ThienNhien.Net – Trong vòng 20 năm tới, bên cạnh việc tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện thì phát triển nhiệt điện than vẫn là sự lựa chọn số 1 để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng cao. Hiện công nghệ nhiệt điện than đã hoàn toàn cho phép xử lý các vấn đề về môi trường như xử lý nước thải, khí thải và các chất thải rắn. Đó là thông tin được đưa ra tại “Diễn đàn Năng lượng Việt Nam – Hiện tại và tương lai” do Bộ Công Thương phối hợp với Ban Kinh tế T.Ư và Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức vào sáng 4.5 tại Hà Nội.
Cần cách tiếp cận mới
Tại diễn đàn, TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế VN – nêu lên các tiếp cận mới về cung cầu năng lượng (NL) quốc gia. Trong khi việc sử dụng năng lượng còn chưa hiệu quả, lãng phí lớn thì giá năng lượng chính là mấu chốt để điều tiết hành vi sử dụng năng lượng.
“Cơ chế thị trường đã được thiết lập 30 năm nay, nhưng giá năng lượng vẫn do nhà nước quy định, mang nặng tính hành chính nên luôn thấp hơn giá thị trường. Từ đó, dẫn đến những hệ lụy như khuyến khích tiêu dùng năng lượng lãng phí; khuyến khích nhà đầu tư sử dụng công nghệ thấp gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn nhiều năng lượng; Giá điện thấp cũng sẽ dẫn đến không khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư vào điện để có đủ điện khiến nền kinh tế luôn đứng trước nguy cơ thiếu hụt NL khó cân bằng. TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh cần sự tiếp cận NL mới, trong đó có tính đến yếu tố năng suất lao động trước làn sóng cách mạng công nghệ 4.0; và việc ứng dụng công nghệ cao tiết kiệm NL để giảm thiểu áp lực từ phía cầu là việc cần tính đến trong tổng thể chiến lược NL quốc gia” – TS Thiên nói.
Trong bối cảnh nhu cầu về NL không ngừng tăng cao thì các dạng NL sơ cấp đang dần cạn kiệt. Ông Phan Thế Hùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương – cho biết: Hiện các nguồn NL như thủy điện đã được huy động hết, điện hạt nhân đã được Chính phủ yêu cầu tạm dừng, các dạng NL tái tạo đang ở mức sơ khai, thì trong vòng 10-20 năm tới, mức độ thiếu hụt NL sẽ được bù đắp bởi nhiêt điện than và khí LNG nhập khẩu. Dự báo tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng theo nhiên liệu ở kịch bản cơ sở (mức thấp), thì đến năm 2020, tổng nhu cầu NL của Việt Nam là khoảng 71,337 KTOE, sẽ tăng lên 115,016 KTOE vào năm 2030 và 137,834 KTOE vào năm 2035.
Nếu năm 2015, công suất các nhà máy điện than chiếm khoảng 12.500MW thì đến năm 2035, công suất nhiệt điện than sẽ tăng gấp gần 5 lần khoảng 58.590MW, đồng thời NL tái tạo từ chỗ chỉ chiếm 1.900MW năm 2015 sẽ tăng lên khoảng 50.540MW năm 2035. Theo ông Phan Thế Hùng, các dự án theo Tổng sơ đồ điện 7 hiệu chỉnh giai đoạn từ 2031 trở đi phần điện hạt nhân sẽ được bù đắp bởi than, LNG nhập và điện gió… Tổng mức đầu tư phát triển nguồn và lưới điện giai đoạn 2016-2030 khoảng 148 tỉ USD. Vì vậy cần thiết phải thực hiện các chương trình tiết kiệm NL để cắt giảm nhu cầu NL.
Bộ Công Thương sẽ giám sát nghiêm ngặt nhiệt điện than
Ông Trần Hữu Lượng – Cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật và Môi trường công nghiệp – cho biết, VN hiện có 20 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động với tổng công suất đặt trên 13.110MW. Hiện tất cả các nhà máy đang xây dựng và đã đi vào vận hành đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Theo kết quả kiểm tra mới đây của Bộ Công Thương, chất thải nguy hại ở các nhà máy nhiệt điện như Vũng Áng, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, Formosa Hà Tĩnh đã được kiểm soát chặt chẽ theo quy định. Một số nhà máy mắc lỗi như: Thu gom và phân loại chất thải nguy hại chưa triệt để, xây kho lưu giữ chất thải nguy hại không đúng quy định… đã được Bộ Công Thương chỉ đạo xử lý, khắc phục.
Ông Lượng cho biết, hiện có 2 nhà máy nhiệt điện cũ công nghệ từ những năm 60 là Uông Bí công suất 50MW gây ô nhiễm môi trường đã bị Bộ Công Thương yêu cầu dừng hoạt động. Nhiệt điện đốt than có 2 nguồn thải đang quan tâm là khí thải và tro xỉ sinh ra trong quá trình đốt cháy than trong lò đốt, ngoài ra còn nguồn thải nhiệt của nước làm mát. Với việc xử lý khí thải, hiện chỉ có 2 nhà máy Phả Lại 1 và Ninh Bình với công nghệ cũ nên không lắp đạt hệ thống xử lý SOx do thời điểm xây dựng 2 nhà máy này chưa có Luật Bảo vệ môi trường, chưa có quy định về xử lý khí thải. Còn lại các nhà máy công nghệ lò đốt tầng sôi hiện không lắp hệ thống xử lý NOx do nhiệt độ buồng đốt thấp và than chứa ít thành phần hợp chất Nitơ nên khí thải đã đạt quy chuẩn Vn về môi trường.
Hiện nay, theo ông Lượng, hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP) đã lắp đặt ở tất cả các nhà máy nhiệt điện đang hoạt động với hiệu suất giao động từ 99,7% đến 99,8%. Với đặc thù công nghệ của nhiệt điện đốt than khi khởi động lò hơi hoặc khi công suất lò thấp các nhà máy phải đốt kèm dầu FO, HFO hoặc DO. Khi hệ thống lọc bụi tĩnh điện không hoạt động được do nguy cơ cháy nổ, khi đó người dân sẽ quan sát thấy hiện tượng khói đen từ miệng ống khói. Ông Lượng cho biết, để khắc phục tình trạng này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các nhà máy nhiệt điện đốt than chủ động đầu tư cải tiến thiết bị, công nghệ lọc bụi tĩnh điện để đưa hệ thống vào vận hành ngay khi khởi động lò, thay thế nhiên liệu dầu DO sang dầu DO. Cụ thể, nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 và NĐ Duyên Hải 3 đã khắc phục được cơ bản tình trạng này khi đưa hệ thống lọc bụi tĩnh điện ngay từ giai đoạn khởi động lò.
Ngày 12.4.2017 mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt đề án xử lý, sử dụng tro xỉ của nhà máy nhiệt điện, hóa chất, theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương yêu cầu các nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động phải lập đề án xử lý, tiêu thụ tro xỉ trình Bộ phê duyệt trước ngày 31.12.2018.