ThienNhien.Net – Dòng sông chảy xuyên qua mỗi quốc gia tạo nên nét văn hóa riêng biệt và sự trù phú của vùng đất. Tuy nhiên, dưới tác động của con người cùng với biến đổi khí hậu, dòng sông trở nên hung dữ. Vậy các nước tiến bộ trên thế giới làm gì để “cứu” sông?
Tiến sĩ Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện khoa học thủy lợi miền Nam (Bộ NNPTNT) cho biết: “Hiện nay, các nước tiên tiến đang xem xét thực hiện các công trình chỉnh trị theo quan điểm bảo vệ, khôi phục tự nhiên, tạo cảnh quan môi trường sinh thái”.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp cấp bách và lâu dài nhằm đối phó với tình trạng sạt lở ở tỉnh An Giang. Các giải pháp làm ngay như: Thả rọ đá phên liếp, đặt bao tải cát dọc đường bờ sông, tiến hành chỉnh trị dòng chảy, nạo vét đáy sông nhằm tránh tạo ra “hố xói”, quản lý chặt việc khai thác cát dòng sông, tăng cường thanh kiểm tra các công trình ven sông. Bộ cũng đề xuất cho phép triển khai trước dự án chống sạt lở sông Hậu, dựng các trạm quan trắc để theo dõi diễn biến bảo vệ hệ thống sông Cửu Long. |
Theo tiến sĩ Hoằng, để bảo đảm an toàn chống lũ, các nước như Đức, Mỹ, Nhật, Pháp, Thụy Sĩ, Úc… đã xây dựng các tuyến đê sinh thái, khôi phục các dải cây hai bên bờ sông, dỡ bỏ các công trình được “bê tông hóa” che phủ trên sông.
Hà Lan đang lập quy hoạch môi trường nước theo hướng chung sống với tự nhiên trong thế kỷ XXI. Nước Mỹ đã thông qua các giải pháp để dỡ bỏ các đập lớn, khôi phục các đoạn sông đã bị ngập chìm và tái tạo các dải thực vật ven bờ, khôi phục và cải thiện hệ thống sinh thái sông ngòi.
Canada, Úc, New Zealand… đã thông qua các dự án công trình chỉnh trị sông mới nhằm phục hồi các bãi sông, dỡ bỏ các công trình gia cố bờ bằng bê tông, thiết kế các công trình và đảo nhân tạo, tạo điều kiện phát triển các giống, loài thủy sinh.
Nhật là nước có thiết kế cảnh quan sinh thái trong công trình thủy lợi được ứng dụng tốt nhất. Đầu những năm 1990, Nhật Bản đã triển khai “kế hoạch sáng tạo những dòng sông tự nhiên”. Năm 1991 đã có hơn 600 nơi làm thí điểm công trình sông tự nhiên. Mười năm trước đây Nhật đã bắt đầu khái niệm “sông mới”, đồng thời thực thi những công trình bảo vệ bờ dạng sinh thái.
Những chính sách bảo vệ môi trường sông ngòi của các nước không những đảm bảo an toàn lũ lụt, chống xói mòn, sạt lở mà còn đối phó tốt với quá trình biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ.
Trong khi đó ở nước ta, sự cố sạt lở sông Vàm Nao, nối sông Tiền và sông Hậu hôm 22.4 khiến hơn 16 nhà dân chìm trong biển nước và hàng nghìn người khác phải di tản gấp khi có cảnh báo nguy hiểm.
Sự cố về dòng sông này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng bảo vệ sông ngòi ở hệ thống sông Cửu Long chảy vào Nam Bộ.
Tiến sĩ Hoằng cho hay, theo thống kê sơ bộ mỗi năm có khoảng 150 ha đất ở đồng bằng sông Cửu Long sụp đổ xuống sông. Qua một số tài liệu đo đạc khảo sát cho thấy, lòng dẫn sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao đang hạ thấp dần. Một trong những nguyên nhân là do tình trạng khai thác cát trái phép, khai thác không đúng với quy hoạch.
Bên cạnh đó khi một loạt công trình đập thủy điện ở các nước thượng nguồn sông Mekong hoàn thành đi vào hoạt động thì nguy cơ thiếu hụt bùn cát về sông Cửu Long là rất lớn.
Cần có chính sách quản lý hiệu quả để bảo vệ sông Cửu Long cũng chính là bảo vệ tính mạng và tài sản cho hàng ngàn nhà dân sinh sống tập trung đôi bờ dòng sông vốn hiền hòa và mang lại nhiều sản vật trù phú.
Gần đây nhất, vào khoảng 9h sáng 5.5, tại tổ 21, ấp An Thạnh, xã Hòa An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang xảy ra sạt lở bờ sông làm quán cà phê của ông Trần Quới Thiên bị nhấn chìm xuống nước.
Đoạn sạt lở kéo dài 30m, sâu khoảng 2, ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 70 triệu đồng. Quán cà phê của ông Thiên nằm sát mé sông Hậu, trước đó ông này đã tiến hành đổ bê tông xung quanh nhà và bơm cát vào để láng xi măng nền quán nhưng sau đó xảy ra sạt lở mau chóng. Cùng ngày 5.5 tại Hậu Giang, một vụ sạt lở ở sông Ba Láng, ấp Thạnh Lợi, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A làm hàng rào và cây cối của hai nhà dân sụp xuống sông. Vụ sạt lở kéo dài khoảng 50m, sâu 3,5m. Chính quyền địa phương đã rào chắn đoạn đường bị sạt lở, mở đường khác cho dân đi lại. Trước đó, vào khoảng 9h sáng 22.4, một đoạn sông Vàm Nao xảy ra sạt lở cuốn trôi 16 nhà dân xuống sông trong tích tắc. Sự việc xảy ra ở tổ 12, ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang khiến nhiều người dân lâm cảnh màn trời chiếu đất. Đây là vụ sạt lở lớn trong những năm qua, đồng thời cảnh báo tình trạng sạt lở trên diện rộng hơn. |