Chống ngập vẫn tắc!

ThienNhien.Net – Nhiều dự án chống ngập đã đưa vào sử dụng và đang được gấp rút hoàn thiện nhưng ngập vẫn cứ… ngập

Chiều 15-5, cơn mưa kéo dài 2 giờ tuy không phải là quá lớn nhưng cũng đã kịp nhấn chìm nhiều tuyến đường ở TP HCM trong biển nước. Việc đi lại, sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn.

Ngập tứ bề

Có thể nói cảnh ngập nước do cơn mưa chiều 15-5 đã hoàn toàn “làm chủ” các hướng ở TP HCM. Cụ thể, ở khu vực phía Đông – với trọng tâm là quận Thủ Đức – các tuyến đường hầu như ngập trong nước.

Nhìn chiếc xe chết máy trên đường Tô Ngọc Vân với mớ đồ ăn chuẩn bị cho bữa cơm chiều mà chị Nguyễn Thị Thanh (ngụ quận Thủ Đức) muốn rơi nước mắt khi chia sẻ về “nỗi buồn” ngập lụt với chúng tôi. “Nước chảy xiết, ngập tới ống pô như vầy thì sao xe máy chịu được. Kiểu này tốn tiền trăm không biết có sửa được cái xe để mai kịp đi tăng ca sớm không. Thiệt khổ!” – chị Thanh tâm sự và cho biết chuyện ngập ở con đường Tô Ngọc Vân đã thành mạn tính; nghe đâu đã có giải pháp khắc phục nhưng không hiểu tại sao vẫn vậy (?).

Cơn mưa chiều 15-5 đã biến hàng loạt tuyến đường ở TP HCM thành… sông (Ảnh: Quốc Chiến)

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong cơn mưa chiều 15-5, các nút giao thông trên đường Tô Ngọc Vân gần như thất thủ bởi có những chỗ nước ngập vượt yên xe máy. Nguy hiểm hơn, tại đoạn đường dốc mạnh ở góc Linh Đông – Tô Ngọc Vân, nước chảy như thác khiến không ít xe máy khi chạy qua bị cuốn trôi vài mét.

Tương tự, đường Kha Vạn Cân, Võ Văn Ngân của quận Thủ Đức cũng ngập nặng từ 30-50 cm, có đoạn ngập lút bánh xe máy. Hàng loạt xe chết máy khiến người dân phải dắt bộ, bì bõm lội trong dòng nước. Một số người quyết định ghé lại ven đường, ngồi chờ mưa tạnh, nước rút bớt mới dám tiếp tục lưu thông. Mỗi lần xe lớn chạy qua lại tạo thành sóng nước cuốn vào nhà dân, các cửa hàng. Riêng tại các đoạn dốc trên đường Võ Văn Ngân, lực lượng chức năng phải túc trực nhắc nhở, cảnh báo người đi đường.

Ở khu vực phía Tây, tình trạng ngập lụt cũng diễn ra không thua kém phía Đông. Theo đó, trên đường Kinh Dương Vương, Hồ Học Lãm, An Dương Vương (Bình Tân); Hồng Bàng (quận 11); Âu Cơ (Tân Phú)…, mưa chỉ mới được nửa chặng nhưng nước đã ngập lênh láng. “Chẳng lẽ chúng tôi cứ phải chịu khốn khổ vì ngập hoài sao trong khi số tiền hàng ngàn tỉ đã được đưa vào chống ngập” – một người dân thốt lên.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ, cơn mưa chiều 15-5 là mốc đánh dấu sự chính thức bắt đầu của mùa mưa năm 2017 – thời điểm hàng triệu người dân TP phải tìm cách thích ứng với ngập do mưa khi các dự án chống ngập chưa phát huy tác dụng hoặc chưa hoàn thiện vì nhiều lý do.

Vướng đủ đường

Đường An Dương Vương giáp ranh giữa quận 8 và quận Bình Tân từ nhiều năm qua chẳng khác gì con đường làng bởi tình trạng nước ứ đọng sau mỗi cơn mưa. Đáng nói, cuối năm 2014, Sở Giao thông Vận tải TP phê duyệt dự án đầu tư công trình xây dựng hệ thống thoát nước trên đường An Dương Vương, đoạn từ cầu Mỹ Thuận đến bến Phú Định. Sau đó, dự án được triển khai nhưng tiến độ không bảo đảm dự kiến bởi vướng hạ tầng như điện, nước và viễn thông. Lý giải cho sự chậm trễ trên, lãnh đạo Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP (gọi tắt là Trung tâm Chống ngập) cho rằng phải chờ điện, nước di dời (!).

Một điểm ngập mới trong những năm gần đây là khu vực chợ Thủ Đức (quận Thủ Đức) khiến nhiều người không dám đi qua bởi nước chảy rất xiết trên đường Võ Văn Ngân khi mưa lớn. Đường Kha Vạn Cân, từ Dương Văn Cam đến Bưu điện Thủ Đức, hệ thống thoát nước đầu tư đã lâu, một số vị trí bị xuống cấp, đường trũng thấp, cục bộ và lòng rạch Cầu Ngang bị lấn chiếm, không bảo đảm thoát nước. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến các tuyến đường gần đó như Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Hồ Văn Tư bị ngập, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng. Theo phân kỳ đầu tư, những tuyến đường này phải chờ đến năm 2019 mới có dự án cải tạo hệ thống thoát nước. Trước mắt, quận Thủ Đức đã thi công mở rộng rạch Cầu Ngang từ cuối năm 2016, sau khi hoàn thành sẽ giúp thoát nước nhanh hơn. Cũng ở quận Thủ Đức, đường Gò Dưa bị ngập do hệ thống thoát nước cũ kỹ không đáp ứng được yêu cầu tiêu thoát nước.

Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng Phòng Quản lý thoát nước Trung tâm Chống ngập, cho biết trong năm 2017 sẽ giải quyết ngập 13 tuyến đường. Trong đó, Trung tâm Chống ngập làm chủ đầu tư 7 tuyến: đường Gò Dầu, An Dương Vương (từ cầu Mỹ Thuận đến bến Phú Định), Tân Hương, Trương Vĩnh Ký, Ba Vân (góc đường Âu Cơ) tháng 10-2017 xong… Riêng cống thoát nước hoàn thành trong tháng 6, các hạng mục khác như cây xanh, vỉa hè sẽ làm sau đó. Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị làm chủ đầu tư 5 tuyến gồm: Hồng Bàng, Hậu Giang, Cao Văn Lầu, Mai Xuân Thưởng và Lê Quang Sung. Riêng đường Hồ Học Lãm vướng liên quan đến dự án Vành đai 2 nên Sở Giao thông Vận tải TP vẫn đang kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, các quận, huyện cũng đã đề xuất danh sách 1.127 tuyến đường, hẻm cần phải nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước để kết nối đồng bộ với dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).

Cuối cùng, ông Long cho rằng sở dĩ các công trình chống ngập bị chậm tiến độ còn do quy định chỉ được phép thi công vào ban đêm, từ 22 giờ đến 5 giờ hôm sau. “Trong một số buổi làm việc với Trung tâm Chống ngập, nhiều đại biểu HĐND TP đã đề nghị cho phép đơn vị thi công thực hiện ban ngày để đẩy nhanh tiến độ nhưng chưa được đồng ý” – ông Long nói.

Giải quyết vướng mắc ngay trong quý II/2017

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa giao Sở Giao thông Vận tải tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, báo cáo và tham mưu, đề xuất UBND TP giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong quý II/2017; nhất là về tình hình xử lý xây dựng lấn chiếm hệ thống thoát nước trên địa bàn TP.

Đặc biệt, UBND TP chỉ đạo các phòng chuyên môn ưu tiên giải quyết sớm các hồ sơ cấp phép thi công các công trình cấp bách do Trung tâm Chống ngập làm chủ đầu tư thực hiện trong năm 2017 để hoàn thành trước ngày 15-6.

P.Anh