ThienNhien.Net – Đảm bảo tất cả các loài linh trưởng ở Việt Nam phân bố bên trong và bên ngoài các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên được bảo tồn và phát triển bền vững thông qua bảo vệ hiệu quả các quần thể và môi trường sống của chúng dưới sự quản lý của nhà nước và sự tham gia, ủng hộ của toàn thể xã hội.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Theo đó, sẽ tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật; ngăn chặn hoạt động săn bắn, bẫy bắt và buôn bán trái pháp luật đến năm 2025 giảm 70% nạn săn bắn các loài linh trưởng; xây dựng ít nhất 03 trung tâm cứu hộ đạt tiêu chuẩn để thực hiện việc cứu hộ, tái thả các cá thể linh trưởng theo các quy trình.
Ngăn chặn săn, bắn
Một trong các nhiệm vụ của Đề án là nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật để bảo vệ các loài linh trưởng và môi trường sống của chúng. Cụ thể, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành và hỗ trợ hoạt động kiểm soát và thu giữ các loại súng săn trong các khu dân cư gần với môi trường sống của các loài linh trưởng nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Bên cạnh đó, xây dựng và hỗ trợ thực hiện chương trình tháo gỡ bẫy và ngăn chặn săn, bắn tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên có phân bố các linh trưởng nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; áp dụng Công cụ báo cáo và giám sát không gian (SMART) cho các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên có các loài linh trưởng nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Các vườn quốc gia và khu bảo tồn có phân bố các loài linh trưởng nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ phân bổ ngân sách hàng năm để ưu tiên nghiên cứu, bảo vệ và giám sát các quần thể linh trưởng tại chỗ; có các hoạt động bảo vệ và ngăn chặn các hoạt động làm suy thoái rừng tại những khu vực là môi trường sống của các loài linh trưởng; tiến hành các hoạt động bảo vệ, phục hồi rừng và trồng rừng nhằm nâng cao chất lượng và mở rộng môi trường sống cho các loài linh trưởng được ưu tiên bảo tồn tại chỗ.
Ưu tiên các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực hoặc gây chia cắt môi trường sống của các loài linh trưởng nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ khi lập kế hoạch và dự án phát triển của các vườn quốc gia và khu bảo tồn.
Nâng cao nhận thức bảo tồn cho cộng đồng địa phương
Nâng cao nhận thức và hành động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về bảo tồn linh trưởng thông qua các chương trình giáo dục bảo tồn. Cụ thể, nâng cao nhận thức các cơ quan pháp luật các cấp nhằm tăng cường xử lý các vi phạm và tội phạm về động vật hoang dã có liên quan đến các loài linh trưởng; kết hợp, lồng ghép nội dung tập huấn về bảo tồn linh trưởng trong Đề án tăng cường năng lực quản lý các khu bảo tồn ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức bảo tồn cho các cộng đồng địa phương, đặc biệt lưu ý vai trò của phụ nữ và bình đẳng giới trong các hoạt động bảo tồn tại những khu vực có các loài linh trưởng nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; xây dựng và thực hiện chiến dịch truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc và liên quan tới các loài linh trưởng, đặc biệt tại các vùng đô thị.
Đồng thời, xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo chuyên ngành về nghiên cứu và bảo tồn linh trưởng thông qua các chương trình học bổng của chính phủ và nguồn tài trợ từ các tổ chức và cá nhân, khuyến khích và tạo điều kiện cho nữ giới được tham gia đào tạo.
Tích hợp các hệ thống bài giảng về bảo tồn linh trưởng vào các chương trình đào tạo đại học và cao đẳng có đào tạo các chuyên ngành liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học để chuẩn bị và nâng cao kỹ năng cho những sinh viên học tập về công tác bảo tồn; tích hợp các bài giảng về bảo tồn đa dạng sinh học có nội dung về bảo tồn linh trưởng vào chương trình giáo dục phổ thông để tăng cường sự hiểu biết và nhận thức về công tác bảo tồn cho công chúng.
Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng các chương trình truyền thông và quảng bá công tác bảo tồn linh trưởng nói riêng và bảo tồn thiên nhiên nói chung tại Việt Nam.