Hội nghị chuyên đề IPU châu Á-TBD đạt được nhiều dấu ấn quan trọng

ThienNhien.Net – Hội nghị khu vực châu Á-Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu – Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững” do Quốc hội Việt Nam phối hợp với Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) tổ chức đã thành công với nhiều dấu ấn quan trọng.

Đây là đánh giá của ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam tại buổi họp báo kết quả Hội nghị diễn ra chiều 13/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, Hội nghị chuyên đề của IPU khu vực châu Á-Thái Bình Dương kết thúc, đạt được những mục tiêu căn bản đã đề ra và để lại những dấu ấn quan trọng trong nghị trình hoạt động của IPU cũng như các Nghị viện thành viên các nước châu Á​-Thái Bình Dương.

Với nội dung thiết thực và có giá trị cao đối với thực tế các quốc gia, hội nghị đã nhận được quan tâm, tham gia của nhiều lãnh đạo cấp cao nhất của Quốc hội, cơ quan lập pháp các nước châu Á​-Thái Bình Dương cùng hơn 200 đại biểu đến từ Quốc hội của 22 nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đại diện của các tổ chức quốc tế quan trọng; các chuyên gia, cơ quan ngoại giao các nước tại Việt Nam.

Đoàn Việt Nam dự Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Hội nghị lần này đã diễn ra sự kiện công bố Bộ tiêu chí tự đánh giá việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) dành cho các Nghị viện các nước và lễ chuyển giao chức Chủ tịch Diễn đàn Nghị viện ​châu Á-Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2017-2018 giữa Quốc hội Fiji và Quốc hội Việt Nam, ghi nhận dấu mốc quan trọng khẳng định vai trò và sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Hội nghị nhằm mục đích tăng cường vai trò của Quốc hội thúc đẩy hành động vì các mục tiêu phát triển bền vững; tạo diễn đàn để các nghị sỹ trong khu vực trao đổi về những vấn đề mang tính thời sự hiện nay, đó là biến đổi khí hậu, một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với phát triển bền vững, với những tác động tiêu cực và lan rộng ảnh hưởng đến những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.

Các đại biểu thảo luận nhiều nội dung quan trọng trong đó có những biện pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của các Quốc hội, ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu, thực thi những cam kết quốc gia trong lĩnh vực này, phát huy tinh thần “biến lời nói thành hành động” của Tuyên bố Hà Nội tại Đại hội đồng IPU-132.

Theo ông Nguyễn Văn Giàu, hội nghị đã đạt được mục tiêu đề ra đó là nêu bật vai trò của Quốc hội trong việc thực hiện SDGs cũng như ứng phó biến đổi khí hậu, cho thấy Quốc hội cần phải có hành động mạnh mẽ hơn, tham gia thực chất hơn vào quá trình thực hiện SDGs ở từng quốc gia.

Để có thể đánh giá sự tham gia của Quốc hội trong lĩnh vực này, lần đầu tiên, IPU và UNDP đã xây dựng Bộ tiêu chí tự đánh giá và chính thức công bố với khu vực châu Á-Thái Bình Dương để Quốc hội các nước trong khu vực tự đánh giá tiến độ và chất lượng triển khai thực hiện những cam kết nhằm đạt được SDGs, góp phần nâng cao năng lực của Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội trong thúc đẩy thực hiện SDGs.

Tại buổi họp báo, ông Martin Chungong, Tổng thư ký IPU đã cảm ơn Quốc hội Việt Nam cùng các ban ngành hữu quan và Thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực làm nên thành công cho Hội nghị chuyên đề IPU lần này.

Sự tham gia đông đảo các đoàn nghị sỹ với nhiều lãnh đạo cấp cao các Nghị viện đã chứng tỏ tính chất quan trọng của Hội nghị và thể hiện sự thống nhất cao giữa Việt Nam và IPU trong hoạt động tổ chức Hội nghị.

Theo ông Martin Chungong, Hội nghị đã cung cấp cho Nghị viện các nước châu Á-Thái Bình Dương những hiểu biết sâu sắc, rõ ràng hơn trong nỗ lực thực hiện các thỏa thuận chống hậu quả của biến đổi khí hậu.

Với sự có mặt của đông đảo các Nghị sỹ của nhiều nước, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, hội nghị đã giúp tạo ra những tiến bộ trong hoạt động hợp tác giữa Nghị viện các nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Hội nghị đã khẳng định, các Quốc hội quyết tâm sử dụng quyền lực, chức năng của mình, kiên định với chương trình nghị sự hiệu quả, trong đó tăng cường sự kết nối giữa các quốc gia trong giúp đỡ những nước nghèo đói có được khả năng phát triển bền vững.

Các Nghị viện trên cơ sở mối quan tâm của các quốc gia trong Liên hợp quốc và quyết tâm chính trị của mỗi quốc gia xây dựng cơ chế hợp tác mạnh mẽ để huy động các nguồn lực tài chính và phi tài chính, tăng cường đối thoại để thực hiện chức năng cơ quan lập pháp vì quyền lợi người dân.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Martin Chungong đánh giá cao vai trò thành viên Ban Chấp hành IPU của Việt Nam trong việc tham gia hoạch định chính sách của IPU và khẳng định IPU luôn sẵn sàng hợp tác cùng Quốc hội Việt Nam, giúp Quốc hội Việt Nam tiếp tục theo đuổi các chương trình nghị sự của mình, thể hiện tiếng nói người dân và mang lại quyền lợi cho người dân.

Trước câu hỏi của phóng viên TTXVN liên quan đến sự ra đời Bộ tiêu chí tự đánh giá về việc thực hiện SDGs, ông Nguyễn Văn Giàu khẳng định Việt Nam ủng hộ sáng kiến về Bộ tiêu chí bởi với 8 bộ câu hỏi về 17 mục tiêu và 169 mục tiêu hành động, Bộ tiêu chí góp phần xác định nhận thức rõ ràng hơn của Quốc hội đối với vấn đề phát triển bền vững.

Trong thời gian tới, nội dung Bộ tiêu chí sẽ được đưa vào hành động của Quốc hội Việt Nam trong việc rà soát thực hiện các mục tiêu; các chính sách về thu hút và phân bổ nguồn lực từ các quốc gia phát triển, các tổ chức tài chính đa phương; nâng cao vai trò hoạt động giám sát của Quốc hội.

Trước mắt, Quốc hội Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền nội dung của Bộ tiêu chí, góp phần thúc đẩy việc thực hiện thành công SDGs.

Cũng tại buổi họp báo, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cho biết, từ nhiều năm nay, Việt Nam đã xây dựng danh mục các dự án ưu tiên triển khai thực hiện, bao gồm các dự án liên quan đến hoạt động phòng chống biến đổi khí hậu như phòng chống bão, lụt, quản lý dự trữ nguồn nước, bảo vệ và phát triển rừng, tăng cường nâng cao năng lực quan trắc khí tượng thủy văn.

Tuy nhiên, theo ông Trần Hồng Hà, để đạt những mục tiêu lớn hơn như giảm khí nhà kính, chuyển đổi mô hình tăng trưởng… rất cần đến sự hợp tác từ các đối tác phát triển của các nước và các tổ chức tài chính quốc tế – đó là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững.

Nguồn: