ThienNhien.Net – “Trong nước, những hạn chế, yếu kém tích tụ từ nhiều năm trước tiếp tục bộc lộ rõ hơn, nhất là về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp”.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết như trên khi trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2017 tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV vào sáng nay (22-5).
Báo cáo do Phó Thủ tướng tập trung vào chín vấn đề trọng tâm. Trong đó về ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Phó Thủ tướng cho hay GDP quý I đạt 5,1% thấp hơn so với cùng kỳ (5,48%), chỉ số sản xuất công nghiệp bốn tháng tăng 5,1%, ngành chế biến chế tạo linh kiện điện tử tăng thấp hơn so với cùng kỳ.
Về việc thực hiện cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng đã đạt được kết quả bước đầu, giữ an toàn được hệ thống. Tuy nhiên, việc triển khai phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu và nợ đã bán cho VAMC còn nhiều khó khăn, năng lực quản trị điều hành của một số tổ chức tín dụng còn yếu, năng lực cạnh tranh thấp.
Trong khi đó tình hình cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) còn chậm, xử lý các dự án thất thoát, thua lỗ lớn cũng làm chậm tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn của các doanh nghiệp liên quan. “Đối với 12 dự án thất thoát, thua lỗ lớn, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo do một phó thủ tướng làm trưởng ban. Đến nay, một số dự án bước đầu đã có chuyển biến như nhà máy sản xuất phân bón và nhà máy thép tại Lào Cai” – Phó Thủ tướng nói.
Về kỷ luật, kỷ cương, công tác cán bộ và tổ chức bộ máy chính quyền các cấp, Phó Thủ tướng cho hay Chính phủ đã ban hành 10 nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ và quy chế làm việc của Chính phủ. Đặc biệt xử nghiêm nhiều trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước. Thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về văn hóa công sở; bước đầu chấn chỉnh quản lý đô thị, nhất là ở Hà Nội và TP.HCM.
Về văn hóa-xã hội, các vấn đề còn tồn đọng được xác định là tình trạng trốn, nợ đóng BHXH chưa được khắc phục hiệu quả, xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc rượu, tình trạng bạo lực học đường và xâm hại trẻ em, lãng phí trong tổ chức lễ hội, kỷ niệm ở một số nơi. Công tác quản lý cai nghiện ma túy còn bất cập…
Về bảo vệ môi trường, Chính phủ đã kiên quyết thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên; rà soát các dự án thủy điện ở Tây Nguyên, không cấp phép các dự án thủy điện có nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái. ”Tuy nhiên, tình hình ô nhiễm vẫn diễn biến phức tạp, chế tài chưa nghiêm. Tình trạng chặt phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép còn diễn ra tại nhiều địa bàn. Sạt lở bờ sông, ven biển xảy ra nghiêm trọng ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long” – Phó Thủ tướng nói.
Tình hình an ninh trật tự xã hội còn phức tạp, xảy ra một số vụ trọng án, chống người thi hành công vụ, tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng. “Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương, đơn vị; nắm chắc địa bàn, không để xảy ra tình hình phức tạp; không để các thế lực thù địch, phản động lôi kéo, kích động gây bất ổn về an ninh trật tự; bảo đảm an toàn cho sản xuất và đời sống của nhân dân” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Chính phủ tổ chức thành công các hội nghị, hoạt động trong chương trình Năm APEC 2017; làm tốt công tác người Việt ở nước ngoài và tăng cường bảo hộ công dân, nhất là ngư dân. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ phân giới cắm mốc biên giới; ưu tiên bố trí nguồn lực xây dựng đường tuần tra biên giới. Kiên quyết đấu tranh, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông, phấn đấu sớm hoàn tất COC.
Chính phủ đã sửa đổi 50 nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa trên 4.500 thủ tục hành chính, kết nối cơ chế một cửa ASEAN với bốn nước. Đã xử lý 850/1.100 kiến nghị của doanh nghiệp (đạt 77%). Ban hành chỉ thị, tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để tìm giải pháp hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng chín bậc (từ 91/189 lên 82/190 quốc gia, vùng lãnh thổ).