ThienNhien.Net – Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về việc đóng cửa rừng tự nhiên, thế nhưng thời gian gần đây, nạn phá rừng lấy gỗ trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên vẫn có những diễn biến phức tạp, rất đáng báo động.
Trong quý I-2017, tình trạng vi phạm công tác quản lý bảo vệ rừng ở các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai và Đắc Lắc có chiều hướng gia tăng. Từ tháng 1-2017 đến nay, theo thống kê của các cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh Kon Tum xảy ra 165 vụ vi phạm khai thác, mua bán gỗ trái phép với số lượng hơn 1.346m3; diện tích rừng bị thiệt hại hơn 6ha. Điểm nóng ở Kon Tum hiện nay là huyện Ngọc Hồi. Chỉ 3 tháng trở lại đây, trên địa bàn huyện Ngọc Hồi đã xảy ra 20 vụ phá rừng và vận chuyển gỗ trái phép, với tổng khối lượng gỗ vi phạm thu giữ hơn 800m3. Tại địa bàn 2 xã Đăk Xú và Đăk Nông, nếu cuối năm 2016, các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện 89 gốc cây bị đốn hạ thì đến nay có thêm 13 gốc mới bị lâm tặc triệt hạ với khối lượng hơn 10m3. Để vận chuyển gỗ khai thác trái phép ra ngoài tiêu thụ, nhiều nơi lâm tặc ngang nhiên mở đường rừng “thông thoáng”. Tuy nhiên, điều đáng nói là cho dù các cơ quan chức năng địa phương đã phát hiện được tình trạng này, nhưng thiếu các giải pháp xử lý hữu hiệu.
Bất chấp những hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý của các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai, thời gian qua lâm tặc vẫn ra tay triệt phá những cánh rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ dọc tuyến biên giới. Chỉ tính từ tháng 2 đến cuối tháng 4-2017, lực lượng Bộ đội Biên phòng, kiểm lâm, quản lý bảo vệ rừng của địa phương đã phối hợp tuần tra, phát hiện, bắt giữ hai vụ phá rừng rất lớn ở Ia Chia (huyện Ia Grai) và Tiểu khu 174, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh (huyện Chư Păh). Tổng số gỗ bị phát hiện, thu giữ lên đến 60,7m3 (gỗ nhóm III-IV). Điều đáng nói là cán bộ được giao bảo quản “gỗ tang vật” tại hiện trường, do thiếu trách nhiệm nên để lâm tặc quay lại lấy 45 lóng gỗ, sau đó tạo hiện trường giả gây bức xúc trong dư luận (vụ án mất gỗ ở Tiểu khu 174).
Khó khăn lắm chúng tôi mới đến được Tiểu khu 365, thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Grai. Đây là khu vực mà vừa qua Đồn Biên phòng Ia Chia (BĐBP tỉnh Gia Lai) phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Grai phát hiện, bắt giữ một số người đột nhập dùng cưa xăng khai thác trái phép gỗ ở khu rừng gần sông Pô Cô. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại bờ sông Pô Cô có 8 lóng gỗ bằng lăng đang tập kết chờ vận chuyển. Mở rộng khu vực kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có tất cả 17 cây bằng lăng mới bị khai thác và được tập kết tại khu vực Tiểu khu 365, với tổng khối lượng 23,7m3 (gỗ nhóm III). Trước đó, Đồn Biên phòng Ia Chia cũng phát hiện 6 vụ vận chuyển gỗ trái phép và bắt giữ 10m3.
Qua điều tra, chúng tôi biết được thủ đoạn phá rừng của lâm tặc ở Gia Lai, Đắc Lắc, Kon Tum là thường lợi dụng các dòng sông để lén lút vào những cánh rừng rậm, xa đơn vị, xa khu dân cư, dùng cưa xăng, bịt bô, cho ống xả vào những chậu nước để giảm âm, rồi cắt cây, kéo xuống sông, tập kết gỗ gần các tuyến đường. Lâm tặc lợi dụng điều kiện tự nhiên về địa hình, thời tiết và sơ hở trong tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng để chuyển gỗ đi tiêu thụ. Khi bị các cơ quan chức năng phát hiện, lâm tặc chạy vào rừng sâu hoặc nhảy xuống sông lẩn trốn, thậm chí dùng cả hung khí để đe dọa, tiêu hủy tang vật.
Có mặt kiểm tra hiện trường vụ lâm tặc dùng cưa xăng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép ở vùng biên giới, tại khu vực Phà Tám, xã Ia Chia, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, ông Dương Mar Tiệp, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, nắm chắc tình hình địa bàn, kiên quyết bắt giữ và xử lý các trường hợp vi phạm. Theo đó, các cơ quan chức năng đã khởi tố hình sự đối với Lê Xuân Thành, trú tại làng Bi, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ để điều tra làm rõ vụ khai thác gỗ trái phép tại Tiểu khu 365 (xã Ia Chia, huyện Ia Grai)”.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của nạn phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn Tây Nguyên, dư luận đặt vấn đề: Liệu có sự tiếp tay của lực lượng chức năng hay không? Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Trung Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết: “Tôi khẳng định, một số cán bộ, nhân viên ngành nông nghiệp, lực lượng kiểm lâm, chủ rừng đã tiếp tay cho lâm tặc. Qua điều tra, chúng tôi đã tiến hành kỷ luật một số cán bộ liên quan đến công tác quản lý rừng…”.
Gần một năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên, nhưng những cánh rừng ở Tây Nguyên vẫn bị tàn phá. Thiết nghĩ, để giữ được rừng, chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng cần xác định những biện pháp đồng bộ, quyết liệt; trước mắt phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phát huy được sức mạnh tổng hợp của nhân dân; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những đối tượng phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép.