ThienNhien.Net – Theo thống kê của năm 2015, nhu cầu sử dụng cát chỉ vào khoảng 92 triệu m3, năm 2020 phải tăng lên đến 130 triệu m3. Trong khi đó, tổng tài nguyên cát của Việt Nam chỉ ước khoảng 2,3 tỷ m3, đáp ứng 60 – 65% nhu cầu của các thành phố lớn. Với tốc độ xây dựng như hiện nay thì chỉ chưa đầy 15 năm nữa, nguồn cung cát sẽ cạn kiệt và tương lai phải đi nhập khẩu… cát!
Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) vừa đưa ra công bố, từ năm 2016 đến nay, cả nước có hơn 10 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cát nhiễm mặn theo giấy phép của Bộ Xây dựng. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có giấy phép nhưng không làm thủ tục xuất khẩu. Đây là các doanh nghiệp thực hiện dự án nạo vét bằng hình thức xã hội hóa. Tuy vậy, các doanh nghiệp được quyền bán toàn bộ cát thu được để bù chi, sau khi nộp các loại chi phí thì được hưởng phần lợi nhuận thu được. Phần lớn các dự án nạo vét tận thu có xuất khẩu cát sang Singapore đều tập trung ở vùng biển miền Trung.
Theo một số kết quả nghiên cứu gần đây của các cơ quan khoa học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng cát khi thác hàng năm giao động khoảng hơn 10 triệu m3 khiến cho lòng sông Hồng bị hạ thấp dẫn đến mực nước sông hạ thấp. Việc này tác động rất lớn đến việc lấy nước của các công trình lấy nước tưới cho Đồng bằng sông Hồng, tác động tiêu cực đến môi trường và cảnh quan và cuộc sống của cộng đồng ven sông.
TS. Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Hội Tưới tiêu Việt Nam, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) cho biết, hiện nay, cát phục vụ nhu cầu xây dựng, sản xuất của các địa phương có 2 nguồn chính. Một là từ các mỏ cát ở vùng núi, ở các bãi sông lớn. Hai là cát ở dưới đáy các dòng sông.
Việc khai thác cát dưới lòng sông để bán hiện đang mang lại siêu lợi nhuận. Do đó các doanh nghiệp liên tục đẩy mạnh khai thác cát, kể cả chính thức hoặc khai thác lậu. Việc này diễn ra công khai tại nhiều dòng sông chảy qua các tỉnh, thành cả nước. Thậm chí cát còn được xuất khẩu. “Nếu không quy hoạch và không tìm loại vật liệu khác thay thế thì nguy cơ không còn cát để xây dựng là rất lớn”- ông Tứ cảnh báo.
Theo ông Lê Thế Ngọc – Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), việc sử dụng các nguyên liệu thay thế cát đã được ứng dụng từ 10 năm nay. Hiện đã có các loại nguyên liệu thay thế cát như cát nghiền, tro, vỉ, thạch cao… đảm bảo các công năng của cát. Mới đây, Thủ tướng đã có Quyết định 452 phê duyệt đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. Quyết định này khi thực hiện sẽ bảo vệ môi trường và giảm sử dụng tài nguyên. Mục tiêu là đến năm 2020 phải xử lý và sử dụng khoảng 75 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao vào sản xuất vật liệu xây dựng.