ThienNhien.Net – Tối 15/5, tại Trung tâm Văn hóa Pháp Hà Nội – lEspace, Hội các ngành Sinh học Việt Nam tổ chức buổi giao lưu và giới thiệu sách: “Chim Việt Nam” của hai tác giả Võ Quý và Nguyễn Lân Hùng Sơn.
Sách “Chim Việt Nam” ra đời được coi là cuốn “Bách khoa toàn thư về Chim” giúp người đọc hiểu hơn về thế giới kỳ diệu của các loài chim nói chung và khu hệ chim Việt Nam nói riêng. 906 loài chim hiện biết ở Việt Nam đã được mô tả chi tiết cùng với nhiều ảnh màu minh họa.
Nhiều thông tin về các vùng sinh thái, các vùng chim đặc hữu, các vùng chim quan trọng, các loài chim mới phát hiện cho khoa học ở Việt Nam cũng được giới thiệu.
Theo GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng – Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, đây là một cuốn sách có giá trị khoa học rất cao. Cuốn sách rất hữu dụng với những người muốn tìm hiểu thông tin về nhưng điểm có thể quan sát chim ở Việt Nam và với mỗi điểm có thể quan sát được những loài nào.
Tại buổi giới thiệu sách, diễn giả và là đồng tác giả của cuốn sách- PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn (Trưởng Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết: Trải dài qua nhiều vĩ tuyến, Việt Nam có tính đa dạng sinh học cao với nhiều loại rừng, nhiều hệ sinh thái tự nhiên và nhiều tài nguyên quý giá.
Tuy nhiên, nhiều loài sinh vật, cả động vật lẫn thực vật, đã giảm số lượng một cách nhanh chóng trong vài thập kỷ qua. Một số loài đang đứng trước ngưỡng cửa diệt vong.
Có những loài như bò xám, tê giác… thậm chí đã không còn tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là do hoạt động của con người.
Thêm vào đó, phát triển kinh tế ồ ạt và việc ô nhiễm không khí, nước, đất ngày càng nghiêm trọng cũng có tác động tiêu cực. Trái đất ngày càng nóng lên, biến đổi khí hậu cùng các hiện tượng thiên nhiên cực đoan đang là mối lo ngại lớn của loài người và đe dọa đa dạng sinh học.
Cuốn sách Chim Việt Nam là tập hợp những nghiên cứu của Cố giáo sư Võ Quý và người học trò, người cộng sự trẻ: PGS.TS Nguyễn Lân Hùng Sơn. Đây là cuốn sách giới thiệu hoàn chỉnh nhất về khu hệ chim Việt Nam nói riêng và thế giới các loài chim nói chung.
Với 906 loài chim hiện biết ở Việt Nam, mỗi loài đều ẩn chứa trong đó nhiều sự quyến rũ không chỉ là sự sặc sỡ của bộ lông vũ, tiếng hót lảnh lót, du dương mà là cả những câu chuyện về tập tính kỳ lạ của chúng. Với những bức ảnh màu minh họa, người đọc có thể nhận diện được vẻ đẹp của nhiều loài chim mà không dễ gì có thể gặp được ở ngoài tự nhiên.
Tác giả cuốn sách – Cố giáo sư Võ Quý là cây đại thụ của ngành bảo tồn thiên nhiên Việt Nam. Ông có thói quen quan sát chim từ nhỏ. Lên 5 tuổi, ông đã thuộc lòng các loài chim ở quê mình.
Hơn 30 tuổi, ông phát hiện ra con Trĩ lam Hà Tĩnh mà người dân quen gọi là “gà lừng”, chưa được các nhà khoa học thế giới công nhận. Ông đã kiên trì nghiên cứu và tìm kiếm tài liệu chứng minh trong vòng 20 năm.
Loài chim này sau nhiều lần kiểm chứng mới được Hội đồng Quốc tế Bảo vệ chim (ICBP) công nhận là loài mới, và được đặt tên là “Vo Quy Pheasant” – Trĩ Võ Quý, để ghi nhớ công lao của người đã phát hiện và mô tả chính xác một loài Trĩ mới quý hiếm.
Để lại cho đời nhiều cống hiến quan trọng trong lĩnh vực bảo tồn và nghiên cứu về giới tự nhiên, Giáo sư Võ Quý đã qua đời vào ngày 10/01/2017.
Cuốn sách được xuất bản như một lời tri ân đến cố giáo sư Võ Quý vì những đóng góp của ông cho những nghiên cứu về động vật hoang dã của Việt Nam và những nỗ lực của khôi phục lại môi trường sống nhiệt đới đã bị phá hủy.
Qua phần giao lưu với chính tác giả cuốn sách – PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn và nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên chụp ảnh chim hoang dã Đặng Ngọc Sâm Thương, khán giả được hiểu thêm những câu chuyện đi tìm chim và những câu chuyện về chim hoang dã Việt Nam.
Tại buổi giao lưu, khán giả được tham quan triển lãm và chiêm ngưỡng bộ ảnh tuyệt đẹp về chim Việt Nam của các nghệ sĩ nhiếp ảnh trong cả nước.