ThienNhien.Net – Trên địa bàn TP HCM có nhiều người trở thành “đại gia” từ rác và xem đó là tài sản riêng như luật bất thành văn.
Trong vai một người cần mua đường dây rác, chúng tôi gặp Hùng và được biết đường dây rác của anh hiện có 754 hộ. Mỗi tháng, anh thu 30.000 đồng/hộ. “Năm 2012, tôi đã mua đường dây rác này giá gần 1 tỉ đồng, nay thì tăng lên nhiều rồi” – anh nói.
Nghề ăn nên làm ra
Anh Hùng còn cho biết bình quân mỗi ngày, riêng tiền ve chai thu được từ việc phân loại rác cũng mấy trăm ngàn đồng, dù ít nhưng góp lại cuối tháng cũng được kha khá. “Đây là công việc chính của gia đình tôi từ nhiều năm nay, giờ buông đường dây rác ra thì thất nghiệp vì không có nghề gì khác” – anh Hùng bộc bạch.
Hiện nay, đường dây rác của anh Hùng có 6 người làm với 2 xe bán tải. Nghề rác dù ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng ăn nên làm ra. Vì thế, không chỉ anh Hùng mà hầu như ai có đường dây rác thì ít khi bán mà truyền lại cho người trong nhà. Tuy nhiên, cũng có một số nơi, người ta dựa vào các mối quan hệ để “chiếm” đường dây rác. Theo anh Hùng, trước đây đã có người trả đường dây rác giá 1,3 tỉ đồng nhưng anh không bán. “Bán rồi thì dù có nhiều tiền cũng khó mua lại được” – anh Hùng giải thích.
Hiện nay, trong thế giới thu gom rác cũng rất phức tạp. Một số hộ dân hoạt động nghề này đã hàng chục năm từ việc cha mẹ tạo dựng rồi truyền lại như một gia tài. Cũng không ít người mua lại đường dây rác từ người khác nhưng với giá khá cao và phải bản lĩnh lắm mới giữ được, nếu không thì sẽ bị ép phải buông. Anh Hùng cho biết việc mua bán đường dây rác không công khai như bao món hàng hóa khác nhưng đối với giới thu gom rác thì đã thành lệ và có giá cụ thể. Cụ thể, đường dây rác mỗi tháng thu được khoảng 50 triệu đồng sẽ có giá từ 1 tỉ đến 1,2 tỉ đồng, tùy thuộc vào từng khu vực, càng gần trung tâm TP thì giá càng cao.
Được anh Hùng giới thiệu, chúng tôi gặp bà B., cũng thuộc giới giàu có từ nghề rác. Trước đây, bà B. có 3 đường dây rác trên địa bàn quận 12 nhưng bị chính quyền thu hồi một đường dây, sau đó nghe nói bán lại cho người khác gần 1 tỉ đồng. “Từ những năm 2000, giá mỗi đường dây rác đã lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng đâu dễ mua, phần lớn phải qua giới thiệu hoặc quen biết mới được” – bà B. nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn TP HCM có nhiều người trở thành “đại gia” từ rác và xem đó là tài sản riêng như luật bất thành văn. “Trong thế giới kinh doanh đường dây rác đã xảy ra nhiều cuộc “huyết chiến” vì tranh giành địa bàn, nhất là những khu vực có lãi lớn. Nhiều người cũng đi săn các đường dây rác, sau đó bán lại để lấy chênh lệch” – bà B. kể.
Sang nhượng chủ yếu bằng giấy tay
Đường dây rác được mua bán, sang nhượng bằng các hình thức phi chính thống, chủ yếu là giấy tay thông qua sự tin tưởng nhau. Anh L.T.C (chủ đường dây rác ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi) cho biết năm 2015, anh mua lại đường dây rác của ông N.T.Ch (ngụ tỉnh Tây Ninh) với giá 575 triệu đồng, khu vực thu gom từ cầu Rạch Tra đến cầu Bà Đế. Lúc này, ông Ch. có 2 đường dây rác ở xã Bình Mỹ, đường dây rác còn lại được rao bán với giá 600 triệu đồng nhưng không ai mua.
Để định giá một đường dây rác bao nhiêu tiền, chủ đường dây ở huyện Củ Chi dựa theo cách tính: số tiền thu trong 1 tháng nhân với 30 tháng. Trong 2 tháng đầu tiên, người muốn mua đường dây rác sẽ cùng với chủ hiện tại đi thu tiền rác để tính số tiền bình quân hằng tháng bao nhiêu làm cơ sở thương lượng. Sau khi sang nhượng, nếu chưa có thùng xe thu gom rác hoặc thùng hư thì chủ mới phải bỏ tiền để đóng. Tuy nhiên, những chiếc xe thùng này có thể bị xử phạt bất cứ lúc nào bởi thuộc loại tự chế. “Khi gặp các đoàn chốt chặn, kiểm tra xe thì phải né đường khác để tránh bị xử phạt” – chủ một đường dây rác tiết lộ.
Giá một đường dây rác không ổn định mà có xu hướng tăng lên do quá trình đô thị hóa phát sinh thêm hộ dân đến ở và các doanh nghiệp, nhà trọ được xây dựng mới. Đơn cử đường dây rác của ông C. tại xã Bình Mỹ, sau 2 năm thu gom và mở rộng, hiện mỗi tháng thu 60 triệu đồng. “Quy ra giá trị thị trường là 1,8 tỉ đồng, còn nếu muốn bán ngay thì rao 1,5 tỉ đồng sẽ có người mua” – một người trong gia đình ông C. thông tin.
Thế nhưng, cũng ở xã Bình Mỹ, đường dây rác của ông Ch. năm 2015 rao bán 600 triệu đồng, nay chỉ còn 200 triệu đồng. Nguyên nhân khiến giá giảm là do xã Bình Mỹ yêu cầu ký hợp đồng với xã, không còn được thu tiền như trước. Ngoài ra, nhà ông Ch. ở Tây Ninh, hằng ngày xe đi thu gom rác phải đến xã Bình Mỹ xa xôi, tốn tiền xăng dầu nên muốn bán tháo. Đầu năm 2017, có người trả 150 triệu đồng cho đường dây này nhưng ông Ch. chưa bán.
Kỳ tới: Tranh chấp “nảy lửa”
|