ThienNhien.Net – Các nhà nghiên cứu tại Quỹ Heinrich Böll mới đây đã công bố một báo cáo độc lập, trong đó cho biết thế giới sẽ cần 300 tỷ USD mỗi năm tính đến năm 2030 để giúp các quốc gia đối phó với những thiệt hại khó tránh khỏi do biến đổi khí hậu gây ra.
Do nguồn tài chính dành cho lĩnh vực trên đang thiếu hụt trầm trọng, nên những sáng kiến kinh tế như đánh thuế khí thải carbon, thuế hàng không hay thuế giao dịch tài chính có thể được cân nhắc để giúp giải quyết vấn đề này.
Báo cáo cũng cho biết không nên thành lập một cơ quan mới để tiếp nhận và phân phối nguồn tài chính này, mà nên chuyển cho các tổ chức hiện hữu như Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) hay Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF).
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của Quỹ Heinrich Böll chỉ ra rằng vấn đề là nhu cầu về nguồn tài chính dành cho việc bù đắp những tổn thất và khắc phục thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra đang ngày càng tăng cao.
Trong khi những hành động ngăn chặn biến đổi khí hậu chưa đạt được hiệu quả, còn những nỗ lực thích nghi với tác động khốc liệt từ biến đổi khí hậu cũng gặp nhiều trở ngại.
Báo cáo trên cũng nói rằng việc trì hoãn các hoạt động chống biến đổi khí hậu sẽ không chỉ dẫn đến việc làm gia tăng chi phí để khắc phục thiệt hại, mà còn khiến thế giới trở nên bất ổn, nghèo khó, bất công và kém bền vững hơn.
Trước đó, trong khuôn khổ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, các nước phát triển đã cam kết hỗ trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2020 cho các nước nghèo hơn nhằm giúp các quốc gia này phát triển “sạch” và thích nghi với những tác động của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, cam kết đó khó thành hiện thực giữa bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ chối đóng góp khoản tiền 2 tỷ USD mà Chính phủ Mỹ đã cam kết với GCF./