ThienNhien.Net – Dù không có tiềm năng về phát triển thủy điện so với một số tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai nhưng thời gian qua, Cao Bằng lại được biết đến như một điểm “nóng” về phát triển thủy điện. Tuy nhiên, bức tranh thủy điện nơi đây được vá víu bởi không ít mảng tối với những công trình chậm tiến độ do lỗi quy hoạch, cấp phép; thi công dang dở, thậm chí sai quy trình, ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái, môi trường và cuộc sống người dân địa phương.
Theo thông tin từ Sở Công thương Cao Bằng, hiện trên địa bàn tỉnh hiện có 12 nhà máy đi vào hoạt động với tổng công suất lắp máy hơn 70 MW, thủy điện công suất lớn nhất là 30 MW, còn lại chủ yếu là thủy điện nhỏ. |
Theo Quy hoạch thủy điện nhỏ của tỉnh Cao Bằng được phê duyệt tại Quyết định số 2320/2007/QĐ-UBND, toàn tỉnh có 24 dự án với tổng công suất 120 MW, trong đó có 12 nhà máy đã đi vào hoạt động với tổng công suất lắp máy hơn 70 MW. Ngoài số thủy điện này, Bô Công Thương cũng phê duyệt bổ sung điều chỉnh 10 dự án thủy điện tại Cao Bằng với tổng công suất hơn 206 MW. Tuy nhiên, hiện Sở Công Thương Cao Bằng đang đề nghị tỉnh loại 10 dự án ra khỏi quy hoạch vì nhiều lý do khác nhau.
3,7 tỷ đồng mua… 10 năm tranh chấp
Dù được cấp giấy chứng nhận đầu tư và thi công xây dựng từ những năm 2009 nhưng thủy điện Tiên Thành và Hòa Thuận trên sông Bằng hiện vẫn chưa hoàn thành đưa vào sử dụng. Điều đáng nói là trong quá trình nghiên cứu xây dựng, hai nhà máy mới phát hiện sự thiếu trách nhiệm của những người làm quy hoạch, cấp phép đầu tư xây dựng.
Cụ thể: Thủy điện Hòa Thuận được thiết kế với công suất 20 MW, thủy điện Tiên Thành 15 MW, nếu như xây dựng và đưa vào vận hành thủy điện Hòa Thuận thì mực nước dâng của hồ thủy điện này sẽ ngập lên thân đập cũng như nhà máy thủy điện Tiên Thành. Từ đó giữa hai chủ đầu tư của hai nhà máy xảy ra tranh chấp và việc thi công bị tạm dừng.
Đến ngày 4/12/ 2012, khi Bộ Công Thương có Văn bản số 11687/BCT-TCNL gửi UBND tỉnh Cao Bằng với nội dung điều chỉnh quy hoạch dự án thủy điện Hòa Thuận, hai bên đã đi đến thống nhất là nhà máy thủy điện Hòa Thuận chấp thuận hạ mực nước dâng xuống 3 m so với thiết kế ban đầu và giảm công suất phát điện từ 20 MW xuống 17,4 MW (đã được Bộ Công Thương phê duyệt) và chủ đầu tư nhà máy thủy điện Tiên Thành chi trả cho thủy điện Hòa Thuận 3,7 tỷ đồng tiền bồi thường. Từ đó đến nay, sau rất nhiều cuộc họp, gặp gỡ giữa các doanh nghiệp do UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức thì hai thủy điện đã thi công trở lại.
Thiếu ĐTM vẫn ngang nhiên xây dựng
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Ban quản lý dự án thủy điện Hòa Thuận cho biết: “Hiện tiến độ của nhà máy đã đạt 30 % khối lượng; công trình ảnh hưởng đến hơn 120 hộ dân khu vực, trong đó 02 hộ dân phản di dời khỏi lòng hồ; tổng diện tích đất nhường cho thủy điện là hơn 100 ha (bao gồm đất rừng và lòng sông, suối”.
Theo quan sát của chúng tôi, những ngày cuối tháng 4/2017, cả hai công trình thủy điện đều đang được gấp rút thi công và dự kiến phát điện vào năm 2018. Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty cổ phần sông Đà 7.09 (chủ đầu tư thủy điện Tiên Thành) cho hay do mới mua công trình thủy điện này từ chủ đầu tư khác nên hiện công trình dù đang xây dựng nhưng vẫn thiếu một số giấy tờ theo quy định, đặc biệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) vẫn đang trong quá trình thực hiện.
Đáng chú ý là trước đó, UBND tỉnh Cao Bằng đã thành lập đoàn thanh tra đối với hai dự án và kết luận thanh tra tại Văn bản số 337/KL – UBND ngày 12/02/2015 cho thấy dự án thủy điện Hòa Thuận vi phạm 14 sai phạm và dự án thủy điện Tiên Thánh 19 sai phạm, trách nhiệm trước hết thuộc về hai chủ đầu tư.
Đặc biệt, kết luận thanh tra nhấn mạnh việc để xảy ra tình trạng xây dựng dự án nhưng chưa được cấp phép trên địa bàn huyện thì UBND hai huyện có dự án là Quảng Uyên và Phục Hòa phải chịu trách nhiệm; việc dự án thủy điện Tiên Thành chưa làm các thủ tục thu hồi đất, giao đất xây dựng công trình nhưng đã triển khai xây dựng, chưa có ĐTM, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư và UBND huyện.
Mặt khác, Kết luận thanh tra cũng nêu rõ các thông số của dự án chưa phù hợp với quy hoạch như công suất, mực nước dâng bình thường nhưng vẫn cấp giấy chứng nhận đầu tư, thẩm định thiết kế cơ sở, không thực hiện thẩm tra đầu tư đối với dự án thủy điện Tiên Thành, trách nhiệm thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Công Thương.
Còn nữa…
Văn Hoàng