ThienNhien.Net – “Hồn Tổ Quốc nằm trong rừng xanh thẳm/Rừng điêu tàn là Tổ Quốc điêu linh”. Đó là câu thơ mà Hoàng Đình Bá có lần đọc tôi nghe, tôi không nhớ là thơ của ai. Đối với ông Bá, rừng là Tổ Quốc. Sơn Trà là Tổ Quốc.
Kỳ 1: Sơn Trà ký sự-Kỳ 1: Chuyện về ông “thần rừng”
Trận lụt núi lở đá trôi năm Thìn 1964 gây tang thương cho Quảng Nam, khiến 6000 người chết. “Núi lở đá trôi” không phải là hình tượng ví von mà là sự thật, núi đã lở từng mảng, đá đã trôi từng tảng lớn. Sau trận lụt lịch sử này, ông Võ Chí Công (Năm Công) khi ra Hà Nội đã báo cáo với Trung Ương và nhân dân miền Bắc. Sự kiện đó đã tác động sâu sắc đến giới khoa học.
Năm 1965, một cuộc họp ở Tổng cục Lâm nghiệp, có giáo sư Tạ Quang Bửu và Hoàng Đình Bá dự. Người ta đề nghị ông Bá nhận xét, bây giờ gọi là “phản biện”, về Khu Lâm nghiệp Quỳ Châu (Nghệ An), là chương trình lâm nghiệp quy mô lớn đầu tiên ở nước ta, do 41 chuyên gia Trung Quốc đến giúp. Trong 41 chuyên gia đó, có tới 2/3 là bạn học của ông Bá hoặc là những người ông quen biết. Họ đều là những người có trình độ chuyên môn rất cao, lại được đào tạo chuyên sâu bởi các giáo sư hàng đầu thế giới từ Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Nhật Bản… do Trung Quốc mời đến sau năm 1949. Ông Bá bảo, các chuyên gia này làm đúng, đã áp dụng những tri thức tiến bộ của thế giới, nhưng không thích hợp với điều kiện Việt Nam, vì không đề cập đến vấn đề đối phó với thiên tai lũ lụt. Và ông đã đề xuất một hướng tiếp cận khác, phù hợp hơn với đặc điểm khí hậu và sinh thái của nước ta. Các nhà khoa học tán thành đề nghị này. Giáo sư Tạ Quang Bửu cũng tán thành, nhưng vị giáo sư vừa uyên bác vừa nhìn xa trông rộng này cho rằng, trong hoàn cảnh của miền Bắc lúc ấy không thể triển khai, vì không có kinh phí, không đủ cán bộ chuyên môn và rất khó được phê duyệt. Giáo sư Bửu đề nghị ngắn gọn : “Y cẩm dạ hành” (áo gấm đi đêm). Làm, nhưng không cần để người khác biết. Đây cũng là phương châm để lách, để vượt lên mọi sự cản trở của hệ thống quan liêu. Đối phó với biến đổi khí hậu giờ đang là khẩu hiệu thời thượng, nhưng các nhà khoa học và các nhà lãnh đạo nhìn xa trông rộng của nước ta đã đặt ra từ lúc đó.
Một năm sau, năm 1966, Phân viện Nghiên cứu rừng nhiệt đới Việt Nam được thành lập, ông Bá được giao làm Viện Phó chủ trì khoa học (Viện trưởng là một nhà chính trị), đồng thời làm Chủ nhiệm công trình điều tra quy hoạch Vườn Quốc gia Cúc Phương. Năm 1970, ông vào chiến trường khu 5.
Các nhà viết lịch sử chiến tranh nên lưu ý, các bậc “tiền hiền” của cách mạng, chí ít là ở Khu 5 mà tôi biết, không phải là những người chỉ biết lãnh đạo kháng chiến. Họ đã “y cẩm dạ hành” rất nhiều việc nhằm chuẩn bị cho sự hồi sinh của đất nước. Một trong những người đó là ông Năm Công. Ông Bá được ông Năm Công giao một nhiệm vụ không liên quan gì đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: Chủ trì điều tra toàn bộ rừng và tài nguyên thiên nhiên khu Trung Trung bộ, quy hoạch vùng và chuẩn bị phát triển kinh tế hậu chiến.
Vào năm 1971, giữa lúc chiến tranh diễn ra ác liệt nhất, ông Bá đã cùng 65 kỹ sư và cán bộ chuyên môn tiến hành một cuộc khảo sát gian nan chưa từng có. Một lượng tài liệu khổng lồ thu thập được bằng không ít máu tươi, đã được xử lý giữa bom đạn. Ông đã cho tôi xem tấm bản đồ về rừng, về các vùng sinh thái, kèm theo các biểu đồ diễn biến được lập ra lúc đó. Ông nói, tính từ năm 1900, trong vòng hơn 70 năm, rừng tốt giảm xuống 14 lần, nghĩa là toàn Trung Trung bộ mất đi trên 65.000 cây số vuông. Cũng trong thời gian này, có thêm gần 38.000 cây số vuông đất rừng biến thành đồi trọc, thành hoang mạc sinh học. Lượng nước thấm xuống đất thời điểm này giảm đi 17 tỷ mét khối so với năm đầu thế kỷ, nghĩa là do rừng bị phá mà mỗi năm lượng nước mưa chảy tuột ra biển tăng bình quân trên 10 tỷ khối. Đó là cội nguồn của nạn hồng thủy trong tương lai. Trận lụt năm Thìn chỉ là lời cảnh báo đầu tiên.
Hồi ấy nạn phá rừng không nghiêm trọng như bây giờ, nhưng nguyên nhân vẫn là do sự thiển cận và độc ác của con người : sự tấn công của nông nghiệp vào rừng rậm, chặt phá lấy gỗ, phá rẫy du canh và dĩ nhiên là chiến tranh. Địch phá bằng bom đạn và chất độc hóa học đã đành rồi, nhưng còn ta nữa, ta cũng phá rừng không ít. Cho đến năm 1973, khi việc tiếp tế lương thực không còn quá khó khăn, vẫn có cả binh đoàn chặt hàng ngàn ha rừng để trồng sắn, tỉa bắp với sản lượng không đủ nuôi chính người sản xuất. Ông Bá đã thẳng thắn đề nghị chấm dứt tình trạng này, nhưng không hề dễ. Hồi ấy ở chiến khu chia thành 2 “phái”, một “phái” bảo vệ rừng, còn “phái” kia thì ủng hộ phá rừng để sản xuất. Tờ báo tường tại cơ quan Khu ủy có đăng một bức tranh biếm họa, vẽ một cái cây, một người cầm rìu chặt cái cây đó và một người thì ôm cái cây la lên : “Huớ làng anh Năm ơi !”. Người ôm cây chính là Hoàng Đình Bá. “Anh Năm”, là ông Năm Công. Thật may mắn, Bí thư Khu ủy ủng hộ việc bảo vệ rừng. Kết quả là vào năm 1973, Ủy ban nhân dân cách mạng Khu Trung Trung bộ đã ra một Chỉ thị bảo vệ rừng trong toàn Khu, nghiêm cấm việc phá rừng để sản xuất.
Sau ngày giải phóng, bên cạnh chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc cùng với việc bảo vệ và phục hồi rừng nói chung, lãnh đạo Khu và tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ bán đảo Sơn Trà. Ngày 25.6.1976, Ủy ban Nhân dân cách mạng tỉnh QN-ĐN đã ra Quyết định số 293 QĐ-UB về việc bảo vệ, khôi phục lại rừng ở bán đảo Sơn Trà. Tham mưu cho việc đó là ông Bá. Ông đã nghiên cứu tất cả những tài liệu liên quan đến Sơn Trà và tự mình khảo sát thực địa. Ông bảo, ngoài động vật quý hiếm, Sơn Trà có gần đủ các loài thực vật của Việt Nam (trong đó nhiều loại thực vật có ở Sơn Trà nhưng không có ở những nơi khác), mà Việt Nam thì chỉ cần thêm 500 loài nữa là có đủ tất cả các loài thực vật trên trái đất. Sơn Trà cũng hội đủ các điều kiện dung trú mọi loài thực vật trên hành tinh. Bởi vây, từ Sơn Trà có thể nghiên cứu phục hồi lại rừng trong cả nước.
Sau vụ kỷ luật như đã nói, 30 vạn ha đất trọc được phủ xanh đã mất sạch trong một thời gian ngắn, trong khi hàng năm vẫn báo cáo diện tích rừng mới được trồng. Thành phố Đà Nẵng nay khang trang đẹp đẽ hơn xưa rất nhiều, nhưng không hề có một chút thuyết phục nào đối với những người như ông Bá. Ông bảo trước năm 2000, thành phố (nội đô) cây xanh vốn đã ít, chỉ ở mức 0,90 m2/người, sau khi “chỉnh trang đô thị” đã chặt mất 8000 cây xanh đường phố, trong đó có 2000 cây cổ thụ, khiến cho mật độ cây xanh giảm xuống hơn 1 nửa, thấp rất xa so với chỉ số tương ứng của các đô thị khác. Đó là sự thảm hại.
Gần 30 năm nay, ông Bá lại “y cẩm dạ hành” với bán đảo Sơn Trà. Cái dự án vườn quốc gia Sơn Trà-Hải Vân ngày xưa ông đã ngây thơ tin là nó khả thi, nhưng chưa bao giờ thành hiện thực. Bị người ta đánh cho lên bờ xuống ruộng, ông vẫn tin vào thiện chí của con người. Gần đây ông lại say sưa nói tôi nghe về một dự án mới, hoành tráng hơn, đó là dự án phục hồi, tôn tạo khu sinh quyển 1 triệu ha, nối liền các rừng cấm và rừng phòng hộ, bao hàm 37 đỉnh núi trên dãy Trường Sơn có độ cao 1000 mét trở lên, khu sinh quyển này sẽ bảo gồm 1 vườn vạn vật 200 ngàn ha. Điểm nhấn, điểm khởi đầu vẫn là Sơn Trà. Ông bảo, khu sinh quyển sẽ là một bách khoa toàn thư về gen thực vật và “một số động vật” của thế giới. Ông quả quyết: “Nếu khu sinh quyển phục hồi được 4% số cây có bộ rễ sâu (30 mét) thì sẽ phục hồi lại toàn bộ hệ thống nước ngầm bằng mức trước năm 1936”. Vấn đề lũ lụt và vấn đề “nóng chết người” sẽ được giải quyết triệt để với dự án này. Từ những khảo nghiệm tại Sơn Trà, ông nói chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra những khu vực dù khí hậu diễn biến như thế nào chăng nữa thì nhiệt độ ở đó cũng không vượt quá 35 độ C.
Đừng vội cho ông Bá là ảo tưởng, dù những dự án đó không bao giờ trở thành hiện thực. Tôi tin những điều ông nói. Ông Võ Chí Công cũng tin. Tại khu đất nhỏ mà ông Bá chọn trong diện tích 22,5 ha rừng bị phá trước đây ở Sơn Trà, ông đã trồng rất nhiều loại cây. Ông Võ Chí Công cũng góp vào đó 2 cây dược liệu quý. Nhiều nhà khoa học là Việt kiều cũng gửi hạt giống về. Ông nói ông Trần Văn Não, trước đây là Giám đốc Nha Thủy lâm Nam phần của chính quyền Ngô Đình Diệm, sau đó làm ở Liên hiệp Quốc, cũng gửi về 30 hạt giống loài cây có bộ rễ sâu 30 mét, nhưng những hạt giống đó bị bên lâm nghiệp làm thất lạc, sở dĩ ông biết là qua một người quen. Nhiều người thương ông cũng đã góp cây hoặc góp tiền mua cây, như là làm từ thiện. Cái vườn cây khảo nghiệm đó nay đã bị phá sạch rồi. Nhưng tôi vẫn cứ tin, rằng sẽ có nhiều người tiếp bước “y cẩm dạ hành” như ông.
(Còn tiếp)