ThienNhien.Net – Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được TP Hà Nội chọn là khâu đột phá trong triển khai xây dựng nông thôn mới. Tuy vậy, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đang gặp khó. Vậy “nút thắt” trong vấn đề này là gì?
Để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) thì doanh nghiệp (DN) là lực lượng chủ lực bởi chỉ DN mới có tiềm lực về vốn, công nghệ, nhân lực và thế mạnh về nghiên cứu thị trường, áp dụng khoa học kỹ thuật vào khâu chế biến, bảo quản. Tuy nhiên, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cho rằng, cơ chế hiện nay vẫn chưa đủ mạnh để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp. Ví như tại Phúc Thọ, mặc dù tạo điều kiện thuận lợi nhất nhưng DN đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn huyện còn hạn chế do không thuê được diện tích sản xuất đủ rộng.
Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương cũng cho biết, để có đất nông nghiệp cho DN thuê không dễ. “Đã có một đơn vị đặt vấn đề với huyện Sóc Sơn thuê 35ha đất trồng dược liệu sạch. Đơn vị này cam kết có chế độ đãi ngộ đối với hộ dân cho thuê ruộng nhưng suốt 3 tháng vẫn không tìm được mặt bằng. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nếu cho thuê 1 đến 2 năm thì nông dân sẵn sàng nhưng cho thuê từ 5 đến 10 năm thì bà con không đồng ý do lo sợ sau này thiếu việc làm sẽ không có đất để quay về làm ruộng” – ông Phương nói.
Thực trạng trên cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương trên địa bàn thành phố. Nếu tính tổng thể, diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội khá lớn nhưng nhỏ lẻ, phân tán và đã giao cho các hộ gia đình, quỹ đất công của các xã không nhiều nên khó có thể cho DN thuê. Trong khi, giá bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp theo quy định ở Hà Nội cao hơn nhiều so với các tỉnh, thành phố khác nên DN không “mặn mà”.
Bàn về hướng tháo gỡ khó khăn trong tích tụ ruộng đất, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Quang Đức đề xuất 2 hướng: Một là, DN tự thuê đất nông nghiệp của nông dân; hai là, huyện đứng ra thu hồi đất nông nghiệp của nông dân, đưa vào quỹ đất công rồi cho DN thuê. “Nếu thành phố chấp thuận phương án thứ 2, thì huyện Hoài Đức xin đăng ký thực hiện 1 mô hình làm ngay trong năm 2017” – ông Đức nói.
Trao đổi nội dung trên, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng cho rằng: Để tích tụ được 10ha đất sản xuất ở Hà Nội đòi hỏi nỗ lực lớn. Thực tế, việc thu hồi đất để giao lại cho DN thuê là khó khả thi. Theo đó, ông Thắng đề xuất: Giao UBND xã đứng ra làm trọng tài giữa người dân và DN thuê đất trong thời gian từ 5 đến 10 năm để bảo đảm quyền lợi của cả hai bên. Theo đó, thành phố cần có cơ chế khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp như xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện; hỗ trợ đăng ký xây dựng thương hiệu để thu hút DN đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp.
Gợi mở hướng đi cho nông nghiệp ứng dụng CNC của thành phố, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Phạm Văn Khương cho rằng: Nông nghiệp Hà Nội nên định hướng phát triển dựa vào các tiểu vùng sinh thái phù hợp như vùng đất bãi ven sông phù sa màu mỡ, vùng đồi gò, rừng núi… Cùng với đó hướng đến các phân khúc giá trị cao để tập trung đầu tư như: Sản xuất giống và công nghiệp chế biến.
Tiến tới, Hà Nội xây dựng ngân hàng quỹ đất nông nghiệp để có đất “sạch”, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc thu hút DN đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng CNC. Hiện nay, việc tích tụ ruộng đất là “chìa khóa” cho DN đầu tư vào nông nghiệp. Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Hà Minh Hải đề xuất thành phố sớm tổ chức hội nghị chuyên đề riêng để mổ xẻ, làm rõ những khó khăn, đề xuất giải pháp tháo gỡ.