ThienNhien.Net – 102 cây thông 40 năm tuổi, tuyệt đẹp nằm ngay mặt tiền đường vành đai Công viên văn hóa các dân tộc (thuộc huyện Ia Grai) đã chết đứng vì bị khoan gốc, đầu độc. Trước sự việc nghiêm trọng này, UBND tỉnh Gia lai đã yêu cầu huyện Ia Grai báo cáo kết quả xử lý trước ngày 30.5, nhưng đến nay các cơ quan chức năng của huyện vẫn… đang làm.
Giết hại rừng thông vì “đất vàng”
Đó là rừng thông tuyệt đẹp nằm ven đường Vành đai Công viên văn hóa các dân tộc, nối TP Pleiku với huyện Ia Grai do Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ quản lý. Riêng đoạn qua làng Jút 2, xã Ia Der, huyện Ia Grai có hàng trăm cây thông cổ thụ bị chết đứng, lá khô đỏ quạch dưới nắng hè. Ngày 23.5, ghi nhận của PV Dân Việt/NTNN tại khu vực này cho thấy, những cây thông bị chết nằm sát mặt tiền đường không hề có biểu hiện của sâu bệnh. Không khó để nhận thấy, dưới mỗi gốc cây có đến 4 – 5 lỗ khoan sâu vào thân, nhựa thông đọng lại như máu đỏ, cùng đó là một loại dung dịch màu trắng sữa nghi là thuốc độc. Vẫn trong khu vực này, hàng chục cây thông khác bị “giết” bằng cách dùng dao vạc quanh thân, có cây bị đẽo sâu chờ… đổ ngã.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá đất mặt đường Vành đai Công viên văn hóa các dân tộc được rao bán với giá rất cao. Ông N.V.Q, một người dân có lô đất nằm sát khu vực rừng thông bị “hạ độc” cho biết: “Cách đây 3 năm, một mét ngang mặt tiền đường vành đai chỉ có giá 30 triệu đồng, đầu năm nay lên 150 triệu đồng, bây giờ vọt lên 200 triệu rồi. Để làm một cái nhà ở mặt tiền cần có 5 mét ngang, giá mua là trên 1 tỷ đồng, chỉ người giàu mới mua nổi. Còn ở lô sau (dãy 2), mỗi mét ngang cũng đang được rao bán với giá 60 triệu đồng”. Như vậy, mục đích của các đối tượng phá rừng thông là chiếm đất, trục lợi. Sau khi phá rừng, ban đầu họ dựng lều quán, dần dần thì xây nhà, hoặc ngấm ngầm bán cho người khác.
Chưa cơ quan nào báo cáo
Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Đức – Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ – cho biết, rừng thông này được trồng từ năm 1978. Đến năm 2015, ban phát hiện nhiều cây thông bị ken (tức đẽo, đào gốc) và sang năm 2016 thì các đối tượng đục lỗ, bơm hóa chất vào làm cây chết đứng. Tại sao phát hiện từ năm 2015, nhưng đơn vị chủ rừng không có biện pháp ngăn chặn, mà để nạn giết thông ngày càng nghiêm trọng hơn? Ông Đức phân bua: “Việc phát hiện thông bị đầu độc rất khó, chỉ khi cây thông chết mới biết được. Hiện chúng tôi vẫn chưa xác định được đối tượng cụ thể, mà chỉ nghi ngờ là các đối tượng có mua bán đất với nhau đã triệt hạ thông để lấy đất”.
Nói vậy nhưng ông Đức cũng “bật mí” rằng đất rừng này do Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ quản lý, nhưng lại có người chôn trụ bê tông, rào kẽm gai. Đó là 2 dòng họ H’Nach và Siu Hun (ở làng Jút 2, xã Ia Der) làm. Khi Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ phát hiện và yêu cầu tháo dỡ, họ bảo “sợ mắc cỡ với làng” nên… không dỡ. “Tuần này, ban sẽ trồng cây keo tràm vào vị trí thông chết để giữ đất” – ông Đức nói.
Còn theo ông Dương Mah Tiệp – Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, trước kia đường vành đai thiết kế đi qua sân bóng của làng Jút 2 nên người dân có ý kiến. Sau đó phải điều chỉnh qua khu vực này, chính là chỗ rừng thông bị đầu độc hàng loạt. Nhưng bất luận thế nào thì đây vẫn là đất công, rừng thông trên đất là tài sản của Nhà nước. Cũng theo ông Tiệp, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu huyện Ia Grai báo cáo kết quả xử lý trước ngày 30.5, nếu đủ yếu tố hình sự thì phải khởi tố điều tra. Nhưng đến nay Công an huyện, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, Hạt Kiểm lâm đều chưa báo cáo UBND huyện. “Nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, UBND xã Ia Der phải có trách nhiệm đầu tiên trong việc xác định ai rào chỗ đất rừng bị phá, ai đầu độc rừng thông. Mà khả năng cây thông chết là do người rào chỗ đất này làm hoặc thuê người khác làm thôi”, ông Tiệp nói.