ThienNhien.Net – Phát triển kinh tế – xã hội và giải quyết ô nhiễm không khí đang là thách thức lớn đối với Việt Nam. Bên cạnh tình trạng phát sinh nguồn gây ô nhiễm ngày càng khó lường thì công tác kiểm tra, xử lý còn nhiều vướng mắc…
Khó xử lý vi phạm
Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm, thuộc Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), chất lượng không khí ở Việt Nam chưa có nhiều cải thiện và còn nhiều thách thức. Trong đó, đáng chú ý là chỉ số chất lượng không khí (hơn 50% số ngày trong năm có chất lượng không khí kém); nồng độ bụi ở một số làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng vượt quy chuẩn từ 3 đến 8 lần, hàm lượng SO2 (là chất rất độc hại đối với sức khỏe con người và sinh vật, gây ra các bệnh về phổi, phế quản) có nơi vượt ngưỡng 6,5 lần. Mặt khác, việc đốt rơm rạ sau thu hoạch cũng ảnh hưởng đến giao thông công cộng và bầu không khí trong khu vực.
Về kiểm soát ô nhiễm không khí ở Việt Nam, Trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm không khí và nhập khẩu phế liệu (Cục Kiểm soát ô nhiễm – Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Hoàng Đức cho biết: Việc áp dụng, tuân thủ quy định pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường không khí của các tổ chức, cá nhân còn hạn chế nên thực tế vẫn còn một số doanh nghiệp (DN) xả thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường không khí. Việc áp dụng công nghệ xử lý khí thải ở các nhà máy mới giải quyết được các khí cơ bản như bụi, nitơ…
Đáng nói, việc thực hiện quan trắc môi trường không khí tại các nhà máy mới chỉ mang tính hình thức, thực chất chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân của tình trạng này là do quy định về kiểm soát ô nhiễm không khí ở Việt Nam còn thiếu, chưa có quy định về giám sát xử lý khí thải của DN trong quá trình hoạt động, chưa triển khai hệ thống cấp giấy phép khí thải…
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nguồn phát khí thải chưa kịp thời, hiệu quả thấp. Ông Nguyễn Văn Cường – cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết: Rất khó xử lý đối với các DN xả thải gây ô nhiễm môi trường do không khí biến đổi theo thời điểm rất nhanh, trong khi quy định về công tác thanh tra môi trường khi triển khai hoạt động này cần phải báo trước. Chính điều này đã “tiếp tay” cho cơ sở sản xuất có đủ thời gian để đối phó, khiến các ngành chức năng khó phát hiện vi phạm.
Mặt khác, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu, lực lượng thanh tra viên vừa “mỏng” vừa thiếu kinh nghiệm, kỹ năng tác nghiệp. “Thậm chí, có DN đưa ra những lý do “lập lờ đánh lận con đen”. Khi lực lượng chức năng vào kiểm tra, phát hiện xả thải không khí ra môi trường nhưng không xử lý được DN vì họ “bao biện” ống khói của nhà máy gần với Nghĩa trang Văn Điển nên không thể tách biệt đâu là khí thải của DN” – ông Nguyễn Văn Cường minh chứng.
Nâng cao nhận thức trong cộng đồng
Với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng như hiện nay, để kiểm soát, rất cần những nghiên cứu và xây dựng chính sách, giải pháp quản lý phù hợp… Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lê Hoài Nam: Trước mắt, các cơ quan chức năng cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện văn bản pháp luật có liên quan đến quản lý chất lượng không khí. Đồng thời, tăng cường nguồn lực thanh tra, kiểm tra việc thực thi các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và huy động sự tham gia giám sát của cộng đồng trong công tác quản lý chất lượng không khí…
Về lâu dài, cần kết hợp đồng bộ các nhóm công cụ nhằm quản lý chất lượng không khí, tăng cường áp dụng công cụ kinh tế trong quản lý như: Cơ chế trao đổi hạn ngạch khí thải công nghiệp, dịch vụ, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Công cụ kỹ thuật cũng cần được thực hiện thông qua việc đẩy mạnh hoạt động quan trắc, kiểm kê khí thải, kiểm soát môi trường không khí tại các đô thị và các khu công nghiệp, xây dựng mạng lưới quan trắc chất lượng không khí và thực hiện kiểm tra nguồn phát thải ở các nhà máy… Mọi thông tin đó cần công bố công khai trước công luận.
Để hạn chế ô nhiễm không khí, theo Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Nghiêm Vũ Khải, do tính chất đặc thù của ô nhiễm không khí nên ở nhiều nước trên thế giới đã ban hành luật về ô nhiễm không khí. Vì vậy, đã đến lúc Việt Nam cần nghiên cứu, ban hành đạo luật về kiểm soát vấn đề này nhằm ngăn chặn việc phát thải các loại khí độc xâm hại môi trường. Các cơ quan chức năng khi kiểm tra chất lượng không khí ở các nhà máy cần sát sao, cụ thể hơn khi lấy mẫu (tại nguồn phát) để có căn cứ xử phạt.
Việc xử phạt cần nghiêm minh theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải thực hiện trách nhiệm khắc phục và phục hồi môi trường”. Ông Khải cũng cho rằng, để giải quyết tận gốc, cần chú trọng tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong cộng đồng về bảo vệ môi trường; đồng thời, khuyến khích các DN tăng cường áp dụng công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, tích cực sử dụng năng lượng tiết kiệm, năng lượng tái tạo…
Môi trường không khí có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho sự sống trên trái đất. Vì vậy, bảo vệ chất lượng không khí, gìn giữ không khí trong sạch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe người dân.