TPHCM: Chưa bước vào mùa mưa đã lo ngập nước

ThienNhien.Net – Hiện các cơ quan chức năng đang nỗ lực để giảm thiểu thiệt hại do ngập gây ra ở TPHCM.

TPHCM chưa bước vào mùa mưa, nhưng những trận mưa trái mùa thời gian qua cũng đã gây ra tình trạng ngập nước nặng nề ở nhiều khu vực, tuyến đường, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Trận mưa chiều qua (15/5) có vũ lượng 105 mm và kéo dài đã khiến cho nhiều tuyến đường như: Phan Huy Ích, Hồ Học Lãm…bị ngập sâu khiến cho giao thông ách tắc, đời sống sinh hoạt của người dân khu vực này bị ảnh hưởng.

Theo thống kê, trên địa bàn TPHCM còn 171 điểm ngập do mưa ở những tuyến đường hoặc hẻm phân cấp do quận, huyện quản lý

Bà Nguyễn Thị Hạnh, buôn bán tại đường Hồ Học Lãm cho biết: Bà không thể bán hàng được vì nước ngập sâu đến qua đầu gối, xe máy và cả ô tô phần lớn đều chết máy khi qua đoạn đường trên.

Còn chị Trương Bảo Nhi ở gần đó cho biết: Mưa lớn gây ngập nặng nhanh đến nỗi không kịp dọn đồ làm hư hỏng nhiều đồ đạc. Sau khi nước rút việc dọn dẹp bùn rác cũng là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây.

Theo thống kê, trên địa bàn TPHCM còn 171 điểm ngập do mưa ở những tuyến đường hoặc hẻm phân cấp do quận, huyện quản lý và 40 điểm ngập do mưa ở những tuyến đường lớn phân cấp Trung tâm chống ngập quản lý. Trong đó, đã có 23 điểm ngập được hạn chế bằng biện pháp cấp bách tạm thời, như: Xây dựng các cống nhỏ để mở hướng thoát về các cống lớn hơn hoặc ra kênh, rạch, sửa chữa các cống đã bị sụp…Nhưng các điểm này cũng không thể chịu nổi khi có mưa lớn.

Từ đầu năm nay, Trung tâm chống ngập đã kiểm tra, đôn đốc tiến độ khắc phục các vị trí, xử lý lấn chiếm hệ thống thoát nước, kênh rạch, tuyến cống, hầm ga, cửa xả; triển khai nạo vét hơn 384 km lòng cống thoát nước, duy tu nạo vét 29 tuyến kênh rạch và cửa xả… tiếp nhận thêm 5 tuyến cống với chiều dài 8,3 km để tăng năng lực thoát nước.

Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý chống ngập, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước nói: “Chúng ta đảm bảo tiến độ các chương trình dự án chống ngập, tăng cường hợp tác khoa học, liên kết với các nhà khoa học dự báo trước tình hình biến đổi khí hậu để có ứng phó thích hợp. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước với hệ thống hạ tầng và vận động tuyên truyền nhân dân thực hiện giám sát thực hiện chiến lược chống ngập”.

Sở GT&VT TPHCM cho biết sẽ phối hợp với các đơn vị khắc phục tình trạng ngập nước tại 8/40 điểm thường xuyên xảy ra ngập nước, triều cường trước ngày 15/6. Dự kiến năm nay sẽ xóa 12/40 điểm ngập và trong tháng 5, Sở phối hợp với Trung tâm điều hành chống ngập thành phố thu thập thông tin tình hình mưa, cảnh báo các điểm ngập lên Cổng thông tin giao thông (www.giaothong.hochiminhcity.gov.vn) để người dân nắm được tình hình ngập nước và có lựa chọn đường đi thích hợp.

Các dự án chống ngập đang được thực hiện theo thứ tự ưu tiên, nhưng khó khăn là nguồn vốn quá lớn. Sở đang cùng với Trung tâm chống ngập, Sở Kế hoạch đầu tư xem xét các điểm ngập có tình hình giao thông phức tạp là Quốc lộ 1A, Quốc lộ 13 (Thủ Đức), đường Hồ Học Lãm (Bình Tân) và đường Huỳnh Tấn Phát (Quận 7) để ưu tiên xử lý trước.

Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GT&VT TPHCM nói: “Tất cả các dự án đều có danh mục và theo thứ tự ưu tiên. Cái gì hiệu quả ưu tiên làm trước. Khó khăn hiện nay là nhiều dự án nếu làm phải mở rộng, nâng cấp đường nguồn lực rất lớn. Đơn cử như Hồ Học Lãm nếu làm phải mất 8.000 – 10.000 tỷ đồng vì nằm trong Vành đai 2 phía Nam. Quốc lộ 1A nếu làm cũng phải mở rộng và nâng cấp hệ thống thoát nước”.

Ông Hồ Long Phi, chuyên gia về ngập nước và biến đổi khí hậu đánh giá: “Hiện vẫn chưa có hy vọng cải thiện nhiều về tình hình chống ngập nước và các điểm ngập sẽ chuyển dần ra ngoại thành như Thủ Đức, Quận 12…

Bởi vì, việc phát triển đô thị mạnh, nhưng hạ tầng thoát nước lại không tương xứng, trong khi các công trình chống ngập lớn phải vài năm nữa mới xong. Quan trọng nhất hiện nay không phải là kỹ thuật mà là nguồn vốn để thực hiện.

Tổng kinh phí dự trù để làm hệ thống chống ngập tại Thành phố là khoảng 8 tỷ USD nhưng hiện nay mới có thể huy động được 3 tỷ. Trong khi đó, trông vào vốn vay quốc tế như của WB cũng đang gặp khó bởi Việt Nam đã không còn trong danh sách ưu tiên và không phải năm nào cũng vay được. Vì thế, muốn đặt ra lộ trình chống ngập 10 năm xong thì cần có nguồn vốn đến 500 triệu USD hằng năm, nếu không giải bài toán nguồn vốn thì phải tốn đến 50 năm hoặc lâu hơn”.

Ông Hồ Long Phi cho rằng mấu chốt vấn đề là phải thay đổi tư duy và cơ chế. Ông nói: “Hiện nay, khó khăn nhất là vốn. Nhưng muốn xã hội hóa phải tạo ra cơ chế. Nếu chúng ta không mạnh dạn sửa đổi thì việc chống ngập còn kẹt dài dài. Đó là mấu chốt và chính quyền phải thấy trách nhiệm của mình chứ không phải các nhà kỹ thuật”.

Chống ngập nước là 1 trong 7 chương trình đột phá giai đoạn 2016 – 2020 của Thành phố Hồ Chí Minh, do vậy, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp ngắn hạn và lâu dài.

Mục tiêu chương trình giảm ngập nước này là tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước ở lưu vực trung tâm thành phố và một phần của 5 lưu vực ngoại vi rộng 550 km2 với 6,5 triệu dân.

Để việc chống ngập hiệu quả cần phải có sự vào cuộc quyết liệt, đồng thuận của các cơ quan chức năng và người dân để kết quả xóa, giảm ngập mang tính bền vững.