ThienNhien.Net – Việc cấp đất giao rừng xé nát Sơn Trà và ý định hợp pháp hóa việc xé nát đó của lãnh đạo chính quyền Đà Nẵng thời kỳ trước đây đang để lại rất nhiều vấn đề vô cùng nan giải.
Việc vi phạm pháp luật về đất đai ở bán đảo Sơn Trà diễn ra từ lâu. Thời chưa tách tỉnh, việc phá rừng diễn ra lén lút, trách nhiệm của chính quyền là không tổ chức quản lý chặt chẽ và không xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm. Từ sau khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tình trạng vi phạm trở nên nghiêm trọng với sự can dự của chính quyền thành phố. Từ năm 2000 đến cách đây khoảng 4-5 năm, lãnh đạo chính quyền thành phố Đà Nẵng đã tùy tiện giao đất giao rừng trái pháp luật, rồi tìm cách hợp pháp hóa tình trạng phi pháp đó, khiến cho ban lãnh đạo chính quyền hiện tại cực kỳ lúng túng trong việc xử lý những vấn đề ở Sơn Trà, thực chất là phải giải quyết hậu quả của những nhiệm kỳ trước.
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng thời đó đã đem đất đai rừng cấm Sơn Trà cấp phát vô tội vạ. Điều lạ lùng là hàng loạt doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp được giao hàng trăm ha đất của Sơn Trà, là những tổ chức kinh tế lớn lẽ ra được trang bị kiến thức pháp lý đến tận răng, vẫn cứ làm ngơ như không biết đúng sai. Câu chuyện 40 biệt thự xây dựng trái phép mà báo chí đồng loạt biến thành “tiêu điểm” tại Sơn Trà chỉ là chuyện quá bé nhỏ so với thực tế ở Sơn Trà.
Sở dĩ chúng tôi nói quá bé nhỏ là vì, thứ nhất, bản thân 40 biệt thự đó chỉ là một phần của dự án Khu Du lịch sinh thái biển Tiên Sa 30,35 ha (chưa tính dự án mở rộng 142 ha đang làm hồ sơ thiết kế và quy hoạch). Trái luật là toàn thể cái dự án đó trái luật, không riêng gì 40 biệt thự không phép. Thứ hai, dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa cũng chỉ là một phần trong số một loạt các dự án đã giao đất và cấp phép trái luật lên tới hơn 1200 ha. Danh mục các dự án này được ghi trong phần thuyết minh bản Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Bản quy hoạch này không nằm trong danh mục tài liệu mật, nên có thể dễ dàng tiếp cận.
Đáng lưu ý là hầu hết các dự án đó đã được cấp phép và giao đất từ những năm 2000-2010, muộn nhất là vào năm 2012, là thời gian chưa có bất cứ một quy hoạch nào được Chính phủ phê duyệt làm giảm diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Rất nhiều dự án còn được cấp đất trước khi có Quyết định số 6758/QĐ-UBND ngày 20/9/2008 của UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng của thành phố mà chúng tôi đề cập ở kỳ trước. Đến nay, nhiều dự án đã triển khai và đưa vào sử dụng từng giai đoạn. Một số dự án do kinh tế khó khăn và bất động sản đóng băng mấy năm gần đây nên chưa triển khai nhưng vẫn giữ đất “xí phần”, nếu kinh tế không gặp khó khăn thì Sơn Trà đã không còn như bây giờ.
Và người ta đã tìm mọi cách để hợp thức hóa những dự án trái luật ấy!
Trước hết, bằng Quyết định số 6758/QĐ-UBND để giảm diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà xuống chỉ còn 2.591,1 ha rừng đặc dụng (không có bất cứ loại rừng nào khác), tức giảm 41% diện tích Khu bảo tồn Sơn Trà. Cái quyết định này chắc chắn không đủ “vững” về mặt pháp lý cho những dự án đã được cấp đất trái pháp luật, nên phải đi xa hơn để tìm kiếm công cụ pháp lý “mạnh” hơn, đó là tìm cách đưa vào các quyết định liên quan của Chính phủ, gần đây nhất là Quyết định số 1976/QĐ-TTg của Chính phủ do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ký ngày 30.10.2014 “phê duyệt quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng của cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó quy hoạch rừng đặc dụng của Khu dự trữ thiên nhiên Sơn Trà là 2.591,1ha. Có thể thấy một cách dễ dàng rằng người ta đã lấy con số 2.591,1ha của UBND thành phố Đà Nẵng lập ra một cách trái phép lồng vào một Quyết định của Chính phủ.
Tại cuộc Hội thảo “Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng” diễn ra ở Đà Nẵng vào ngày 28-4 vừa qua, Kiến trúc sư Hoàng Sừ có dẫn Nghị quyết Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 12/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) của thành phố Đà Nẵng, trong phần chuyển mục đích sử dụng đất có ghi rõ chuyển 1906 ha đất rừng đặc dụng qua đất phi nông nghiệp. Nhưng theo chúng tôi, Nghị quyết đó vẫn là một văn bản phê duyệt quy hoạch, chưa đủ hiệu lực pháp lý để cắt giảm diện tích khu bảo tồn. Vả lại, sau Nghị quyết này, chỉ có mấy tháng sau, tại Quyết định số 45/QĐ-TTg (ký ngày 8-1-2014) Chính phủ vẫn xác định diện tích của Khu dự trữ thiên nhiên Sơn Trà là 3.871ha, không thấp quá xa so với diện tích được xác định từ đầu của khu bảo tồn.
Cuối cùng là một quyết định mới nhất do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký- Quyết định số 2163/QĐ-TTg “phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà”, “lấy không” 1.056ha của khu bảo tồn để quy hoạch làm du lịch.
Mọi sự rối rắm của các quyết định quy hoạch liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà chung quy lại là gì? Trước hết là để hợp pháp hóa việc giao đất giao rừng bất hợp pháp nhằm “chỗ dựa” cho các dự án trái phép trên bán đảo Sơn Trà. Chúng ta không khó nhìn thấy đường đi của các “nhóm lợi ích”. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng trước khi ký các quyết định không thể tự mình đi đo đất đo rừng, không thể tự mình thẩm định đối chiếu các văn bản pháp luật. Các cơ quan tham mưu phải làm việc đó theo luật định. Tình trạng các “nhóm lợi ích” lũng đoạn chính sách không chỉ diễn ra ở Đà Nẵng mà diễn ra trong phạm vi cả nước, nghiêm trọng đến mức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải nhiều lần lên tiếng. Nhưng tình trạng ở Đà Nẵng, xung quanh Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, là dễ thấy và khá điển hình.
Hậu quả của việc xé nát Sơn Trà và ý định hợp pháp hóa việc xé nát đó đang để lại rất nhiều vấn đề vô cùng nan giải. Chúng tôi tin là đương kim Thủ tướng Chính phủ sẽ sáng suốt xử lý bằng những phương cách thích hợp để bảo đảm vừa giữ nghiêm phép nước vừa giữ được ít nhất là những gì còn lại của Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà
(còn tiếp)
Ký sự Sơn Trà – Kỳ 1: Chuyện về ông “thần rừng”