ThienNhien.Net – Theo ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, sau khi rà soát, tỉnh Đắk Lắk loại bỏ 17 dự án thủy điện vừa và nhỏ, tổng công suất 27,4 MW, 69 vị trí tiềm năng có tổng công suất 117 MW.
Tỉnh Đắk Lắk cũng dừng xây dựng Nhà máy thủy điện nhỏ Đrăng Phốk (có công suất 10 MW) do phải chuyển mục đích sử dụng hơn 60ha rừng đặc dụng tại Vườn quốc gia Yok Đôn.
Cũng theo ông Y Giang Gry Niê Knơng, nguyên nhân loại bỏ các dự án cũng như vị trí tiềm năng thủy điện là do hầu hết các vị trí này đều nằm trên diện tích rừng, đất rừng. Vì vậy, khi triển khai xây dựng, các nhà máy thủy điện đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên rừng, môi trường sinh thái trên địa bàn.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 24 Nhà máy thủy điện đang hoạt động, với tổng công suất 957 MW; trong đó, chỉ riêng trên lưu vực sông Sêrêpốk có 12 công trình với tổng công suất 841 MW.
Mặt khác, theo đánh giá của các ngành chức năng, Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng có nhiều tiềm tiềm năng phát triển điện gió và điện năng lượng Mặt Trời ít ảnh hưởng đến tài nguyên rừng.
Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu đạt công suất lắp máy điện năng lượng Mặt Trời và điện gió trên 5.250 MW; trong đó, điện gió tập tập trung ở các địa bàn như Krông Búk, Cư M’gar, Krông Năng, Ea H’Leo và thị xã Buôn Hồ, với tổng công suất 1.382 MW. Sản lượng điện còn lại được sản xuất từ các nhà máy năng lượng điện Mặt Trời.
Trên địa bàn hiện có 12 dự án điện gió, điện năng lượng Mặt Trời của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng được tỉnh Đắk Lắk trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư.