ThienNhien.Net – Từ sau khi Chính phủ có chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy Đồng Tháp là địa phương thí điểm, nhiều hội nghị bàn thảo về vấn đề này đã được tổ chức ở Bộ và địa phương. Nhưng dường như đến nay nhiều người vẫn chưa thấu hiểu triết lý của tái cơ cấu là gì? Vẫn xoay quanh chuyện quy hoạch, chuyện trồng cây gì nuôi con gì, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ ra sao… để có năng suất cao, sản lượng lớn… hầu như không tính đến các yếu tố chi phí, chất lượng…, lấy đó làm thành tích báo cáo Quốc hội. Chúng tôi cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là phải chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Phải nghĩ tới cầu rồi mới nghĩ tới cung. Chính vì chỉ nghĩ tới cung nên chuyện được mùa rớt giá đã trở thành căn bệnh kinh niên của sản xuất nông nghiệp… Đó là quan điểm của ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp trong cuộc trao đổi với Tia Sáng.
Với quan điểm như vậy, ông đã triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Đồng Tháp như thế nào?
Tôi có cảm nhận rằng từ nhiều năm nay, ngành nông nghiệp của ta đang đi ngược hai xu hướng: Một là người ta ăn ít nhưng ta lại sản xuất nhiều, hai là người ta quan tâm tới ăn sạch mà mình sản xuất dơ. Tức là anh không đi theo cái cầu. Chính quyền các cấp và người nông dân cả nước đều háo hức với lúa cao sản, với các câu lạc bộ năm tấn. Nhưng kinh tế là bài toán trừ, sản lượng không nói lên thu nhập, mà chất lượng, chi phí mới quan trọng. Cách đây vài năm, ngành nông nghiệp có báo cáo Quốc hội là xuất khẩu đạt 30 tỉ USD nhưng nếu chi phí là 29,999 tỉ USD thì đâu còn tiền tươi thóc thật vào túi người nông dân. Giờ làm sao phải giảm được chi phí xuống, giảm đến mức thấp nhất bán thô sản phẩm và nâng cao công nghệ chế biến nông sản, đồng thời phải giảm cung, bởi cung càng nhiều thì giá càng giảm.
Theo tôi nên giảm cung, bằng cách dành ra một phần ba nông sản để bảo quản dài ngày, một phần ba chế biến, phần còn lại bán tươi. Mà trong nền kinh tế thì cách bán cũng quyết định giá cả.
Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp xoay quanh sáu chữ “Hợp tác, liên kết, thị trường”. Một là hợp tác giữa những người sản xuất, những người nông dân vào mô hình kinh tế để mua chung, bán chung, giảm chi phí đầu vào, Hai là liên kết người sản xuất với doanh nghiệp, cả doanh nghiệp đầu vào và doanh nghiệp đầu ra. Ba là thị trường gắn với doanh nghiệp – đó là yếu tố quan trọng bảo đảm tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành công.
Người nông dân mình có thành kiến rất lớn với doanh nhân, cho rằng doanh nhân bóc lột họ. Chẳng hạn trong thu mua nông sản, họ cho rằng “thằng thương lái” cắt khúc, buôn đầu chợ bán cuối chợ để làm lợi, nên muốn loại bỏ họ (trước kia ta cũng từng lập các công ty thu mua của nhà nước và đã thất bại). Trong khi đó, chỉ hai vợ chồng thương lái đi ghe tới những vùng sâu nhất của Đồng Tháp Mười. Mùa mía thì họ chở mía, mùa lúa thì chở lúa. Ban đêm họ vắt tay lên trán suy nghĩ chở vô cái gì [để bán] và chở ra [thu mua] cái gì. Họ thực sự là đội quân chủ lực tạo ra thị trường.
Theo ông, thách thức lớn nhất trong việc chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp là gì?
Tái cơ cấu nông nghiệp không phải là cách mạng về công nghệ, mà là cách mạng về tâm lý của người nông dân, phải làm thay đổi nhận thức của người nông dân. Thì những cái khác mới vô được. Bây giờ mỗi người một mảnh vườn, một góc ruộng, diện tích nhỏ quá, không có động lực để thay đổi. Khi có sự hợp tác giữa bà con với nhau, giữa bà con với doanh nghiệp để làm lớn thì mới thay đổi cách quản trị. Chế biến, bảo quản phải đủ lượng thì mới chuyển hoá thành chất lượng.
Để nâng cao hiệu quả hợp tác giữa người dân và doanh nghiệp, tôi để doanh nghiệp mua cổ phần của hợp tác xã (HTX), ví dụ thương lái xoài được mua cổ phần của HTX xoài (phần nào là xé rào đó) để cho có trách nhiệm cả đầu cung và đầu cầu, họ cùng nông dân trên một chiếc xuồng đưa thị trường lại gần với sản xuất. Vì người nông dân chỉ có năng lực quản trị giỏi ở quy mô gia đình thôi, họ không có năng lực quản trị ở HTX quy mô lớn với nhiều ban bệ. Doanh nhân tham gia HTX sẽ góp phần nâng cao dần trình độ kinh doanh nông nghiệp của nông dân. Đồng thời phải xây dựng lòng tin giữa hai bên. Tôi có đọc một câu rất hay trong “Việt vương Câu Tiễn thế gia” tổng kết mối quan hệ giữa người nông dân với doanh nghiệp: “Cứ sáu năm được mùa thì sáu năm mất mùa, cứ mười hai năm thì có một lần đói lớn. Phàm giá gạo mua hai bán mười thì có hại cho nhà nông, mua chín bán mười thì có hại cho nhà buôn. Người buôn bị hại thì của cải không có, nông dân bị hại thì cỏ dại không trừ. Lên không quá mua tám bán mười, xuống không quá mua ba bán mười thì nghề nông nghề buôn đều có lợi, giá gạo ổn định, chợ không thiếu hàng, đó là cái đạo trị nước”.
Vậy tỉnh có giải pháp gì để thúc đẩy hợp tác giữa người dân với nhau ?
Gần đây chúng tôi có một mô hình đặc biệt nhất mà chưa có địa phương nào làm, đó là hội quán nông dân để tập hợp những người cùng có ý chí, hoài bão, tâm niệm, những người muốn thay đổi. Đến nay đã lập được 14 hội quán rồi, ví dụ hội quán những người trồng xoài, trồng cam, quýt, nhãn. Tên hội quán cũng là của bà con tự đặt, thường đặt tên hướng tới sự thay đổi như Canh Tân, Minh Tâm, Đồng Tâm…
Sinh hoạt của hội quán đơn giản lắm. Có thể ở sân đình hay hiên nhà của một ông nào đó, những thành viên của hội quán thường gặp nhau vào 5, 6 giờ chiều, cùng ngồi uống nước trà, làm quen và chia sẻ “nói cho nhau nghe, nghe nhau nói”. Từ đó mới bớt dần đố kỵ, bớt dần xích mích, tạo tinh thần tương thân tương ái kết nghĩa. Đó là cái nền tiến tới tự họ bàn nhau thành lập HTX.
Trong các buổi uống trà ở mỗi hội quán đó, tôi mời chuyên gia nông nghiệp như GS.TS Võ Tòng Xuân và các doanh nghiệp tới chia sẻ với bà con về trồng lúa, về trồng trái cây như thế nào để giảm chi phí, về chuyện sản xuất sạch… Bà con sử dụng thoải mái thuốc trừ sâu, thuốc cấm, lừa người mua và tổn thương chính mình…Trong nhiều buổi gặp bà con, tôi nói là thời gian tới hàng hoá nông sản nước ngoài ào ạt vô, những kệ hàng đẹp nhất trong siêu thị là từ nước ngoài rồi. Nếu mình không thay đổi thì cửa chết nhiều hơn.
Tôi vận động cơ quan tỉnh, huyện tặng cho mỗi hội quán một cái máy tính, màn hình với máy chiếu. Thứ bảy họ sinh hoạt thì thứ sáu tôi gửi email các bài báo hay các video về nông nghiệp của VTV để người dân xem và tự bình luận về cách người khác đang làm, từ đó người ta sẽ ngồi tìm ra một hướng đi, tự lập một kế hoạch phát triển.
Ông có thể cho biết các hoạt động KH&CN đáp ứng chương trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh như thế nào?
Vừa qua tôi có làm việc với sở KH&CN. Anh em nói đang định thuê tư vấn đánh giá các chỉ tiêu đo lường năng suất tổng hợp TFP để báo cáo Tỉnh uỷ. Tôi nói bỏ qua một bên đi, những nghiên cứu vĩ mô, cơ bản đó thì để nhà nước làm, chúng ta không làm được đâu, mà làm rồi cũng không xử lý được gì. Rồi trong báo cáo, Sở KH&CN cũng nói là nghiên cứu giải pháp phát triển thị trường KH&CN của tỉnh. Tôi bảo cả nước này còn đang khó khăn về phát triển thị trường KH&CN, còn tỉnh mình có chút xíu à, cái đó để Sài Gòn, Hà Nội người ta làm. Việc mình cần là nghiên cứu giải quyết được những bài toán đang nghẽn, như giống lúa đang thoái hoá, giống cá đang thoái hoá, trái cam quýt không ngọt bằng ngày xưa nữa, giống đang cỗi rồi, con ếch đang bị đồng huyết, ngày xưa nhập ếch Thái Lan về, cứ giao phối riết giờ bị cận huyết. Tại sao không làm những chuyện nhỏ nhỏ như vậy mà lại ngồi nghiên cứu TFP?
Nông nghiệp công nghệ cao của Đồng Tháp sẽ không chỉ giới hạn trong một khu biệt lập nào đó mà cần có sự liên kết mật thiết giữa doanh nghiệp và người nông dân. Doanh nghiệp hướng dẫn cho nông dân, cung cấp vật tư đầu vào, kiểm soát quy trình canh tác, rồi mua sản phẩm của nông dân về chế biến và làm logistic. Tôi đang hướng các doanh nghiệp ở đây đi theo hướng như vậy, nghĩa là tạo ra lợi ích lan tỏa tới nông dân, chứ không chỉ là chúng tôi cấp đất cho anh một đoạn làm trang trại lớn để sinh lời từ đó. Bởi vì kinh tế hộ nông dân còn nhiều lắm, một nhà lưới vài trăm hay cả ngàn ha thì vẫn không xi nhê gì so với đồng ruộng ở đây hết trơn.
Lê Minh Hoan |
Rất nhiều chuyện khác. Có Trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (CNC) của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, rồi lại có trung tâm ứng dụng KHCN của Sở KH&CN, tôi bảo gom lại giao cho Sở Nông nghiệp dùm cái, chứ đừng nghĩ chuyện ở trên Bộ có gì thì tỉnh cũng phải có. Tiềm lực KH&CN mình có bấy nhiêu, có mấy ông thạc sĩ về, chia mỗi ông mỗi nơi. Mỗi năm đâu có nhiều mẫu xét nghiệm, mà sở này có phòng thí nghiệm, sở kia có phòng phân tích, thiết bị chẳng có bao nhiêu. Tại sao không gom lại, để liên thông thiết bị, liên thông con người, hằng năm anh em có thêm công việc, thêm thu nhập.
Ông có thể nói kinh nghiệm của ông trong thu hút các nhà khoa học ngoài tỉnh đến làm việc?
Về điều này, tôi hay nói với các em rằng chúng ta cho đi là chúng ta nhận lại. Chúng ta phải thật lòng trân trọng nhà khoa học. Thì khi mình cần người ta sẽ đến với mình. Thực sự là nhiều nơi, nhất là các nhà lãnh đạo chưa hiểu hết được giá trị mà các nhà khoa học mang lại. Nhiều khi họ nghĩ các nhà khoa học chỉ nói chuyện trên trời không à.
Hiện nay tôi có mời anh Thanh Mỹ, Tổng giám đốc tập đoàn Mỹ Lan hợp tác xây dựng khu sản xuất lúa CNC. Những người như anh Thanh Mỹ rất hiếm, vừa có tố chất kinh doanh, vừa là nhà khoa học, lại có tâm. Có thể nói đó là con người của giải pháp. Khi xuống nói chuyện với người nông dân, họ hỏi có cách gì giúp xoài không bị chín sớm, khiến bị hao hụt khi vận chuyển đường xa, thì ông ấy bảo có cách chứ nhưng chưa biết đó là cách gì. Hai ba ngày sau ông ấy nói rằng trái xoài chín sớm là do bị oxi hoá, khiến nó lên đường sớm, giờ mình rút bớt oxi trong túi bao quanh trái xoài, thì nó sẽ ức chế, làm chậm quá trình trái xoài chín. Khi mặn hoá xâm nhập, mình đắp đập ngoài cửa biển để ngăn mặn, đó là một tai hoạ vì nó làm thay đổi hẳn tự nhiên. Ông ấy lập một trạm quan trắc ở bờ sông Cổ Chiên, vào một thời điểm có độ mặn phù hợp thì mở van cho dẫn nước vào tưới.
Suy nghĩ của ông về chuyện khởi nghiệp gắn với chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh?
Chúng tôi rất coi trọng việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp – một trong những yếu tố quyết định sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Người ta hay nói “phong trào” khởi nghiệp. Bệnh của mình là bệnh phong trào, khi thấy người ta làm thì mình cũng làm theo. Khởi nghiệp phải thực sự xuất phát từ niềm tin, đam mê cháy bỏng, khát vọng vươn lên để giải quyết được nhu cầu của cộng đồng, một câu hỏi, một điểm nghẽn trong cuộc sống. Nếu khởi nghiệp chỉ nghĩ tới kinh tế thì đâu có thành công. Chẳng hạn như ý tưởng làm sản phẩm mỹ nghệ từ hoa sen của Ngô Chí Công phải tạo ra những giá trị gia tăng cao, kích thích thay đổi cả ngành sen chứ không chỉ làm giàu cho Công. Hay chuyện khởi nghiệp của Võ Văn Tiếng, là câu chuyện dám tìm cho riêng mình một hướng đi, đó là làm nông sản sạch vì sức khỏe của gia đình và cộng động. Đó là quay về cách làm cũ nhưng là cái hợp lý, cái đi đúng xu hướng của thời đại.
Khởi nghiệp rất khó khăn, thường khi đối thoại với thanh niên, với sinh viên Đồng Tháp về khởi nghiệp, các em hỏi có chính sách gì hỗ trợ cho sinh viên khởi nghiệp, tôi nói chẳng có chính sách nào đáp ứng được muôn trùng ý tưởng, mô hình khởi nghiệp. Chính sách là do các cháu. Thường nhà nước mình hay ban hành rất nhiều chính sách mà thực tế người ta không cần, cái mà người ta cần thì mình lại không ban hành chính sách.
Để hỗ trợ khởi nghiệp, tôi thành lập một câu lạc bộ (CLB) giống như CLB doanh nghiệp dẫn đầu chỗ chị Kim Hạnh, đó là CLB doanh nghiệp dẫn đầu trong tỉnh. Tôi kiên trì thuyết phục khoảng 10 doanh nghiệp của tỉnh, kể cả doanh nghiệp ngoài tỉnh và thành lập quỹ 0 đồng để hỗ trợ khởi nghiệp. Tôi nói với các doanh nghiệp là không cần các quý vị hỗ trợ tiền nhưng yêu cầu họ thành lập ra một hội đồng tư vấn khởi nghiệp. Khi các bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp gửi tới thì quý vị – những người có kinh nghiệm thương trường tư vấn, thẩm định. Ý tưởng tạo ra sản phẩm khởi nghiệp phải mới, độc, lạ đã khó rồi nhưng để thương mại hoá sản phẩm còn khó hơn nên rất cần các vị phản biện các ý tưởng đó cho tròn trịa. Rồi chính quý vị là người cho các em vay, mượn, góp vốn cổ đông sau đó quỹ khởi nghiệp của tỉnh mới tham gia vào…
Hiện nay mấy anh khởi nghiệp đang cần vốn, đất đai để làm nhà máy, nên chúng tôi đang quy hoạch và thu hồi đất để làm hai khu khởi nghiệp ở TP Sa Đéc và TP Cao Lãnh. Ở đó nhà nước đầu tư sẵn điện ba pha, nước rồi. Anh vào đó vài năm, đủ lông đủ cánh, sản phẩm được thị trường chấp nhận và muốn mở rộng quy mô thì mời anh trở ra, tìm nơi khác hoạt động để tôi dành chỗ đó cho người khác làm.
Qua làm việc với một số cơ quan của tỉnh, chúng tôi nhận được sự hợp tác chân thành và thẳng thắn. Khó nơi nào có được như tác phong và thái độ làm việc như vậy.
Để hệ thống chuyển động tốt tôi phân tích cho anh em thấy không chỉ có nghĩa vụ mà phải thấy cái giá trị của công việc mình làm. Tôi nói cớ gì mình kêu gọi nông dân, doanh nghiệp hợp tác còn mình thì lại không hợp tác? Tôi hay nói với anh em trong hệ thống là mình đang bị bóng đè, nếu cứ lấy thông tư, nghị định chiếu vô thì mình hết làm luôn à. Bây giờ mình phải thoát khỏi cái đó đi, đụng đến đâu thì tự tin làm tới đó chứ sao bây giờ.
Sáng nay làm việc với lãnh đạo TP Cao Lãnh, tôi nói phải đổi mới phương thức lãnh đạo, sắp xếp lại hệ thống chính trị. Mấy ông ở Hội nông dân thành phố nói có phường chỉ còn mấy ha đất nông nghiệp mà tụi em xin Hội nông dân tỉnh xoá Hội nông dân ở mấy phường đó đi, mấy anh ở tỉnh nói đó là một cấp hành chính thì bất kể có mấy nông dân cũng phải có Hội nông dân chứ. Đó là bóng đè chứ là cái gì nữa. Tôi nghĩ, để phát huy được nguồn lực quốc gia, phải thiết kế lại hệ thống quản trị giống như đổi mới 2.0. Hồi xưa tới giờ khi sắp xếp bộ máy, mình thiên về giảm biên chế, đông quá thì trả lương không nổi. Cái đó đúng, nhưng một phần thôi. Bây giờ mình nhìn vào một đoàn thể, một cơ quan mà chỉ có ba người chẳng hạn, thì đâu có khí thế, có năng lượng để làm việc, từ đó dần dần có nhiều hệ quả xấu.
Xin chân thành cảm ơn ông!