ThienNhien.Net – Bán đảo Sơn Trà là nơi dễ dàng nhất trên thế giới có thể quan sát Voọc Chà vá chân nâu- “Nữ hoàng linh trưởng”. Đây là loài đặc hữu của khu vực Đông Dương, thuộc Sách Đỏ Việt Nam. Do đó, cần ưu tiên bảo tồn sinh cảnh sống của loài ở đai độ cao dưới 200m so với mực nước biển, mọi hoạt động du lịch đều phải được thiết kế đảm bảo không ảnh hưởng đến đời sống bình thường của loài linh vật biểu tượng này…
Văn phòng Chính phủ vừa gửi thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND TP.Đà Nẵng về kiến nghị xem xét lại quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu 2 cơ quan trên khẩn trương chỉ đạo xem xét một cách thực sự khoa học và cầu thị kiến nghị của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng. Những nội dung sau đó phải kịp thời thông tin đầy đủ cho công luận và có báo cáo cho Thủ tướng chính phủ trước ngày 30/5.
Gần 12.000 người ký tên
Khoảng tháng 3/2017, dư luận Đà Nẵng xôn xao trước những hình ảnh một phần núi Sơn Trà bị cày xới, nham nhở để thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng của Công ty CP Biển Tiên Sa. Từ xót xa, dư luận đã phản ứng gay gắt yêu cầu chính quyền Đà Nẵng phải vào cuộc làm rõ. Nhà chức trách sau đó đã đình chỉ dự án này vì tự ý xây dựng 40 móng biệt thự không phép.
Những ngày vừa qua, nhiều chuyên gia sinh học, môi trường, kiến trúc, quy hoạch đồng loạt lên tiếng cho rằng, việc phát triển du lịch ở Sơn Trà có nguy cơ khiến bán đảo này bị ảnh hưởng, bê tông hóa.
Theo phân tích, Sơn Trà là lá phổi xanh, trái tim của Đà Nẵng, thậm chí những chuyên gia quân sự Quân khu 5 cũng khẳng định, bán đảo Sơn Trà có vị trí chiến lược, quốc phòng đặc biệt quan trọng. Do vậy, cần cẩn trọng, kỹ lưỡng trong việc làm du lịch ở vị trí này.
Giữa “tâm bão” dư luận, Hiệp hội du lịch Đà Nẵng đã thẳng thắn gửi thư kiến nghị xem xét lại quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà lên Thủ tướng Chính phủ. Bức thư kiến nghị này nhận được sự đồng tình của dư luận. Có hơn 11.700 người đã ký tên ủng hộ nội dung này.
Sau một số lần trì hoãn và đổi địa điểm, ngày 11/5, Phó Tổng Cục trưởng Cục Du lịch Hà Văn Siêu đã dẫn đầu đoàn công tác vào Đà Nẵng làm việc, giải quyết kiến nghị nêu trên của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng.
Cuộc họp này một lần nữa gây bức xúc cho người dân Đà Nẵng vì báo chí không được phép tham dự. Trong khi đó, nguồn tin từ cuộc họp cho thấy, Tổng cục du lịch đã không thống nhất đồng ý xem xét lại quy hoạch.
Cũng trong ngày 11/5, 3 tổ chức là Trung tâm con người và thiên nhiên, Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh và Nhóm nghiên cứu giảng dạy môi trường và tài nguyên sinh vật (Đại học Đà Nẵng) đã đồng ký thư khuyến nghị gửi Thủ tướng và lãnh đạo Đà Nẵng.
Chưa dừng lại đó, Hiệp hội du lịch Đà Nẵng và một số đơn vị, tổ chức khác tại Đà Nẵng đã và đang tiếp tục có những kiến nghị mới lên Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch Sơn Trà.
Liên tục “kêu cứu” cho Sơn Trà
Ngày 14/5, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, dù không đạt được những thỏa thuận nhất định, nhưng ông cũng đã trao cho Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu “Thư khuyến nghị về giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà”.
Thư khuyến nghị được ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature- thuộc Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam), ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet- thuộc Liên hiệp các Hội KH-KT TP Đà Nẵng) và PGS.TS Võ Văn Minh, Trưởng nhóm Nghiên cứu – Giảng dạy Môi trường & Tài nguyên sinh vật (DN-EBR) thuộc Đại học Đà Nẵng đồng ký trước đó vài ngày.
Bức thư được nhờ chuyển gửi cho Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng “trước nguy cơ các giá trị sinh thái độc đáo của Sơn Trà sẽ bị tác động nghiêm trọng trong tương lai gần”.
Bản tổng hợp các vấn đề liên quan đến bán đảo Sơn Trà (tài liệu gửi kèm theo Thư khuyến nghị) gồm 12 trang, trong đó tập trung vào các nội dung chính như “Tầm quan trọng và giá trị của bán đảo Sơn Trà hay Vì sao cần cân nhắc kỹ các quyết định liên quan đến phát triển bán đảo Sơn Trà?”; “Quá trình thu hẹp của diện tích rừng ở bán đảo Sơn Trà”; “Những vấn đề pháp lý liên quan đến sự thu hẹp của Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà” và một số vấn đề khác.
8 yêu cầu làm nức lòng cộng đồng
“Bán đảo Sơn Trà là tổng hòa của hệ sinh thái rừng gắn liền biển tự nhiên duy nhất ở Việt Nam nằm ngay tại nội thành. Tuy nhiên, sự bùng nổ của hoạt động du lịch không bền vững trong những năm gần đây đang đe dọa sự tồn tại của hệ sinh thái bán đảo Sơn Trà – nguồn giá trị chính khiến Sơn Trà trở nên hấp dẫn đối với du khách.
Với ba mặt tiếp giáp biển, một mặt tiếp giáp đô thị, Sơn Trà không có cơ hội mở rộng diện tích, trái lại đã bị thu hẹp tới 41% diện tích (theo quy hoạch) so với thời điểm được công nhận là rừng cấm quốc gia năm 1977”, bản tổng hợp các vấn đề liên quan đến Sơn Trà nêu
Chính vì thế, những người tâm huyết với Sơn Trà, trong đó có ông Vinh, ông Vỹ… ghi rõ:
Thứ nhất, cần rà soát lại toàn bộ các Quy hoạch liên quan đến bán đảo đã được phê duyệt nhằm thống nhất con số về diện tích rừng đặc dụng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.
Hiện nay số liệu về diện tích Sơn Trà còn mâu thuẫn, ví dụ quy hoạch thổng thể về bảo tồn đa dạng sinh học, diện tích Khu dự trữ thiên nhiên Sơn Trà là 3.871ha. Trong khi theo Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng, chỉ có 2.591,1ha. Còn theo quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà chỉ có diện tích 1.826,5ha trong tổng số diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 2.810,9ha.
Thứ hai, rà soát và chấn chỉnh lại việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Sơn Trà, đặc biệt là chuyển đổi đất rừng đặc dụng/Khu bảo tồn thiên nhiên sang “đất khác”. Điểm này, mọi người lưu ý khái niệm rừng ở độ cao 200m trở xuống ở Sơn Trà được xếp loại “rừng nghèo” là không đúng cơ sở khoa học và cần có đánh giá khách quan của cơ quan chuyên môn.
Thứ ba, tổ chức điều tra và thẩm định lại Đánh giá Môi trường Chiến lược đối với Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Thứ tư, xây dựng quy hoạch tích hợp tổng thể về bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, kết nối cả hệ sinh thái rừng và biển trong một tổng thể mối liên hệ sinh thái tự nhiên.
Thứ năm, xem xét quy hoạch hợp nhất Sơn Trà và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới trình UNESCO công nhận như mô hình Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm của Hội An nhằm mục đích bảo tồn cả hệ sinh thái trên cạn lẫn dưới nước.
Thứ sáu, xây dựng cơ chế thống nhất giao một đơn vị chính quản lý, bảo vệ rừng, quản lý mọi hoạt động du lịch của du khách và người dân lên bán đảo Sơn Trà.
Thứ bảy, xây dựng mô hình du lịch sinh thái tạo ra thu nhập từ hoạt động bảo tồn hệ sinh thái và thiên nhiên hoang dã ở Sơn Trà. Theo đó, hình ảnh Voọc Chà vá chân nâu được xây dựng thành biểu tượng linh vật của Đà Nẵng tương tự như gấu trúc ở Trung Quốc, đại bang đầu trắng ở Mỹ, kangaroo ở Úc để thu hút du khách đến Đà Nẵng.
Bán đảo Sơn Trà là nơi dễ dàng nhất trên thế giới có thể quan sát Voọc Chà vá chân nâu- “Nữ hoàng linh trưởng”. Đây là loài đặc hữu của khu vực Đông Dương, thuộc Sách Đỏ Việt Nam. Do đó, cần ưu tiên bảo tồn sinh cảnh sống của loài ở đai độ cao dưới 200m so với mực nước biển, mọi hoạt động du lịch đều phải được thiết kế đảm bảo không ảnh hưởng đến đời sống bình thường của loài linh vật biểu tượng này cũng như sự đòi hỏi nghiêm ngặt về quy chế ứng xử của du khách.
Thứ tám, nghiên cứu và áp dụng mô hình tổ chức phi lợi nhuận tham gia quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà như mô hình Công viên thiên nhiên Đảo Phillip ở bang Victoria của Úc và Khu bảo tồn khỉ Tarsier ở Bohol, Philippine. Theo đó, doanh thu từ du lịch sinh thái như vé tham quan, quà lưu niệm sẽ được tái đầu tư vào các chương trình bảo tồn thiên nhiên, nghiên cứu và giáo dục quan trọng tại cộng đồng địa phương.
“Ngoài những giá trị thiên nhiên và hệ sinh thái đặc biệt nổi trội, tiềm năng du lịch sinh thái bền vững, bán đảo Sơn Trà còn có vị trí quốc phòng, an ninh trọng yếu. Các Bộ, ngành cần hết sức thận trọng khi phê duyệt các quy hoạch phát triển ngành du lịch trong tương lai và thực hiện các hoạt động tại bán đảo Sơn Trà nhằm đảm bảo tính bền vững của hệ sinh thái. Và cũng chính điều này, tiếng “kêu cứu” từ Đà Nẵng khả năng sẽ có hướng mở trong thời gian tới”, ông Vinh chia sẻ.