ThienNhien.Net – Hiện nay, Luật Quy hoạch đang được đưa ra dự thảo, nhằm khắc phục tình trạng làm quy hoạch có phần lộn xộn vừa qua, nhiều quy hoạch phát triển kinh tế lại “giẫm chân” lên cả khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng.
Điển hình như: Dự án khu du lịch World Shine – Huế đầu tư trên núi Hải Vân tỉnh Thừa Thiên Huế, khách sạn JW.Mariot của nhà đầu tư Trung Quốc án ngữ trước mặt sân bay Nước Mặn, khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa tại bán đảo Sơn Trà,…
Đáng nói là chỉ sau khi vấp phải phản ứng dữ dội của dư luận mà các dự án “rắc lông ngỗng Mỵ Châu” này mới bị cấp trên phát giác và phải dừng lại. Đây là điều đáng báo động, phản ánh sự thiếu sát sao với thẩm quyền quy hoạch của địa phương, phải được khắc phục triệt để trong Luật Quy hoạch tới đây.
Như vậy là từ thực trạng trên đã cho thấy các loại quy hoạch đã nêu trong dự thảo cần phải được lập theo thứ tự, loại quy hoạch nào trọng yếu nhất thì cần được ưu tiên lập đầu tiên, rồi các loại quy hoạch sau đó theo thứ tự của tầm quan trọng mà căn cứ vào quy hoạch có trước để lập ra quy hoạch sau. Và Trung ương sẽ là nơi nắm giữ các loại quy hoạch theo thứ tự và đã thống nhất tầm vĩ mô đó, xuống địa phương chỉ được căn cứ vào quy hoạch của trung ương để triển khai mà thôi.
Trong các lĩnh vực quy hoạch vĩ mô, cần nhận thấy rằng, phòng thủ đất nước luôn là yếu tố sống còn đối với một quốc gia. Đất nước không thể có 1 giây phút nào được sơ hở phòng thủ, yêu cầu về phòng thủ đất nước là cao nhất, cao hơn tất cả các loại yêu cầu về phát triển kinh tế văn hóa xã hội,…
An ninh cũng cần đề phòng bạo loạn nổi dậy, nội chiến. Cho nên, quy hoạch tổng thể về an ninh quốc phòng theo chiến lược phòng thủ an ninh đất nước chống thù trong giặc ngoài phải là quy hoạch được đặt ra đầu tiên, trước hết tất cả các loại quy hoạch.
Quy hoạch quốc gia sau khi đã lập được quy hoạch trọng yếu nhất là quy hoạch về an ninh quốc phòng, thì tiếp đến, căn cứ vào hiện trạng quy hoạch quốc phòng an ninh, lập tiếp quy hoạch về phòng chống thiên tai, là thứ trọng yếu thứ nhì sau phòng thủ đất nước. Các hệ thống đê điều, rừng phòng hộ, sông ngòi xả lũ, hồ chứa,… để phòng chống thiên tai được quy hoạch dựa trên đặc điểm thời tiết nước ta, có sự kết nối chặt chẽ với quy hoạch hệ thống quốc phòng.
Tiếp đến, từ 2 quy hoạch nền tảng nhất để bảo vệ Tổ quốc và nhân dân như trên, căn cứ vào 2 quy hoạch đã có đó, mới lập ra quy hoạch phát triển kinh tế theo đặc điểm từng vùng, từng địa bàn. Lúc này, Tổ quốc và nhân dân đã được bao bọc vững chắc trong 2 quy hoạch phòng thủ trước nội ngoại xâm và thiên tai nói trên, thì quy hoạch phát triển kinh tế mới đảm bảo an toàn và chỉ được lập trong khuôn khổ của 2 hệ thống phòng thủ bảo vệ đó.
Từ quy hoạch phát triển kinh tế, căn cứ vào đó quy hoạch phát triển đô thị để đáp ứng cho phát triển kinh tế. Các công trình nhà ở, sinh hoạt văn hóa xã hội, giao lưu được lập theo sự phát triển của đô thị, để khớp nối về trình độ phát triển.
Tiếp theo, căn cứ vào các quy hoạch đã có nêu trên, lập quy hoạch hệ thống giao thông làm mạng lưới mạch máu nuôi dưỡng toàn bộ hệ thống phát triển kinh tế, dân sinh và hệ thống phòng thủ đất nước. Các mạch máu giao thông này khi kết nối với kinh tế nước ngoài cũng phải đảm bảo mở đóng dễ dàng, để phù hợp với chiến lược an ninh phòng thủ đất nước.
Và tất cả các loại quy hoạch trên đều phải đảm bảo môi trường sinh thái cho cộng đồng.
Từ quy hoạch quốc gia của trung ương như vậy, các tỉnh thành chỉ được căn cứ vào quy hoạch quốc gia đó để triển khai, không được quyền tự quy hoạch các loại ở địa phương mình, tránh được tình trạng lộn xộn, tiền trảm hậu tấu như vừa qua.
Như vậy các loại quy hoạch sẽ phải theo thứ tự, căn cứ quy hoạch trước mới được lập quy hoạch sau, sẽ đảm bảo được tính thống nhất, khuôn khổ, luôn đảm bảo ưu tiên được những quy hoạch trọng yếu nhất của đất nước trong việc sử dụng lãnh thổ, tài nguyên quốc gia một cách có hiệu quả nhất.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.