ThienNhien.Net – Trao đổi về khúc mắc trong từng dự án thủy điện đã được đề cập ở 3 kì trước, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh thẳng thắn chia sẻ nguyên do vấn đề và cho biết sẽ làm việc với từng đơn vị để giải quyết bất cập.
Ông Ánh cho hay cách đây hai nhiệm kỳ, tỉnh Cao Bằng có chương trình phát triển trọng tâm và tập trung vào một số lĩnh vực, trong đó có thủy điện, do vậy, thời điểm năm 2004 – 2005, dựa trên cơ sở những quy hoạch từ năm 1980, tỉnh đã cấp phép khá nhiều dự án, chỗ nào quy hoạch là có nhà đầu tư đăng ký hết.
Tuy nhiên, từ năm 2005 – 2010, số dự án hoàn thiện rất ít, chỉ khoảng 3 -4 dự án ở Bản Hoàng, Thoong Cót, Bản Rạ. Đa phần những nhà đầu tư còn lại không xây dựng vì thiếu vốn hoặc là có tranh chấp mực nước dâng do lỗi quy hoạch.
Cũng theo ông Ánh, Cao Bằng có lợi thế phát triển thủy điện nhỏ nhưng tiềm năng không lớn, tổng công suất theo quy hoạch chưa đến 400 MW, tổng số khoảng 24 dự án nằm trong quy hoạch và 10 dự án do Bộ Công thương cấp phép. Sau khi có Thông tư 43 của Bộ Công thương yêu cầu quản lý chặt các dự án thủy điện, tỉnh đã loại bỏ một số dự án không đáp ứng, nhưng những thủy điện đã xây dựng như Hoa Thám thì không thu hồi được.
Về nội dung tranh chấp mực nước dâng giữa thủy điện Hòa Thuận và Tiên Thành, ông Ánh cho biết Bộ Công Thương đã quy hoạch lại, đồng thời tỉnh cũng đã đứng ra làm trung gian và tiến hành đền bù năm 2016.
Liên quan đến thủy điện Hoa Thám, ông Hoàng Xuân Ánh khẳng định, nhà đầu tư cũ không có năng lực triển khai tiếp nên đã bán cho chủ mới và chủ mới cam kết thực hiện nhưng giờ vẫn chưa thi công.
Họ viện lý do chỗ xây dựng thủy điện giao thông đi lại khó khăn, giá thành cao, đề nghị được khai thác cát sỏi tại chỗ kết hợp nạo vét lòng hồ để phục vụ cho công trình. Chúng tôi sẽ xem xét vấn đề này vì khu vực đó trước tập trung khai thác khoáng sản, cụ thể là khai thác vàng và tỉnh đã cấm.
Hơn nữa, đây lại là khu vực đầu nguồn sông Bằng sông Hiến nên nếu có cho phép đơn vị này khai thác thì tỉnh sẽ phải giám sát rất chặt. Tỉnh sẽ có chuyên đề riêng làm việc với Hoa Thám, nếu chủ đầu tư không cam kết xây dựng, tỉnh sẽ thu hồi.
Riêng với thủy điện Bản Rạ, ông Ánh cho biết Bản Rạ đúng là đang có vấn đề, nếu tích hết nước thì sẽ ảnh hưởng đến du lịch, đặc biệt chủ đầu tư chưa thực hiện cam kết đầu tư một số hạ tầng ở địa phương, chưa thực hiện chi trả đền bù, hỗ trợ cho người dân. Hiện tỉnh đã giao các ngành phối hợp giải quyết nhanh các việc đang tồn đọng.
Ngoài Bản Rạ, tỉnh còn có thủy điện Bản Hoàng công suất 2,5 MW, vào mùa khô thủy điện tích nước dẫn đến bà con thiếu nước, và thủy điện này cũng không thực hiện một số cam kết làm đường đã hứa với địa phương, do đó, tỉnh cũng sẽ có ý kiến – ông Ánh khẳng định.
Văn Hoàng