ThienNhien.Net – Ngày 19/5, tại Quảng Ninh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học (22/5), Ngày Chim di cư Thế giới (10/5) và đón nhận danh hiệu Vườn Quốc gia Bái Tử Long trở thành Vườn Di sản của ASEAN.
Sau 2 năm đệ trình hồ sơ, Vườn Quốc gia Bái Tử Long (thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) đã được Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN công nhận danh hiệu Vườn Di sản ASEAN do đáp ứng được 5 tiêu chí về tính toàn vẹn về sinh thái; tính đại diện; tính tự nhiên; tính độc đáo và các loài sinh cảnh quý, hiếm; tính hợp pháp.
Ông Roberto Oliva, Giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN đánh giá: Vườn Quốc gia Bái Tử Long có những hệ sinh thái độc đáo nhất Đông Nam Á về cả mặt sinh thái, khoa học, giáo dục đào tạo. Vườn Quốc gia Bái Tử Long cũng là trường hợp độc đáo của hệ thống các Vườn Quốc gia của Việt Nam cũng như trên thế giới khi có cả 3 hệ sinh thái điển hình và còn khá nguyên vẹn.
Với tổng diện tích 15.783ha, trong đó diện tích rừng và đất rừng là 6.125ha với hơn 80 đảo lớn nhỏ chia thành 3 cụm đảo chính là Ba Mùn, Trà Ngọ và Sậu.
Vườn Quốc gia Bái Tử Long là một tổ hợp các hệ sinh thái toàn vẹn có đủ cả hệ sinh thái núi đất, hệ sinh thái núi đá vôi và hang động, hệ sinh thái biển (bao gồm các rạn san hô, cỏ biển và rừng ngập mặn).
Vườn Quốc gia Bái Tử Long trở thành là Vườn Quốc gia thứ 6 của Việt Nam và thứ 38 của ASEAN được công nhận là Vườn Di sản ASEAN. Trước đó, Việt Nam đã có 5 vườn quốc gia được công nhân là Vườn Di sản ASEAN, gồm: Ba Bể, Hoàng Liên, Kon Ka Kinh, Chư Mom Ray và U Minh Thượng.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, diện tích các khu vực bảo tồn thiên nhiên được tăng lên, một số loài nguy cấp đã được phục hồi và tái tạo lại tự nhiên. Việt Nam cũng có nhiều khu bảo tồn, khu dự trữ sinh quyển, khu vực di sản thiên nhiên thế giới. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng kêu gọi sự tham gia tích cực, hành động thiết thực hơn của cộng đồng và xã hội trong việc chung tay bảo vệ đa dạng sinh học.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc nhấn mạnh: Nhận thức được tầm quan trọng của đa dạng sinh học, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều hành động để đẩy mạnh công tác bảo tồn. Đến nay, 43 tỉnh, thành phố trong cả nước đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hành động về đa dạng sinh học; 16 tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh.
Nhiều khu bảo tồn có ý nghĩa được công nhận, Việt Nam có 8 khu Ramsar (Ramsar là Công ước bảo vệ những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là nơi di trú của những loài chim nước), 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 2 khu di sản thế giới, 5 khu vườn di sản ASEAN, 63 vùng chim quan trọng được Tổ chức Bảo tồn chim thế giới công bố trên toàn cầu.
Nhằm tiếp tục thúc đẩy, tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị cộng đồng cùng nâng cao nhận thức, đặc biệt là thế hệ trẻ, các doanh nghiệp cần nhận rõ tầm quan trọng, giá trị, vai trò của đa dạng sinh học, bảo tồn đa dạng và du lịch bền vững đối với phát triển kinh tế – xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học; tổ chức phát động các phong trào bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý và tiết kiệm các nguồn tài nguyên…
Trong khuôn khổ chương trình, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo về đa dạng sinh học và du lịch bền vững. Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận, trao đổi về các nội dung: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học ở Quảng Ninh; phát huy giá trị đa dạng sinh học trong phát triển bền vững tại Vịnh Hạ Long; Vườn Quốc gia Bái Tử Long với bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch bền vững; các tổ chức, cá nhân giới thiệu về các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch bền vững…