ThienNhien.Net – Sau 4 ngày xét xử vụ án liên quan đến thủy điện Đăkdrinh, TAND tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa thể tuyên án vì số lượng người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan quá nhiều, đến 241 người
Sau 4 ngày đưa ra xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tại dự án thủy điện Đăkdrinh, ngày 19-5, TAND tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa thể tuyên án như dự kiến. Dự kiến phiên tòa sẽ tiếp tục thêm 3 ngày.
Bán đất rồi vẫn được bồi thường
Năm bị cáo của vụ án là cựu cán bộ của huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) bị truy tố gồm Hà Văn Tiên (48 tuổi), nguyên Trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường; Nguyễn Anh Dũng (61 tuổi), nguyên Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nguyễn Vỹ Cường (34 tuổi), nguyên cán bộ địa chính – xây dựng xã Sơn Liên; Lê Khắc Tâm Anh (47 tuổi), nguyên cán bộ địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường xã Sơn Dung và Trần Minh Việt (31 tuổi), nguyên cán bộ địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường xã Sơn Long.
Phiên xét xử sơ thẩm diễn ra từ ngày 16 đến ngày 19-5 với 241 người liên quan, 40 nhân chứng. Nhiều cán bộ chủ chốt tại địa phương như ông Đinh Kà Để, Bí thư Huyện ủy Sơn Tây; ông Lê Văn Tùng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây; ông Phạm Tấn Hoàng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, hiện là Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi, cũng được mời tới tòa.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Quảng Ngãi, trong quá trình lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thủy điện Đăkdrinh, những cán bộ trên biết được trong khu vực lòng hồ thủy điện có nhiều trường hợp mua bán đất không đúng quy định như đất không có giấy tờ hợp pháp, mua bán bằng giấy tay hoặc thỏa thuận miệng… Nếu đưa tên người nhận chuyển nhượng đất vào phương án bồi thường sẽ không được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp. Ông Tiên đề xuất lập phương án đưa tên người đã chuyển nhượng đất vào diện được bồi thường, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp khi bị thu hồi đất (quy về chủ cũ). Khi thực hiện việc này đã gây thiệt hại tài sản của nhà nước hơn 25,3 tỉ đồng.
Làm theo chỉ đạo của cấp trên!
Trong quá trình xét xử, các bị cáo Lê Khắc Tâm Anh, Nguyễn Vỹ Cường và Trần Minh Việt khai không cố ý làm trái quy định của nhà nước như cáo trạng nêu. Quá trình triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng đều do tổ công tác của hội đồng bồi thường dự án làm tất cả mọi việc. Cán bộ địa chính của xã chỉ phối hợp với bí thư chi bộ thôn và già làng đến những thửa đất trên kiểm tra đất của ai và ai là người đang trực tiếp canh tác. Sau đó, cán bộ địa chính ký vào hồ sơ chuyển lên hội đồng bồi thường xem xét.
Còn Nguyễn Anh Dũng và Hà Văn Tiên khai đã làm theo mọi chỉ đạo của lãnh đạo huyện ủy và UBND huyện Sơn Tây. Trước lời khai này, ông Đinh Kà Để và ông Phạm Tấn Hoàng phủ nhận việc lãnh đạo huyện cho chủ trương đưa đất quy về chủ cũ. Lãnh đạo huyện đã yêu cầu phải thực hiện đúng quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Trong ngày xét xử thứ tư, nhiều người dân có đất nơi lòng hồ thủy điện cho biết đã bán đất cho một số người kinh doanh và cán bộ địa phương. Người mua cũng không canh tác trên những mảnh đất đó. Nhưng với phương thức “quy về chủ cũ” rất nhiều người bán đất vẫn nhận được tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp. Số tiền này họ phải đưa toàn bộ cho người mua đất.
Dọa giết phóng viên tham dự tòa
Đại diện phóng viên thường trú tại Quảng Ngãi của Báo Biên Phòng đã có đơn gửi cơ quan chức năng yêu cầu điều tra làm rõ đối tượng đã gọi điện thoại dọa giết phóng viên khi đang dự phiên tòa xét xử vụ án. Vụ việc xảy ra vào chiều 17-5, hai phóng viên của Báo Biên Phòng và Đài Truyền hình Quảng Ngãi dự phiên tòa bị một đối tượng tự xưng là “xã hội đen” liên tục điện thoại để chửi bới và dọa giết. “Đối tượng trên đe dọa “xử đẹp” nếu chúng tôi còn tiếp tục đưa tin, bài liên quan đến việc xét xử vụ án. Sau khi báo với lực lượng chức năng, qua xác minh người dân cho biết có một đối tượng lạ mặt đã đứng trước TAND tỉnh Quảng Ngãi liên tục điện thoại trùng với thời gian chúng tôi nhận được các cuộc điện thoại đe dọa” – đại diện phóng viên thường trú tại Quảng Ngãi của Báo Biên Phòng nói. |