ThienNhien.Net – Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có Văn bản số 37/BC-BTNMT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả khảo sát xác định nguyên nhân sạt lở đất khu vực sông Vàm Nao thuộc ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang; đồng thời đề xuất những giải pháp ứng phó cấp bách trước mắt cũng như về lâu dài với tình trạng sạt lở diễn ra trên địa bàn tỉnh An Giang.
Trước tình hình sạt lở nghiêm trọng bờ sông Vàm Nao thuộc khu vực ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang làm 16 căn nhà bị trôi xuống sông, hơn 100 hộ dân xung quanh phải khẩn cấp di dời, trong hai ngày 25 và 26/4/ 2017, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã trực tiếp khảo sát thực địa khu vực sạt lở và có buổi họp khẩn với lãnh đạo tỉnh An Giang để hỗ trợ người dân tái định cư, sớm ổn định cuộc sống, đồng thời tìm các giải pháp ứng phó với tình hình sạt lở của tỉnh An Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.
Ngay sau khi kết thúc chuyến khảo sát thực địa tại An Giang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chính thức báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình sạt lở nghiêm trọng diễn ra tại tỉnh An Giang, đồng thời đề xuất những giải pháp ứng phó cấp bách trước mắt và lâu dài.
Nhận định sơ bộ về nguyên nhân sạt lở tại sông Vàm Nao
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, từ năm 2009 đến nay tình trạng sạt lở trên địa bàn tỉnh An Giang thường xảy ra vào hai thời điểm trong năm: đỉnh lũ của những năm có mực nước lũ lớn và vào thời điểm mùa cạn, xuất hiện khi mực nước chân triều thấp nhất trong năm làm giảm áp lực nước lên đường bờ và xảy ra hiện tượng trượt mái bờ gây sạt lở. Từ năm 2009 đến nay đã ghi nhận nhiều lần sạt lở tại địa bàn An Giang với nhiều đoạn sông.
Trên cơ sở kết quả kháo sát và các nghiên cứu đã triển khai của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản, Bộ TN&MT nhận định sơ bộ một số nguyên nhân gây ra các vụ sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh An Giang nói chung và sạt lở tại bờ sông Vàm Nao, đoạn chảy qua ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới nói riêng như sau:
Các đập thượng nguồn giữ lại bùn cát nên dòng chảy hạ lưu bị đói bùn cát, để cân bằng năng lượng dư thừa buộc dòng nước phải bào xói bờ. Kết quả điều tra khảo sát, tính toán ổn định mái dốc cho thấy tại nhiều vị trí mặt cắt hệ số ổn định K < 1,000, bờ sông có nguy cơ mất ổn định cao. Hệ số K ứng với mực nước lớn nhất lớn hơn so với mực nước nhỏ nhất (trong cùng điều kiện tải trọng tác dụng).
Điều này có thể giải thích là do nước sông tạo thành nêm vật chất, làm cân bằng cơ học lực gây trượt và lực chống trượt làm tăng hệ số ổn định bờ sông. Độ ổn định sẽ giảm khi mực nước sông rút nhanh, áp lực nước lỗ rỗng không kịp tiêu tán hết trong nền sét bão hòa nước tạo ra dòng thấm làm tăng nguy cơ sạt lở.
Đồng thời các hoạt động giao thông, xây dựng công trình, chất tải gần bờ sông làm tăng nguy cơ sạt lở bờ. Đây có thể là một trong các nguyên nhân gây nên các diễn biến phức tạp về xói lở bờ sông tại An Giang. Khả năng vùng này còn tiếp tục xói lở vì chưa đạt tới trạng thái cân bằng của lòng dẫn.
Vị trí sạt lở nằm ở khu vực ngã ba sông Vàm Nao và sông Hậu, có chế độ thủy văn, thủy lực phức tạp; kết hợp với nền đất yếu, không ổn định nên dễ gây sạt lở. Thời điểm sạt lở trong mùa cạn, khi mực nước sông thấp, mực nước ngâm trong đất hạ thấp gây nên hiện tượng trượt lở khối. Mặt khác chế độ thủy triều lên xuống cộng với nước từ thượng nguồn đổ về giao thoa các nguồn động lực gây sạt lở. Theo ghi nhận ban đầu của chính quyền địa phương, tại khu vực đang xảy ra sạt lở đã xuất hiện hố xoáy với chiều dài 380m, chiều ngang 120m, độ sâu (âm) 42m nên nguy cơ sạt lở vẫn còn tiếp diễn.
Các tài liệu thu nhập, khảo sát địa chất, địa vật lí, địa chất bờ sông có thể thấy rằng, khu vực tỉnh An Giang chủ yếu do phù sa bồi lắng, có kết cấu địa tầng yếu, nhất là kết cấu địa chất khối mặt nền. Tầng đất mặt là đất sét xám, pha lẫn nhiều chất mùn hữu cơ nên có độ kết dính thấp, dễ bị xâm thực và bào mòn nhanh, kết hợp với tác động do sóng nước, dòng chảy, biên độ chênh lệch của đỉnh triều. Tầng đất mặt là sét xám, sét pha trạng thái dẻo mềm đến dẻo cứng chiều dày trung bình 1-3m, tầng đất dưới là sét dẻo chảy, bùn sét, bùn sét pha tới độ sâu 10-15m là các lớp đất yếu. Đây là một trong những nguyên nhân nội sinh quan trọng, gây nên hiện tượng sạt lở bờ sông Hậu.
Đề xuất các giải pháp chống sạt lở cho An Giang
Để khẩn trương khắc phục tình trạng sạt lở, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, Bộ TN&MT đã kiến nghị và đề xuất Thủ tướng Chính phủ các giải pháp trước mắt cần triển khai. Đó là:
Chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang triển khai ngay việc hỗ trợ, tái định cư cho người dân khu vực sạt lở để đảm bảo sớm ổn định đời sống.
Triển khai ngay một số giải pháp mềm như sử dụng các rọ đá phên liếp, cọc tra, cọc gỗ, bao tải cát đặt tại ngay phía ngoài đường bờ, dọc theo đường bờ giúp cho đường bờ tăng khả năng chống chọi với vận tốc dòng lớn và các tác động do giao thông thủy gây ra để đảm bảo an toàn cho các khu vực có nguy cơ không để việc sạt lở lan rộng vào khu dân cư, khu sản xuất kinh doanh và trường học.
Tiến hành đồng bộ các giải pháp phi công trình như chỉnh trị dòng chảy, nạo vét đáy sông nhằm không để dòng chảy áp sát bờ gây hố xoáy hay giảm đột ngột mặt cắt ướt. Giải pháp phi công trình vừa ít tốn kém, vừa tận dụng khai thác tài nguyên khoáng sản. Việc khai thác cát hợp lý và khoa học sẽ góp phần khơi thông dòng chảy, hạn chế tình trạng sạt lở đất bờ sông.
Tăng cường thanh kiểm tra việc xây dựng các công trình ven sông, quản lý chặt việc khai thác cát lòng sông; quản lý giao thông thủy hợp lý. Nghiên cứu xây dựng các công trình cứng như kè chống sạt lở bờ sông và các công trình nắn dòng trên cơ sở nghiên cứu, tính toán để đưa ra các thông số công trình hiệu quả.
Về các giải pháp lâu dài, Bộ TN&MT kiến nghị Thủ tướng và Chính phủ sớm xem xét phê duyệt danh mục các Dự án thuộc chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh hoặc cho phép triển khai trước Dự án chống sạt lở sông Hậu.
Giao Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang và các địa phương thuộc lưu vực sông Tiền, sông Hậu trong chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tiến hành khảo sát, điều tra, đánh giá một cách tổng thể, bài bản, khoa học, tất cả các nguyên nhân sạt lở trên địa bàn tỉnh An Giang và toàn bộ lưu vực sông Tiền, sông Hậu, xác định cụ thể những khu vực xung yếu, đề xuất các giải pháp tổng thể, đồng bộ từ quy hoạch, xây dựng công trình, quan trắc và theo dõi diễn biến để bảo vệ.