ThienNhien.Net – Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Y Giang Gry Niê Knơng: Tỉnh Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp, ổn định dân di cư ngoài kế hoạch trên địa bàn nên đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có hơn 5.000 hộ với gần 30.000 nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số của các tỉnh phía Bắc di cư đến ngoài kế hoạch còn sinh sống trong rừng, ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nguyên nhân cơ bản là tỉnh không đủ nguồn lực cũng như không còn quỹ đất để bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào di cư ngoài kế hoạch.
Thực tế, phần lớn các dự án bố trí ổn định dân di cư đến ngoài kế hoạch cũng như định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Đắk Lắk đều lấy diện tích rừng nghèo kiệt cải tạo tạo thành khu dân cư, khu sản xuất cho đồng bào.
Giai đoạn 2013 – 2015, định hướng đến năm 2020, tỉnh Đắk Lắk đã được Nhà nước phê duyệt 15 dự án với tổng nguồn vốn đầu tư cả nghìn tỷ đồng, để ổn định đời sống cho hơn 5.000 hộ với gần 30.000 khẩu là dân di cư đến ngoài kế hoạch tại các địa bàn huyện Ea Súp, Krông Năng, Krông Bông, Cư M’gar, trong đó bố trí tập trung 2.676 hộ, bố trí xen ghép 957 hộ, ổn định tại chỗ gần 1.900 hộ.
Tuy nhiên, do nguồn kinh phí của Trung ương hỗ trợ còn ít (mới 100 tỷ đồng) nên tỉnh Đắk Lắk mới triển khai thực hiện được 11 dự án, gồm quy hoạch bố trí ổn định dân di cư đến ngoài kế hoạch tại các địa bàn huyện Cư M’gar, Lắk, Ea Súp, Krông Bông.
Các dự án này bước đầu đã đầu tư xây dựng nhiều kết cấu hạ tầng như hệ thống đường giao thông nông thôn 224 km, 110 trường học, nhà mẫu giáo, hàng chục công trình thủy lợi, cầu, hàng trăm giếng nước sạch… phục vụ sản xuất và đời sống cho đồng bào.
Mặt khác, từ khi có Thông báo số 191 ngày 22/7/2016 của Văn phòng Chính phủ Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục bền vững rừng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016- 2020 nên tỉnh Đắk Lắk đã dừng tất cả các dự án không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên hiện còn, đất rừng sang mục đích sử dụng khác, kể cả 4 dự án ổn định dân di cư đến ngoài kế hoạch.
Tỉnh Đắk Lắk tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào di cư đến ngoài kế hoạch đang sinh sống trong vùng xung yếu, các vùng trọng điểm của rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ra khỏi rừng và bố trí vào các vùng quy hoạch sắp xếp dân cư hoặc sống xen ghép vào các thôn, buôn của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
Sau khi sắp xếp đổi mới các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp trên địa bàn, tỉnh thu hồi một số diện tích đất dôi dư, lập phương án bố trí sắp xếp ổn định dân di cư đến ngoài kế hoạch; đồng thời, phối hợp với các đơn vị chức năng, các tỉnh có dân di cư đến ngoài kế hoạch vận động đồng bào trở về quê cũ.
Tỉnh Đắk Lắk cũng kiến nghị với Trung ương bố trí đủ nguồn vốn cho các dự án đã thực hiện theo đúng kế hoạch (11 dự án đang thực hiện với nguồn vốn theo kế hoạch được duyệt là 219,8 tỷ đồng); đồng thời, tạo điều kiện cho tỉnh được chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong vùng đã lập dự án do đồng bào di cư đến ngoài kế hoạch khai phá mà đồng bào đang canh tác, có khả năng phát triển nông nghiệp để góp phần giải quyết dứt điểm việc sắp xếp các khu dân cư và bố trí đất sản xuất, từng bước nâng cao đời sống cho đồng bào tại các dự án đã triển khai thực hiện.