ThienNhien.Net – Các bạn trẻ khởi nghiệp của tỉnh Đồng Tháp trìu mến gọi ông như vậy (cũng có bạn gọi là chú Sáu khởi nghiệp). Gọi như vậy có lẽ không đúng vì chưa nói hết “đặc điểm” của ông nhưng thôi, đang nói chuyện khởi nghiệp thì tạm gọi như thế.
Bắt đầu câu chuyện này từ đâu? Lại cũng khó. Tôi cứ thử chọn một cột mốc. Ngày mà bà Đại sứ Israel đến nói chuyện với cán bộ tỉnh Đồng Tháp về khởi nghiệp, giới thiệu quan điểm, một số kinh nghiệm của quốc gia khởi nghiệp Israel. Sau đó ông bí thư rủ một số người đang say mê công việc hỗ trợ khởi nghiệp từ TP.HCM đến Đồng Tháp, nói với tất cả cán bộ Đảng và quản lý nhà nước dể mọi người quan tâm, chia sẻ quan điểm về khởi nghiệp. Ông nói, nếu dàn lãnh đạo mà không thông suốt và thấy rõ là họ cần làm gì thì không thể thực sự hỗ trợ bạn trẻ khởi nghiệp được.
“Tráng lớp men” quan điểm và kiến thức cơ bản về khởi nghiệp xong, ông sử dụng cả đài Truyền hình Đồng Tháp để trao đổi về quan điểm khởi nghiệp. Rồi kế đó là xây dựng mạng lưới các tổ chức hỗ trợ cũng như trực tiếp ủng hộ các bạn trẻ khởi nghiệp.
Tại cuộc thi sơ kết các dự án khởi nghiệp trong nông nghiệp tại Đồng Tháp, ít ai ngờ ông bí thư có mặt suốt đêm trước để (o gà?) cùng các bạn trẻ khởi nghiệp của Đồng Tháp trưng bày gian hàng và chuẩn bị tập tành việc thuyết trình trước ban giám khảo. Hôm sau là ngày thuyết trình chính, ông ngồi từ sáng đến chiều và nếu len lén theo dõi, sẽ thấy nét mặt ông vui buồn, lo âu, hứng thú tùy theo diễn biến trên sân khấu. Rồi đến cuộc thi chung kết, dù phải đi nước ngoài công tác, ông không quên dành những phút cuối cùng trước khi ra sân bay, đến góp ý với từng gian hàng của “lính” ông. Tôi nhìn ông trò chuyện với họ, tự hỏi, khà khà, ông bí thư này làm cách nào để thuộc tên từng chủ dự án, nội dung từng dự án để mà chia sẻ niềm vui, khuyến cáo chút chi tiết còn thiếu sót hay chưa đủ cẩn thận? Ông vi hành đến từng dự án, hiện trường, cánh đồng hay nhà xưởng của các chủ dự án. Và khi các dự án đã mọc lông mọc cánh tạm đủ, ông bắt đầu kết nối họ với thị trường: chỉ đạo Đoàn thanh niên, Sở Kế hoạch Đầu tư… tổ chức Hội chợ hàng khởi nghiệp tại tỉnh nhà hay giới thiệu để các bạn tham gia Phiên chợ xanh tử tế ở Sài Gòn .
Cùng với ông, đài Truyền hình Đồng Tháp cũng luôn luôn có mặt bên cạnh các bạn trẻ. Họ tổ chức tranh luận về quan niệm hai chữ “khởi nghiệp” trên truyền hình (dự án khởi nghiệp mà không có tính đột phá về công nghệ thì có thể gọi tên là khởi nghiệp hay không, hay chỉ làm kiếm sống, mưu sinh?)
Qua truyền thông, tiếng lành thực sự đồn xa. Tết này đài Truyền hình Quốc gia VTV đã về thực hiện phóng sự dài về tình hình khởi nghiệp ở Đồng Tháp và đặc tả trường hợp Võ Văn Tiếng làm lúa thiên nhiên ở huyện Hồng Ngự, một dự án đặc sắc, tiêu biểu cho ý chí, quyết tâm của một bạn trẻ cương quyết từ chối sử dụng hóa chất trong nông nghiệp. Ngoài ra, Tỉnh ủy khuyến khích việc thành lập Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu của tỉnh (LBCD), thuyết phục các doanh nghiệp dẫn đầu của tỉnh quan tâm ủng hộ các dự án khởi nghiệp của tỉnh nhà.
Chắp lại tất cả những mảnh rời rạc đó thì thấy: tỉnh Đồng Tháp đã nỗ lực xây dựng nền tảng của hệ sinh thái khởi nghiệp, qua các hoạt động thực hành cụ thể: Gầy dựng thống nhất quan điểm và sự ủng hộ của nhà nước – Xây dựng từng bước các định chế công, tư hỗ trợ – Truyền thông – Kết nối với thị trường. Có thể thấy một nét rất “chú Sáu khởi nghiệp”: những việc làm cụ thể tràn đầy cảm hứng (nên dễ lan truyền cảm hứng) thể hiện tình cảm ưu ái các bạn khởi nghiệp, ví dụ, tìm đến tận “hang ổ” các dự án khởi nghiệp để thăm hỏi động viên, để cho cháu nội quảng cáo sản phẩm khởi nghiệp… Nói theo cách phân tích quen thuộc thì ông bí thư quan tâm tạo nền về quan điểm, tạo nguồn lực ủng hộ bằng chính sách và lực lượng bảo trợ căn cơ là các doanh nghiệp dẫn đầu của tỉnh, liên tục truyền thông bằng nhiều loại hình và công cụ nhiều cấp và rất dày công kết nối với thị trường.
Sát cánh với Đồng Tháp là Bến Tre, một tỉnh bị tác hại của biến đổi khí hậu trầm trọng nhất năm 2016, lực lượng doanh nghiệp ít hơn, thực lực có phần yếu hơn, cũng có cách xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp khá bài bản, căn cơ, bằng cách: xác định ngay từ đầu là phong trào khởi nghiệp phải gắn bó liền lạc với phát triển doanh nghiệp, bên cạnh thành lập Câu lạc bộ Khởi nghiệp thì tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ, hình thành Trung tâm Tư vấn khởi nghiệp, xây dựng Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp từ Câu lạc bộ Doanh nghiệp Bến Tre tại TP.HCM, tổ chức liên tiếp nhiều khóa huấn luyện và đẩy mạnh hoạt động câu lạc bộ gắn với thị trường. Mỗi lần gặp các anh lãnh đạo Bến Tre là nghe một “phát hiện” mới của các anh qua tiếp cận trực tiếp với các bạn trẻ. Mới đây, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre kể chuyện anh đến gặp hàng loạt (hơn chục) học sinh các trường phổ thông nói chuyện khởi nghiệp thì các em thẳng thắn nói, học xong trung học, nhiều em chưa chắc có đủ điều kiện học tiếp và suy nghĩ thường trực của các em sau khi tốt nghiệp trung học chưa phải là khởi nghiệp mà là tìm việc làm gì đó để mưu sinh, phụ giúp kinh tế gia đình. Vậy để khuyến khích khởi nghiệp, phải giúp các bạn trẻ mưu sinh trước rồi mới có điều kiện khởi nghiệp.
Cách nào, như Đồng Tháp hay như Bến Tre, ta đều thấy mỗi tỉnh đều tiếp cận từ quan điểm thực tế mà căn cơ. Không nghĩ đơn giản là tìm quỹ trợ vốn như giải pháp tức thì, khởi đầu cho phong trào khởi nghiệp mà là tìm cách hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp để phong trào khởi nghiệp có thể đi dài, đi xa, phát triển bền vững. Với hoạt động cụ thể như vậy, phải chăng ta có thể quan tâm là hoạt động khởi nghiệp ở Đồng Tháp, Bến Tre dù không “phất” lên tưng bừng hoành tráng mà có vẻ chậm chậm, nhưng lại là đang đi đúng cách đi của những nước đang có phong trào khởi nghiệp vững mạnh, là xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp để duy trì và phát triển phong trào.