Việt Nam có nguy cơ ô nhiễm, cạn kiệt nước ngầm

ThienNhien.Net – Nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức đang suy giảm nhanh chóng, đẩy Việt Nam có nguy cơ ô nhiễm và cạn kiệt nước ngầm.

Nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt tự do xả ra môi trường không qua xử lý là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nguồn nước sạch. Bên cạnh đó, nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức đang suy giảm nhanh chóng, đẩy Việt Nam có nguy cơ ô nhiễm và cạn kiệt nước ngầm.

Theo thống kê, bình quân lượng nước nội sinh theo đầu người ở nước ta hiện mới đạt 3.400 m3/năm và đang giảm dần. Nếu tỷ lệ này dưới 4.000 m3/người/năm, quốc gia đó là quốc gia thiếu nước. Nhu cầu nước gia tăng nhanh trong khi nguồn nước đang tiếp tục suy giảm. Nhiều lưu vực sông bị khai thác quá mức.

Tính riêng trong mùa khô năm 2015-2016, đã có 10 lưu vực sông bị khai thác ở mức căng thẳng, 4 sông đã đến mức rất căng thẳng gồm: sông Mã, cụm sông Đông Nam bộ, sông Hương và sông Đồng Nai. Một số khu vực, nguồn nước dưới đất cũng bị khai thác quá mức, suy giảm liên tục và chưa có dấu hiệu phục hồi.

Do nguồn nước ngầm bị cạn kiệt nên nhiều hồ trữ nước trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang cạn dần. (Ảnh: Bộ TN &MT)

Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết:  “Tỉnh Quảng Ninh đã lắp đặt 26 trạm quan trắc tự động do cả tỉnh và doanh nghiệp cùng đầu tư để quản lý vấn đề nước và không khí trên địa bàn. Đặc biệt là địa bàn trọng điểm như thành phố Hạ Long, Cẩm Phả – khu vực tập trung hoạt động công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, theo quy hoạch nước năm 2025 đến 2030 của tỉnh Quảng Ninh, thì tới năm 2025, tỉnh sẽ thiếu nước sinh hoạt. Vì thế, tỉnh đang xây dựng các phương án để có thể xử lý cân bằng lượng nước”.

Các chuyên gia cảnh báo, an ninh nguồn nước đang là thách thức lớn đối với phát triển kinh tế, xã hội. Ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng cả về mức độ và quy mô. Rừng đầu nguồn suy giảm, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, mặn xâm nhập cũng tác động mạnh mẽ đến tài nguyên nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động cấp phép, khai thác, sử dụng nước và xả nước thải; đồng thời, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước…

Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Ngành Tài nguyên môi trường đang xây dựng quy hoạch tài nguyên nước cho cả nước, các lưu vực sông lớn và kế hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước. Tìm kiếm nguồn nước dưới đất ở các vùng khan hiếm nước và hải đảo; Nghiên cứu, đề xuất giải pháp giữ nước cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và Tây Nguyên. Đồng thời, sớm đưa vào hoạt động 6 Ủy ban lưu vực sông nhằm hợp tác, đấu tranh bảo đảm quyền, lợi ích của Việt Nam đối với các nguồn nước liên quốc gia theo Công ước và thông lệ quốc tế”.

Nguồn: