Người dân góp tiền chống “cát tặc” có giấy phép

ThienNhien.Net – Mấy ngày qua, hàng chục người dân liên tục kéo ra sông để chặn đứng 3 xáng cạp hút cát dù những chiếc xáng cạp này được cấp phép.

Dân tự bỏ tiền để canh gác, ngăn chặn xáng cạp hút cát

Dân tự góp tiền chống khai thác cát

Chiều 23.5, ông Ng.V.Th. (nhà ở cồn thuộc ấp Tấn Thuận, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) xác nhận, chính ông đã đứng ra kêu gọi người dân ngăn chặn 3 chiếc xáng cạp lấy cát trong vài ngày qua.


Người dân thuê đò gỗ kéo ra xà lan ngăn chặn khai thác cát (ảnh cắt từ clip)

4 ngày trước, người dân ở cồn này phát hiện trên nhánh sông Tiền có 3 chiếc xáng cạp lớn đến hút cát. Các xáng cạp này có gầu múc khá lớn nên khai thác rất nhanh.

Lo sợ sạt lở, hàng chục người dân sinh sống trên cồn đã bỏ 2 triệu đồng thuê đò gỗ chạy ra sông ngăn chặn, yêu cầu những người vận hành xáng cạp ngưng khai thác. Trước áp lực của dân, những người này phải ngưng việc khai thác…

Người điều khiển xáng cạp sợ hãi trước áp lực của người dân

Những ngày qua, rất nhiều người dân tìm đến ông Th. để đóng góp tiền ngăn chặn xáng cạp lấy cát. Hiện đã có hơn phân nửa người dân trên cồn góp tiền. Tiền này dùng để cắt cử người trực, thuê ghe, đò gỗ… ra ngăn chặn xáng cạp khi cần.

Ông Nguyễn Hữu Trãi (60 tuổi) cho biết cồn này có chiều dài 2.400m và chiều rộng khoảng 500m. Do sạt lở mà chiều dài cồn bị ngắn lại, chỉ còn 1.800m. Do đó, thấy xáng cạp kéo đến là dân rất bất bình.

Người trên xà lan giải thích việc lấy cát đã được cấp phép

“Chúng tôi ngăn chặn khai thác cát là để bảo vệ mạng sống của gia đình mình thôi, chứ chúng tôi không chống chính quyền. Chúng tôi chỉ mong con cháu thế hệ sau này còn chỗ mà ở. Do vậy dứt khoát không cho bất kỳ ai khai thác cát trên dòng sông này”, ông Trãi bức bách nói.

Trước đó, ngày 5.5, ông Lâm Quang Thi – Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang ký quyết định số 1387/QĐ-UBND, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khu vực dự án nạo vét trên rạch cù lao Giêng thuộc xã Tấn Mỹ, Bình Phước Xuân, Mỹ An, Hội An và thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới.

Công ty TNHH MTV Dương Khang được cấp quyền khai thác với giá chỉ 15.000đ/m3 cát và số tiền phải nộp hơn 300 triệu đồng/năm. Trữ lượng được cấp quyền khai thác là 480.000m3… Đáng lưu ý là hiện tại giá cát đang được bán trên thị trường gần 400.000 đồng/m3.

Cát xây dựng hiện được bán với giá rất cao

Sau đó, Công ty Dương Khang đưa 3 chiếc xáng cạp đến khai thác cát ở trên nhánh con sông Tiền. Đây là 1 nhánh sông rộng đến 500-700m chứ không phải con lạch như trong quyết định. Trong khi đó con sông này thuộc Bộ quản lý.

Trước đó, ngày 22.4, trên sông Vàm Nao (đoạn thuộc xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) bất ngờ xảy ra vụ sạt lở. Điểm sạt lở dài 160m, ăn sâu hơn 30m khiến 108 hộ dân phải di dời khẩn cấp, ước tính tổng thiệt hại khoảng 90 tỉ đồng.

Sau vụ sạt lở trên, những ngày cuối tháng 4, trên sông Tiền (đoạn qua xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) cũng xảy ra tình trạng sạt lở nguy hiểm dài khoảng 210m, đe doạ sự an toàn của 217 hộ dân…

Nguy hiểm nếu khai thác cát quá mức

Theo các chuyên gia, vùng ĐBSCL hiện có đến 23 hố sâu dưới lòng sông. Những hố sâu này có thể sẽ bị dịch chuyển và gây ra những vụ sạt lở nghiêm trọng khó lường.

Vị trí thường có các hố sâu hiện nay là nơi đoạn sông cong, nước đạp vào bờ phía lõm, bên dưới nơi hợp lưu của 2 dòng chảy, nơi dòng chảy bị cù lao giữa sông tách ra làm hai và hợp lại ở bên dưới và nơi dòng sông bị thắt nút cổ chai ở 1 bên hoặc 2 bên…

Bản đồ 23 hố sâu, trong đó phần lớn ở An Giang

Cụ thể, theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL cho biết, ở ĐBSCL có tổng cộng 23 hố sâu. Những hố sâu này hình thành theo tự nhiên trong nhiều năm qua. Theo nghiên cứu của ông, những hố này có độ sâu từ 10m đến hàng chục mét, rộng từ 4 ha đến hàng chục ha.

“Những hố sâu này trước đây vẫn ở yên nhưng khi có sự mất cân bằng động lực dòng chảy, nó sẽ bị dịch chuyển vị trí, ăn vào bờ và gây ra những vụ sạt lở nghiêm trọng. Nguyên nhân gây mất cân bằng động lực dòng chảy là do lượng cát từ thượng nguồn về ít trong khi đó ở hạ lưu ĐBSCL lại xảy ra tình trạng khai thác cát quá mức”, ông Thiện cho biết.

Dù mới xảy ra vụ sạt lở ở An Giang nhưng chính quyền tại đây vẫn tiếp tục cấp phép khai thác cát

Cũng theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, tại vùng này, với tình trạng khai thác cát trái phép đang tồn tại và hàng năm vẫn đang cấp phép khai thác 28,25 triệu m3 cát thì trong khoảng 30 năm tới khả năng toàn bộ trữ lượng 816 triệu m3 cát quy hoạch dự báo dưới lòng sông Cửu Long sẽ bị moi hết. Và trầm tích thâm hụt sẽ khiến sạt lở, trượt đất trở thành thảm họa.