ThienNhien.Net – Bộ Tài nguyên và Môi trường đang soạn thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đất ngập nước (ĐNN) có vai trò quan trọng đối với sự phát triển và thịnh vượng của loài người nhờ các chức năng: Nạp, tiết nước ngầm; lắng đọng trầm tích, độc tố; tích luỹ chất dinh dưỡng; điều hoà vi khí hậu; hạn chế lũ lụt; sản xuất sinh khối; duy trì đa dạng sinh học; chắn sóng, gió bão và ổn định bờ biển, chống xói lở, hạn chế sóng thần.
Việt Nam có khoảng hơn 12 triệu ha ĐNN phân bố rộng khắp các vùng sinh thái, trong đó nhiều vùng ĐNN được xác định có giá trị bảo tồn cao (nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên và nhiều khu đã công nhận là khu Ramsar), cung cấp các dịch vụ sinh thái thiết yếu cho phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Việt Nam cũng đã trở thành thành viên thứ 50 của Công ước Ramsar về các vùng ĐNN có tầm quan trọng quốc tế (năm 1989).
Để quản lý ĐNN, đồng thời thực hiện nghĩa vụ của nước thành viên đối với Công ước Ramsar, trong thời gian qua, nhiều văn bản quản lý ĐNN đã được ban hành, trong đó có Nghị định số 109/2003/NĐ-CP ngày 23/9 /2003 của Chính phủ về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng ĐNN.
Trong quá trình thực hiện, Nghị định số 109/2003/NĐ-CP và các văn bản liên quan chưa đáp ứng yêu cầu của việc bảo tồn và phát triển bền vững các vùng ĐNN, bảo tồn đa dạng sinh học và duy trì các dịch vụ hệ sinh thái ĐNN đang bị đe dọa, có nguy cơ suy thoái. Đặc biệt, chưa phát huy được giá trị của ĐNN đối với cộng đồng, chưa hài hòa giữa bảo tồn và sử dụng tài nguyên ĐNN. Nguyên nhân chính của các hạn chế này là: 1- Hầu hết các văn bản quản lý ĐNN được ban hành trước thời điểm Luật Đa dạng sinh học có hiệu lực và nay, một số văn bản đã hết thời hạn hiệu lực; 2- Sự thiếu thống nhất trong hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý ĐNN và các đối tượng liên quan đến ĐNN; 3- Sự bất cập, thiếu hụt nội tại của Nghị định số109/2003/NĐ-CP như: thiếu cơ chế chia sẻ lợi ích và sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong các hoạt động liên quan đến ĐNN; thiếu các chế tài để thi hành và huy động sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn và sử dụng tài nguyên ĐNN. Bên cạnh đó, các điều khoản quy định pháp lý về ĐNN chưa bao quát toàn diện các vấn đề đặt ra đối với quản lý và bảo tồn ĐNN trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt thiếu các quy định về bảo tồn các hệ sinh thái ĐNN và sử dụng khôn khéo ĐNN như khuyến cáo của Công ước Ramsar.
Những hạn chế trong hệ thống chính sách, văn bản về ĐNN đã dẫn tới công tác quản lý ĐNN hiện nay chưa thực sự hiệu quả, lợi ích từ các dịch vụ của hệ sinh thái ĐNN cho cộng đồng chưa được phát huy, tài nguyên ĐNN bị sử dụng, khai thác quá mức và ảnh hưởng việc bảo tồn các chức năng, giá trị lâu bền của ĐNN. Các nguyên nhân trên cùng với áp lực của các hoạt động phát triển và tự nhiên (biến đổi khí hậu) đã gây ra sự suy giảm đa dạng sinh học và đe dọa đến an ninh lương thực, suy giảm giá trị dịch vụ hệ sinh thái của các vùng ĐNN.
Với những phân tích trên, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc xây dựng một Nghị định mới về ĐNN thay thế Nghị định số 109/2003/NĐ-CP là việc làm cần thiết nhằm giải quyết được các vấn đề bất cập hiện nay trong quản lý ĐNN, góp phần kiện toàn văn bản quản lý về ĐNN, nâng cao năng lực bảo tồn, sử dụng tài nguyên ĐNN và chia sẻ lợi ích của ĐNN trong xã hội để đáp ứng với mục tiêu phát triển bền vững đất nước, thực hiện hiệu quả cam kết quốc tế về bảo tồn và sử dụng khôn khéo các vùng ĐNN ở Việt Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý đối với đề nghị xây dựng Nghị định này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.