Ô nhiễm không khí ở Hà Nội nghiêm trọng hơn TP Hồ Chí Minh

ThienNhien.Net – Chất lượng không khí Hà Nội quý 1 năm nay nhìn chung có cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, số ngày chất lượng không khí ở mức “rất có hại cho sức khỏe” lại gia tăng. Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, chất lượng không khí quý 1/2017 kém hơn so với cùng kỳ năm 2016. Ngoài ra, cũng giống như năm trước, ô nhiễm không khí tại Hà Nội nghiêm trọng hơn so với thành phố Hồ Chí Minh. Báo cáo định kỳ theo quý về chất lượng không khí tại hai thành phố lớn của Việt Nam (Hà Nội và tp. Hồ Chí Minh) của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho hay.

CHỈ SỐ CHẤT LƯỢNG KHÔNG KHÍ (AQI) là một chỉ số theo dõi chất lượng không khí hàng ngày được thiết lập bởi Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ. Chỉ số AQI tập trung vào tác động sức khỏe trong vòng vài giờ hoặc vài ngày sau khi hít phải không khí không sạch. Để cho người đọc dễ dàng hiểu được, chỉ số AQI được phân ra làm 6 cấp độ và những ảnh hưởng tới sức khỏe tương ứng với từng cấp độ. Tham khảo thêm tại www.airnow. gov.

PM viết tắt cho Particulate Matter (vật chất dạng hạt): bao gồm một hỗn hợp các hạt vật chất rắn và lỏng trong không khí. Ô nhiễm dạng hạt bao gồm: PM10: bụi có thể hít phải với đường kính từ 10 micrometers trở xuống; và PM2.5: bụi mịn có thể hít phải với đường kính từ 2.5 micrômét trở xuống.

Cụ thể, Hà Nội trải qua 3 tháng đầu năm 2017 với nồng độ bụi cao trong không khí. Trong thời gian này, có 37 ngày nồng độ PM 2.5 trong 24 giờ cao hơn so với giới hạn Quy chuẩn Quốc gia (50 μg/m3) và 78 ngày vượt quá giới hạn theo Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 25 μg/m3.

Báo cáo đã so sánh chất lượng không khí tại Hà Nội trong quý đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm ngoái để ước tính mức cải thiện chất lượng không khí qua từng năm, các dữ liệu được phân tích theo từng giờ. Có thể thấy rằng mặc dù chất lượng không khí tại Hà Nội là chưa tốt trong quý 1 năm nay, tuy nhiên đã có cải thiện so với quý 1 năm ngoái . Tại Hà Nội, trong quý 1/2016, số ngày chất lượng không khí ở nhóm không tốt (bao gồm AQI ở các mức độ không tốt cho nhóm nhạy cảm, có hại và rất có hại cho sức khỏe) chiếm 88% tổng số ngày trong quý, trong khi đó con số này giảm còn 61% trong quý 1/2017. Trong quý 1/2016, số ngày chất lượng tốt (AQI ở mức độ tốt và trung bình) chỉ chiếm 11,7% trong khi đó con số này là 36% trong cùng thời kỳ năm 2017. Tuy nhiên, trong quý 1/2017 AQI ở mức nguy hại lại cao hơn (2% tổng số ngày) so với cùng kỳ năm 2016 (0,39% tổng số ngày).

Như vậy mặc dù có sự cải thiện chung nhưng những giờ cao điểm năm 2017 Hà Nội lại có chất lượng không khí kém hơn 2016. Chỉ số AQI trung bình của Hà Nội trong quý 1 năm 2016 là 143,96 và nồng độ bụi PM 2.5 trung bình là 66,38 μg/m3, còn trong quý 1 năm 2017, AQI trung bình là 123,49 và nồng độ PM 2.5 trung bình là 54,56 μg/m3.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội (Ảnh: Báo Giao Thông)

Tại thành phố Hồ Chí Minh, trong 3 tháng đầu năm 2017, nồng độ trung bình PM 2.5 thấp hơn ở Hà Nội. Cụ thể, có 6 ngày nồng độ PM 2.5 vượt quá Quy chuẩn Quốc gia (50 μg/m3), thấp hơn 31 ngày so với Hà Nội. Tuy nhiên, vẫn có đến 78 ngày cao hơn so với tiêu chuẩn của WHO (25 μg/m3). Trừ ba giờ cao điểm có chất lượng không khí kém kể trên, chất lượng không khí tại thành phố Hồ Chí Minh không vượt quá mức độ không tốt cho nhóm nhạy cảm. So với Hà Nội, chất lượng không khí ở thành phố Hồ Chí Minh thực sự tốt hơn. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2016, chất lượng không khí ở thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng kém đi, trái với dấu hiệu tích cực tại Hà Nội.

Quý 1/2016, tại thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có 32,12% tổng số giờ trong quý có chỉ số AQI ở nhóm không tốt, nhưng con số này tăng lên 41,82% trong quý 1/2017. So với năm 2016, trong quý 1 năm nay, số giờ có chỉ số AQI ở mức “có hại cho sức khỏe” hơn gấp 15 lần (hơn 9,55% tổng số giờ) so với quý 1 năm ngoái (chỉ chiếm 0,61% tổng số giờ trong quý). Những thời điểm có chất lượng không khí tại thành phố Hồ Chí Minh ở mức “tốt” cũng không được cải thiện nhiều, chỉ chiếm 0,15% tổng số giờ trong quý 1/2016 và 0,58% vào năm 2017. Chỉ số AQI trung bình trong quý 1/2017 của thành phố là 100,8; trong khi đó đạt 91,2 vào quý 1/2016 và nồng độ bụi PM2.5 trung bình đạt 35,8 μg/m3 trong quý 1/2017 trong khi đó ở giai đoạn 2016 là 30,72. Như vậy, chất lượng không khí tại thành phố Hồ Chí Minh quý 1 năm nay kém hơn so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo cũng đưa ra một số cách tự bảo vệ nhằm hạn chế tác động của ô nhiễm không khí bao gồm:

Sống trong những khu vực có bộ lọc khí: vì máy lọc không khí có thể loại bỏ các hạt ô nhiễm là loại máy sử dụng bộ lọc cơ khí hiệu suất cao và chất tẩy rửa không khí điện tử, chẳng hạn như lọc bụi tĩnh điện. Tuy nhiên, cần tránh sử dụng thiết bị làm sạch không khí hoạt động bằng cách tạo ra ozone, điều này thậm chí còn làm tăng mức độ ô nhiễm.

Tiết kiệm năng lượng trong hộ gia đình: Phát điện và các nguồn năng lượng khác tạo ra ô nhiễm không khí. Bằng cách giảm sử dụng năng lượng trong gia đình có thể giúp cải thiện chất lượng không khí, hạn chế phát thải khí nhà kính, khuyến khích sự độc lập về năng lượng và tiết kiệm chi phí!

Hạn chế hoạt động mạnh: Tránh những hoạt động mạnh khiến bạn thở sâu, thờ gấp. Thay vì đó hãy thử những hoạt động trong nhà, ví dụ như đọc sách hoặc xem TV.

Không nên đốt gỗ và rác thải: vì việc đốt rác thải ở qui mô hộ gia đình là nguồn gốc gây ô nhiễm không khí cục bộ.

Hạn chế ô nhiễm trong nhà ở mức thấp: Chỉ sử dụng máy lọc không khí có thể vẫn chưa đủ bởi các hạt ô nhiễm từ bên ngoài có thể dễ dàng lọt vào trong nhà. Do vậy cần tránh làm tăng thêm mức ô nhiễm trong nhà khi chỉ số PM2.5 ngoài trời ở mức cao bằng việc tránh sử dụng lò sưởi gỗ, nến hoặc hương; luôn làm sạch các phòng; không hút thuốc; thận trọng hơn khi thời tiết ngoài trời ở nhiệt độ cao, không khí trong nhà quá nóng bức cũng khiến nguy cơ ô nhiễm gia tăng.

Chọn khẩu trang thích hợp: Thông thường khẩu trang loại này được thiết kế để giữ lại các hạt bụi lớn. Các loại khẩu trang và khăn quàng chống bụi không thể bảo vệ phổi khỏi các bụi mịn như PM 2.5. Sử dụng các loại khẩu trang dùng một lần thường là N-95 hoặc P-100 sẽ giúp ngăn các hạt bụi PM 2.5 và các chất ô nhiễm.

Báo cáo của GreenID nhằm đánh giá hiện trạng chất lượng không khí tại hai thành phố chính của Việt Nam và từ đó có những hành động cần thiết để nâng cao chất lượng không khí. Mặc dù, việc so sánh còn mang tính cục bộ và quá trình phân tích cũng chưa bao gồm nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến chất lượng không khí nhưng báo cáo đã đưa ra cái nhìn tổng quan về chất lượng không khí (chỉ số AQI và nồng độ bụi PM 2.5) tại hai thành phố lớn của Việt Nam. Hiện vẫn cần có những nghiên cứu cụ thể hơn để giải thích sự thay đổi chất lượng không khí giữa năm 2016 và năm 2017.

Bích Ngọc