ThienNhien.Net – Vườn quốc gia Cúc Phương có hệ động thực vật phong phú, đa dạng mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới. Tuy nhiên, những cánh rừng nguyên sinh màu mỡ này đang bị tàn phá nặng nề.
Rừng xanh rỉ máu
Sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân thôn Thành Trung, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), phản ánh về tình trạng bất ổn an ninh rừng đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên địa bàn, PV NNVN đã tiếp cận hiện trường.
Men theo con đường mòn dẫn từ khu vực bãi màu của thôn Thành Trung, chúng tôi nhanh chóng đặt chân đến địa phận của VQG Cúc Phương. Sau một giờ đồng hồ mò mẫm, vượt qua tuyến đường rừng ngoằn ngoèo nhỏ tựa vết chân thú và chi chít những phiến đá tai mèo sắc lẹm, trơn như đổ mỡ, dấu vết tàn phá rừng nguyên sinh Cúc Phương ngay lập tức hiện rõ mồn một trước mắt. Vị trí này chỉ cách bìa rừng tầm 1 km, điều đó cho thấy các đối tượng lâm tặc vô cùng manh động.
Tại một điểm rừng có địa hình hiểm trở, nằm chênh vênh với độ dốc thẳng đứng, khuất sau những tán cây rậm rạp, dây leo chằng chịt là cơ man “chiến lợi phẩm” lâm tặc chưa kịp tẩu tán. Theo ghi nhận của PV, thân cây bị đốn hạ có đường kính khá lớn, ước rộng chừng 2 vòng tay người ôm, dựa theo dấu vết còn lưu lại có thể khẳng định sự việc mới diễn ra cách đây không lâu. Tại hiện trường, nhiều tấm đã cưa xẻ vuông vắn, một số thân gỗ tròn, dẹt khác chưa được xử lý, xung quanh vương vãi cành lá, mùn cưa…
Tiến sâu vào bên trong, tình trạng phá rừng diễn biến phức tạp hơn nhiều. Trong vòng bán kính vài cây số, hàng loạt thân cây đủ mọi kích cỡ bị đốn hạ không thương tiếc, phần lớn vẫn nằm chỏng chơ giữa chốn rừng già. Thế nhưng chỉ một số ít có xác nhận của cơ quan chuyên ngành, còn lại vẫn đang trong tình trạng “chỉ trời biết, đất biết”.
Được thành lập theo Quyết định số 72/TTg ngày 7/7/1962 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 139/CT ngày 9/5/1998 của Chính phủ, Vườn quốc gia Cúc Phương có tổng diện tích hơn 22.200 ha, nằm trên địa giới hành chính của 3 tỉnh Ninh Bình (11.350 ha ), Thanh Hóa (5.850 ha) và Hòa Bình (5.000 ha). |
Tại một điểm tập kết trong địa phận VQG Cúc Phương, chúng tôi tiếp tục phát hiện thấy khá nhiều gỗ được gom về đây, dấu vết của quá trình vận chuyển còn khá mới. Khi được hỏi, một người dân bản địa tiết lộ: “Thay vì chặt phá ở từng điểm lẻ để tránh tai mắt của đơn vị chức năng, giờ chúng thấy ở đâu vừa mắt là ung dung dùng cưa xăng đốn hạ. Với cách thức khai thác tận diệt như thế này, chỉ thời gian ngắn nữa thôi những cánh rừng nguyên sinh quý hiếm sẽ không còn nữa”.
Gian nan đối phó lâm tặc
Xã Thành Yên có hơn 2.000 ha nằm trong địa giới của VQG Cúc Phương, toàn bộ diện tích nói trên đều là rừng đặc dụng.
Trao đổi với PV NNVN, ông Nguyễn Việt Kiều, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 12 – VQG Cúc Phương thừa nhận tình trạng phá rừng vẫn đang diễn ra trên địa bàn thôn Thành Trung, xã Thành Yên: “Trạm có 3 thành viên, quản lý 15.000 ha tại các tiểu khu 15, 18 và 19. Quân số mỏng, trong khi đó địa bàn phụ trách lại quá nhiều, thành thử không thể quán xuyến hết được.
Trong tháng 4/2017, sau khi tiến hành rà soát, chúng tôi phát hiện tại tiểu khu 19 có 5 cây bị đốn hạ, trước đó vào tháng 3 cũng có 2 cây. Ngoài cắng kẻ, nhãn rừng, có cả gỗ trai lý”.
Ông Kiều than thở, lâm tặc hoạt động hết sức tinh vi và liều lĩnh, có những thời điểm chúng còn cắt cử người đến tận trạm để nghe ngóng tình hình. Các đối tượng thường lựa chọn lúc đêm tối để ra tay, trong trường hợp bị phát giác, chúng lập tức bỏ lại phương tiện rồi trốn mất dạng, không có đủ chứng cứ nên việc xử lý hết sức khó khăn.
Tháng 3/2017, Trạm Kiểm lâm cơ động số 3 và Trạm cơ động số 2 thuộc VQG Cúc Phương đã phối hợp, lên phương án mai phục nhằm bắt quả tang hành vi khai thác gỗ trái phép trong địa phận quản lý. Thấy động các đối tượng lạnh lùng bỏ lại tang vật và di chuyển ra khỏi hiện trường, nhưng chỉ một lúc sau nhóm người này quay lại hùng hổ gây sức ép lên lực lượng kiểm lâm… |
Theo thông tin từ Trạm số 12, trước đây tình hình an ninh rừng trên địa bàn duy trì rất ổn định, nhưng thời gian qua một số đối tượng ở thôn Thành Trung thường xuyên lén lút vào rừng khai thác gỗ trái phép nên ít nhiều có sự xáo trộn. Trong số những trường hợp nêu trên, cộm cán phải kể đến N “gấu”.
Nếu nhìn vào cách bố trí nhân sự tại Trạm Kiểm lâm số 12, quả thực để quản lý hiệu quả 15.000 ha rừng là việc khó hơn cả lên trời. Được biết, 2/3 thành viên của Trạm đã bước qua tuổi ngũ tuần, người trẻ, khỏe nhất (anh Phạm Phú Cường – SN 1980) lại thường xuyên vắng mặt vì bận học. Thành thử, hai “ông già” phải nai lưng quán xuyến, thay phiên nhau gánh vác toàn bộ khối lượng công việc khổng lồ (!).
Liên quan đến vấn đề phá rừng trong khu vực của VQG Cúc Phương, ông Trịnh Trung Nhật, Hạt trưởng HKL Thạch Thành, bày tỏ: “Hạt phân công 1 kiểm lâm viên phụ trách 4 xã Thành Minh, Thành Mỹ, Thành Vinh và Thành Yên. Nhiệm vụ chính là tham mưu cho chính quyền địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn.
Kiểm lâm viên chủ yếu hoạt động ở vùng ngoài, khi trong vườn phát hiện sự việc thì mới thông tin và cùng phối hợp”.
VQG Cúc Phương đang bị “xẻ thịt” không thương tiếc, đã đến lúc các cơ quan chuyên ngành cần phải vào cuộc khẩn trương, quyết liệt hơn nữa để cứu lấy những cánh rừng nguyên sinh quý hiếm ngày đêm còn rỉ máu…