ThienNhien.Net – Trên địa bàn Đồng Nai đang tồn tại 12 “điểm nóng” và hàng chục cơ sở gây ô nhiễm môi trường buộc phải di dời. Tuy nhiên, theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, công tác khắc phục và di dời hiện vẫn còn chậm.
Theo Quyết định số 891 ngày 28/3/2012 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, hàng chục cơ sở buộc phải di dời do gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, công tác di dời còn chậm.
Hiện mới chỉ có 15/42 cơ sở gốm sứ đang xây dựng nhà xưởng tại Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (thành phố Biên Hòa) và các cơ sở này vẫn chưa thực hiện quyết định di dời; 17/20 cơ sở giết mổ hiện đã di dời và ngưng hoạt động; 5/24 cơ sở sản xuất kinh doanh có quy mô báo cáo đánh giá tác động môi trường di dời đến địa điểm mới; 55/104 cơ sở có quy mô bản cam kết bảo vệ môi trường hiện đã di dời và ngưng hoạt động.
Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho biết ngoài các cơ sở di dời theo Quyết định 891 của Ủy ban Nhân dân tỉnh, hiện vẫn còn 5 trong số 157 cơ sở gây ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vẫn chưa khắc phục xong tình trạng gây ô nhiễm. Sở Tài nguyên và Môi trường đang giám sát, đốc thúc 5 doanh nghiệp này khẩn trương đầu tư công trình, khắc phục tình trạng gây ô nhiễm để đưa ra khỏi “danh sách đen.”
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, ngoài các giải pháp đồng bộ trong công tác bảo vệ môi trường, tỉnh đang tích cực phối hợp với các tỉnh, thành phố trong khu vực thực hiện đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai theo Quyết định 187 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, tỉnh phối hợp với các địa phương giáp ranh như Bình Dương, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ bảo vệ môi trường lưu vực sông và xử lý, giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh; kiểm soát các nguồn thải, đặc biệt là nguồn thải vào sông Đồng Nai.
Thời gian tới, tỉnh sẽ công khai thông tin về diễn biến, chất lượng môi trường theo định kỳ trong công tác xử lý vi phạm về pháp luật bảo vệ môi trường; phân loại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để cộng đồng cùng giám sát, kiểm tra.
Hiện nay, 19/25 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và đang đầu tư lắp đặt thêm 6 trạm quan trắc để đưa vào vận hành vào cuối năm 2017. Những trạm quan trắc này được kết nối với Trung tâm kiểm soát của Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, cứ 5-10 phút hệ thống quan trắc tự động sẽ gửi giữ liệu về Trung tâm để giám sát.