộ các vua Trần. Đồng thời, doanh nghiệp thực hiện dự án nạo vét được tận dụng nguồn đất sét để sản xuất gạch gói. Toàn bộ kinh phí thực hiện dự án nạo vét này do Công ty cổ phần Gốm Đất Việt chi trả. Nói cách khác, lòng hồ Đập Làng là một mỏ đất sét và doanh nghiệp được khai thác mỏ sét này với tính chất là nạo vét lòng hồ, tận thu khoáng sản.
Theo giấy phép khai thác khoáng sản mà Công ty cổ phần Gốm Đất Việt được cấp, khu vực khai thác có diện tích gần 8 hecta; trữ lượng khai thác gần 200 nghìn mét khối, với công suất khai thác là 80 nghìn mét khối/năm. Mức sâu khai thác là +9,2m và doanh nghiệp được khai thác đến hết năm 2017. Tuy nhiên, ngày 20/2/2017, UBND tỉnh Quảng Ninh mới có quyết định thu hồi đất và cho Công ty Gốm Đất Việt thuê đất để thực hiện dự án “2 trong 1”, vừa nạo vét lòng hồ, vừa khai thác khoáng sản này.
Ngay sau khi được cấp giấy phép, Công ty Gốm Đất Việt này đã đưa máy móc vào khai trường và rầm rộ thực hiện khai thác đất sét với danh nghĩa nạo vét lòng hồ. Việc khai thác diễn ra liên tục ngay cả khi UBND tỉnh Quảng Ninh chưa hoàn thành thủ tục cho thuê đất và Công ty chưa thực hiện xong việc giải phóng mặt bằng khu vực khai thác khoáng sản.
Ngày 11/5/2016, Sở TN và MT tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra và phát hiện doanh nghiệp này vi phạm một loạt các qy định của giấy phép khai thác khoáng sản, như: chưa có hồ sơ và cắm mốc khu vực khai thác, không có thiết kế mỏ, chưa cập nhật hiện trạng khai thác và chưa thông báo giám đốc mỏ theo quy định của Luật Khoáng sản. Vì thế, Sở TN và MT yêu cầu công ty phải dừng khai thác để hoàn thiện thủ tục.
Nhiều vi phạm trong đại dự án nạo vét lòng hồ lấy đất sét
Thế nhưng, theo phản ánh của ông Đặng Văn Hiến, hộ gia đình duy nhất đang cư trú khu vực nạo vét và khai thác cát thì, Công ty cổ phần Gốm Đất Việt đã không chấp hành yêu cầu dừng khai thác mà việc “nạo vét” vẫn được thực hiện một cách ồ ạt, gây sụt lún các công trình dân sinh của gia đình ông và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nội dung này đã được UBND Thị xã Đông Triều xác minh và kết luận là đúng. UBND Thị xã Đông Triều cũng yêu cầu Công ty Gốm Đất Việt dừng khai thác đất sét và thực hiện việc thỏa thuận bồi thường cho người dân sử dụng đất trong phạm vi dự án.
Ngày 20/9/2016, Sở TN và MT tỉnh Quảng Ninh tiếp tục kiểm tra việc khai thác đất sét tại lòng hồ Đập Làng và lại phát hiện vi phạm của doanh nghiệp này, đặc biệt là việc khai thác quá độ sâu cho phép. Theo hiện trạng được cơ quan chức năng kiểm tra và xác định, Công ty Gốm Đất Việt đã đào sâu đến 15m, vượt quá cốt cao được phép khai thác. Công ty thừa nhận vi phạm này nhưng lại đổ lỗi cho “mắt thường” không thể phát hiện độ nông, sâu so với thiết kế và giấy phép được cấp. Với việc đào sâu quá mức cho phép này thì rất dễ thấy, hàng nghìn mét khối khoáng sản đã được móc lên khỏi mặt đất mà cơ quan quản lý không thể kiểm soát được.
Bên cạnh đó, việc khai thác đất sét, nạo vét lòng hồ khi chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng đã khiến cho cuộc sống của người dân vô cùng khốn đốn. Công ty đã phải bồi thường hơn 200 triệu đồng vì việc nạo vét là sụt lún gây đổ chuồng trại của gia đình ông Đặng Văn Hiến. Chưa kể những ngày mưa gió, con đường dân sinh vào nhà ông Hiến được phủ bùn bởi đất sét được các phương tiện cơ giới hạng nặng nhào nặn liên tục khiến gia đình ông Hiến đi không được mà ở cũng không song. Mặc dù cơ quan chức năng yêu cầu doanh nghiệp này chấp hành yêu cầu dừng khai thác và nhanh chóng thực hiện việc bồi thường nhưng gần 1 năm nay, hiện trạng vẫn như cũ và doanh nghiệp thì cứ tiếp tục đào bới vì lợi nhuận, mặc cho đời sống người dân bị ảnh hưởng do việc khai thác này.
Theo quan sát của Báo Pháp luật Việt Nam trong những ngày qua thì hiện nay, hàng ngày vẫn có hàng chục phương tiện cơ giới hạng nặng đào, múc và vận chuyển đất sét về tập kết tại Công ty Gốm Đất Việt. Những yêu cầu dừng khai thác để hoàn thiện thủ tục của các cơ quan chức năng và quyền lợi của người dân sử dụng đất trong phạm vi dự án đang bị doanh nghiệp này “bỏ ngoài tai”. Hơn thế nữa, đến lúc này cũng chưa có một chế tài nào được áp dụng đối với doanh nghiệp vi phạm. Chỉ đạo của Lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Ninh về việc dừng thực hiện các dự án khai thác tận thu khoáng sản ơ Thị xã Đông Triều liệu có hiệu lực với Công ty cổ phần Gốm Đất Việt hay không?
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.