Bài thuốc trị nạn “tiền trảm hậu tấu”

ThienNhien.Net – Xử lý trách nhiệm người đứng đầu là rất quan trọng trong việc triệt tiêu tình trạng “tiền trảm hậu tấu”.

Hiện tượng “làm trước hợp thức hóa sau” diễn ra không chỉ ở Phú Yên với những dự án phá rừng nuôi bò, làm sân golf mà còn xuất hiện ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) với 40 nền biệt thự xây không đúng quy định. Ở một số tỉnh như Đồng Nai, Sóc Trăng, nhiều vụ việc cho thấy chính quan chức cũng bất chấp quy định pháp luật xây dựng trái phép những biệt thự hoành tráng, gây bức xúc trong dư luận.

Dễ thấy tình trạng “tiền trảm hậu tấu” đang nổi lên như một điều nhức nhối. TS Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) trong bài trả lời phỏng vấn của Pháp Luật TP.HCM hôm 3-5 đã chỉ rõ: “Thói quen “tiền trảm hậu tấu” ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền tảng của xã hội, đến hệ thống hành chính. Đó chính là kỷ cương. Mà kỷ cương không được bảo đảm thì công việc sẽ rối loạn, trật tự xã hội sẽ bị đảo lộn”.

Vậy làm gì để chấm dứt tình trạng “tiền trảm hậu tấu”? Pháp Luật TP.HCM ghi nhận ý kiến một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH), chuyên gia về vấn đề này.

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Tại kỳ họp QH vừa qua, chính Thủ tướng đã tuyên bố là “đóng cửa rừng”. Đó là một tuyên bố đúng đắn, phù hợp với tình hình hiện tại. Bên cạnh đó, chúng ta đã có pháp luật về đầu tư, về bảo vệ và phát triển rừng, về bảo vệ môi trường điều chỉnh.

Còn đối với các trường hợp xây dựng như ở Sơn Trà, biệt thự, biệt phủ của quan chức thì chúng ta cũng có hệ thống pháp luật về xây dựng, thậm chí hệ thống pháp luật về hành chính, hình sự cũng đã điều chỉnh.

Vì thế, việc “tiền trảm hậu tấu” cần phải được xem xét trên cơ sở pháp luật. Nếu đối chiếu với luật pháp hoặc các cấp có thẩm quyền kết luận việc phá rừng, việc xây dựng là có dấu hiệu sai pháp luật thì phải xử lý theo những gì pháp luật đã quy định. Nếu đáng xử lý hành chính thì phải xử lý hành chính, nếu đáng xử lý hình sự thì phải xử lý hình sự. Tất cả phải đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Đảng và Nhà nước đã xác định rất rõ những sai phạm dù là của tổ chức hay cá nhân thì người đứng đầu cũng phải chịu trách nhiệm. Công, tội phải rõ ràng. Người vi phạm trực tiếp đương nhiên phải xử lý đã đành nhưng những người đứng đầu cũng cần phải chịu trách nhiệm liên đới.

Dĩ nhiên trách nhiệm người đứng đầu không hẳn đã là phương thức vạn năng, triệt để, bởi vẫn sẽ có những người liều lĩnh, bất chấp. Trong các báo cáo của các cấp ủy, Đảng vẫn nói có một “bộ phận không nhỏ cán bộ” vi phạm pháp luật. Tuy vậy, xử lý trách nhiệm người đứng đầu sẽ góp phần đảm bảo kỷ cương khi xử lý về mặt đảng và pháp luật được vận dụng nghiêm minh.

Và tôi vẫn muốn nhấn mạnh: Xử lý trách nhiệm người đứng đầu là rất quan trọng trong việc triệt tiêu tình trạng “tiền trảm hậu tấu”.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng


Tỉnh Phú Yên cho phát trắng hàng trăm hecta rừng tự nhiên để nuôi bò (Ảnh: Tấn Lộc)

Phải thượng tôn pháp luật

Những vụ việc như Pháp Luật TP.HCM nêu đúng là có mô thức “tiền trảm hậu tấu”. Chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng có những dấu hiệu cho thấy việc phá rừng ở Phú Yên, xây móng biệt thự ở Sơn Trà, một vài quan chức ở Đắk Lắk, Đồng Nai hay Đà Nẵng trước đây… xây biệt thự, biệt phủ là chưa tuân thủ các quy định của pháp luật do chính Nhà nước ban hành.

Điều ấy nói lên gì? Những nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã bị phá vỡ. Nhà nước dù là chủ thể ban hành và tổ chức quản lý xã hội bằng pháp luật nhưng Nhà nước phải chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật ấy. Thêm nữa, cũng chính hệ thống pháp luật ấy là cơ chế để kiểm tra, ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, phá vỡ kỷ cương, pháp chế.

Nếu hiểu như vậy thì khi triển khai một dự án, ban hành một chính sách nào, chính quyền cũng phải lấy hiến pháp, pháp luật liên quan để soi rọi, không biến mình thành chủ thể vi phạm pháp luật hoặc đặt cơ quan có thẩm quyền cấp trên vào tình thế việc đã rồi.

Những sự việc đã xảy ra, đương nhiên một phần do cách thức tổ chức hệ thống và vận hành của Nhà nước. Theo đó, dù ở cấp độ nào thì chính quyền cũng có những chức năng về thi hành hiến pháp, pháp luật, đảm bảo sự phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh… Thói quen xin ý kiến cấp trên cũng một phần sinh ra từ mô hình và cách thức vận hành này.

Khi xin ý kiến cấp trên thì ngoài việc chậm trễ, gây sự lệch pha giữa ý kiến cấp trên và pháp luật thì còn gây ra tình trạng ỷ lại của cấp dưới. Hậu quả là cứ việc gì không yên tâm thì xin ý kiến cấp trên, việc gì sau khi làm mà có dấu hiệu sai pháp luật thì lại xin ý kiến.

Bởi vậy trong thời điểm hiện nay, thượng tôn pháp luật là yêu cầu bắt buộc để hạn chế tình trạng “tiền trảm hậu tấu”.

GS Nguyễn Đăng Dung, chuyên gia hiến pháp,  khoa Luật, ĐHQG Hà Nội

Hiến pháp đã quy định: “Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương” (khoản 2 Điều 112). Nhưng thực tế cho thấy Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã không cụ thể hóa thành công quy định nói trên.

Vì vậy, về lâu về dài, để khắc phục tình trạng “tiền trảm hậu tấu”, quan trọng nhất vẫn là phân chia quyền lực giữa các cấp chính quyền cho rõ.

TS Nguyễn Sĩ Dũng