ThienNhien.Net – Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), việc tăng sản lượng khai thác dầu thô tạm chấp nhận được khi giá dầu ở mức trên 50 USD như hiện nay và chi phí khai thác từ các mỏ phải thấp.
Theo báo cáo mới nhất dự kiến trình Quốc hội vào ngày 22.5 tới, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra nhiều giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% năm 2017, trong khi vẫn đảm bảo việc cơ cấu lại nền kinh tế.
Báo cáo nêu, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất đến mức 2,9% vào năm 2019, đồng tiền các nước sẽ liên tục giảm giá so với đồng Việt Nam thì cán cân thương mại của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng, gián tiếp tác động đến tỷ giá, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình đầu tư, làm tăng nợ công của Chính phủ, khiến kiều hối tiếp tục giảm… từ đó ảnh hưởng đến sản xuất và giá cả trong nước.
Với nhiệm vụ thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của cả năm 2017 đạt 6,7%, đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu trung và dài hạn là cơ cấu lại nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng các giải pháp đề ra vẫn cần có sự kết hợp hài hoà giữa giải pháp ngắn hạn và giải pháp căn cơ dài hạn.
Về ngắn hạn, giải pháp nhanh đầu tiên được đề cập là thực hiện tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô trong nước cao hơn so với kế hoạch đã được Thủ tướng giao, nhằm đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP và không để ngành khai khoáng giảm sâu.
Giải pháp tiếp theo là khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến xử lý vấn đề môi trường của dự án Formosa, nếu đủ điều kiện để hoạt động, có thể xem xét cho phép nhà máy đi vào vận hành. Dự án này nếu được vận hành trong tháng 5 sẽ đóng góp khoảng 0,16 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP, cơ quan xây dựng báo cáo tính toán.
Song song đó là việc khẩn trương rà soát tất cả các dự án đầu tư đã hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động, chủ động tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để nhanh chóng đưa dự án vào hoạt động, đóng góp chung cho tăng trưởng.
Đồng thời, Bộ này cho rằng phải rà soát các dự án tư nhân và FDI đã đăng ký đầu tư, tạo điều kiện về mặt thủ tục, đất đai, lao động… để doanh nghiệp nhanh chóng giải ngân, đưa vốn vào nền kinh tế.
Giải pháp nhanh tiếp theo được nêu là khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để triển khai thực hiện các dự án lớn, trọng điểm của quốc gia, tạo cú hích trong đầu tư và tăng trưởng như dự án cao tốc Bắc – Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án chống ngập TPHCM… Bởi vì đây là các dự án có tính lan toả lớn, cần sớm được triển khai để thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân và FDI.
Ngoài ra, báo cáo còn nói về việc phải thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 100.000 tỉ đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng du lịch; đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện và sản phẩm du lịch để tranh thủ thời cơ, đón nhận dòng khách du lịch chuyển đển Việt Nam do tác động của việc giải quyết các mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa một số quốc gia có lượng khách du lịch lớn trong khu vực…
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, giữa tăng trưởng GDP với tăng trưởng về mức sống, thu nhập của người dân không đi đôi với nhau. Ví dụ đơn giản như việc chúng ta đập vỉa hè, xây lại vị trí khác như vừa qua cũng khiến cho GDP tăng trưởng rồi. Cho nên, tăng trưởng GDP không hẳn là mục tiêu mà các quốc gia hướng đến.
Chuyển dần từ mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên, khoáng sản, từ chiều rộng sang chiều sâu, chú trọng chất lượng, xây dựng công nghiệp hiện đại, theo chuỗi để có giá trị gia tăng lớn nhất.
Việc đẩy mạnh khai thác dầu thô cũng có thể tạm chấp nhận được trong thời điểm hiện tại, khi giá dầu ở mức hơn 50 USD/thùng, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước trong giai đoạn cực kỳ căng thẳng hiện nay. Tuy nhiên, chỉ nên tăng sản lượng khai thác dầu thôi khi giá dầu ở mức trên 50 USD như hiện nay và chi phí khai thác từ các mỏ phải thấp.
“Tôi nghĩ nhiều người không đồng tình với việc này bởi quan niệm mở rộng sản xuất, khai thác tài nguyên để tăng GDP đã không hợp lý. Tuy nhiên, rõ ràng là chúng ta vẫn đang cần đến giải pháp này trong một thời gian nữa”, ông Thịnh nói.
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng trong nước nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.
Bên cạnh đó, theo ông Đinh Trọng Thịnh, giải pháp đưa các doanh nghiệp đang đầu tư vào khai thác, phát huy hiệu quả là điều rất quan trọng. Điều này được thực thi đúng kế hoạch sẽ làm cho những cân đối của nền kinh tế được thực hiện đúng với kế hoạch đã đề ra.
“Mục tiêu tăng trưởng 6,7% là cực kỳ khó khăn trong giai đoạn này. Tuy nhiên, cũng có một số tia sáng như việc chúng ta giữ ổn định giá trị đồng tiền, giữ ổn định lạm phát trong thời gian qua. Đồng thời, giá dầu thô trên thế giới đang chuyển mình”, ông Thịnh nói.
Tuy nhiên, theo phân tích của Ủy ban Kinh tế thì tăng trưởng chưa thực sự bền vững, tăng trưởng của quý 1/2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây. Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình khoảng 7% nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3 – 6,5%.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, không quá coi trọng tốc độ tăng trưởng mà tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng tăng trưởng bảo đảm bền vững; cần có đánh giá khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm sẽ tác động đến các chỉ tiêu khác như tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách…