ThienNhien.Net – Bạc Liêu còn chưa đến 4.000ha rừng phòng hộ ven biển chạy trên 30km bờ biển. Do đặc điểm địa hình, nên diện tích rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu không lớn. Nhiều năm qua, Bạc Liêu đã nỗ lực trong việc trồng, tái tạo rừng, nhất là rừng phòng hộ. Đầu tháng 5, Bạc Liêu cho tỉa thưa trên 26,3ha và gây ra những phản ứng trái chiều.
Người cho rằng dân tỉa thưa… quá tay
Đây là khu vực rừng phòng hộ thuộc Hạt kiểm lâm Nhà Mát Thành phố Bạc Liêu quản lý nằm trên địa bàn xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu.
Theo phương án tỉa thưa lần này, tổng số hộ dân bị ảnh hưởng 31 hộ với trên 26,3 ha. Mật độ gỗ lấy ra 930,25 Ster, thành tiền 558.150.956 đồng. Tổng chi phí cho việc khai thác bằng cách tỉa thưa này là 241.796.454 đồng (bằng trên 40% tổng số tiền khai thác được) gồn các khoản: thiết kế, bày cây, sơn, xăng, công chặt, vệ sinh rừng, quản lý phí, phí thẩm định. Số tiền còn lại trên 316 triệu đồng. Loại rừng được tỉa thưa là rừng đước, có thời gian trồng gần 10 năm, có nơi trên 10 năm.
Ông Sáu Chọn, chủ khu rừng do bà Đoàn Thị Phương đứng tên với diện tích 0,93 ha thắc mắc “ Theo phương án tỉa thưa khoảng rừng của tôi là 34,19 Ster với giá bán là 20,5 triệu đồng, tôi được chia 8.179.625 đồng sau khi đã từ các chi phí. Tôi đồng ý với việc này, nhưng khi các anh vào đây tỉa thưa lấy đi rất nhiều gỗ. Thậm chí họ lấy nhiều gỗ lớn, có sơn luôn. Khi phát hiện rừng bị chặt quá nhiều, vượt số lượng quy định, tôi ra ngăn và đề nghị đo đúng 34,19 Ster mới được lấy ra khỏi rừng. Vậy mà phần còn lại theo phương án tỉa thưa đã duyệt, bán thu về gần 50 triệu. Tôi cho rằng các anh tỉa thưa hơi quá tay”.
Ông Chọn phản ảnh “Do đây là rưng được giao khoán người dân nhận đất chỉ được khai thác không quá 30% diện tích để nuôi tôm, 70% trồng và bảo vệ rừng, nên hầu hết được tỉa thưa ai cũng mừng vì mặt nước sẽ được trống nhiều, có lợi cho việc lấy mặt nước để nuôi tôm. Lợi dụng điều này, người ta tỉa thưa quá nhiều để lấy gỗ đem bán”.
Ông Nguyễn Văn Đăng đồng ý với việc tỉa thưa, nhưng nêu lên thực tế “Tôi có 1,25 ha tỉa thưa đợt này, các anh không vệ sinh rừng mà đưa cho tôi 745.194.000 đồng. Tôi xin thêm 3 triệu đồng nữa các anh ấy cũng cho. Nhưng nói thật, tôi bỏ ra trên 7 triệu để thuê người ta vệ sinh rừng mới được như vậy”. Gần đó, bà Trần Thị Nga, hộ đứng tên nhận khoán là Lê Công Trịnh cho biết, cũng bỏ ra hơn 5 triệu đồng để làm vệ sinh rừng.
Chúng tôi không dám làm sai quy định
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Phúc, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Bạc Liêu khi đề cập đến việc tỉa thưa rừng phòng hộ bà PV đề cập. Ông Phúc cho biết, theo luật vẫn được cho phép khai thác rừng phòng hộ mới mật độ, mức độ. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi chỉ tỉa thưa. Theo quy định đối với rừng tỉa thưa không phải đấu thầu, việc tỉa thưa phải làm đúng quy định, nghĩa là phải kiểm đếm, bài cây, vệ sinh rừng… Tỉ lệ rừng còn lại phù hợp, thậm chí còn dày hơn so với quy định.
Đối với quá trình tỉa thưa có cây to, ông Phúc lý giải “ Có thể những cây to nằm phía bìa nằm nghiêng chắn phần 30% diện tích của dân nên quá trình tỉa thưa anh em cho chặt để thuận lợi cho người dân. Quan điểm của chúng tôi là không mất rừng và hài hòa lợi ích của người dân”. Đối với cán bộ kiểm lâm mà bà Trần Thị Nga phản ảnh, ông Phúc hứa sẽ chấn chỉnh lại thái độ của cán bộ này.