ThienNhien.Net – Bằng các phân tích toán học, nhóm nghiên cứu tại Đại học Umea (Thụy Điển) đã kết luận độ sâu trung bình của các hồ trên thế giới hiện thấp hơn 30% so với ước tính trước đây.
Mực nước hồ nông hơn đồng nghĩa với xu hướng giảm nguồn nước ngọt và tác động tiềm tàng đối với biến đổi khí hậu. Kết quả này vừa được công bố trên Tạp chí Geophysical Research Letters.
Theo nghiên cứu, ước tính chỉ còn lại khoảng 190.000 km3 nước trong các hồ trên thế giới, tương đương thể tích một hồ lớn có độ sâu trung bình 42m. Con số này là quá nhỏ so với thể tích 1,3 tỷ km3 nước trong độ sâu ước tính 3.682m của đại dương. Khi tất cả các hồ trở nên nông hơn, khí metan sẽ được giải phóng nhiều hơn vào trong không khí.
Đo lường thể tích các hồ trên quy mô toàn cầu là một nhiệm vụ không hề đơn giản. Các vệ tinh có thể đo thể tích các hồ lớn, nhưng hàng chục triệu hồ nhỏ trên khắp trái đất đòi hỏi nghiên cứu thực địa tiêu tốn rất nhiều thời gian và chi phí. Vì vậy, cho đến nay, có rất ít tính toán về thể tích các hồ trên trái đất.
Nhóm nghiên cứu quyết định sử dụng phương pháp tiếp cận lý thuyết, giả định rằng bề mặt trái đất tự biến đổi tuyến tính. Có nghĩa, nếu chúng ta phóng to hay thu nhỏ mặt cắt ngang bề mặt trái đất, thì những tính chất thống kê của địa hình dọc có thể dự đoán được dựa vào các yếu tố biến đổi. So sánh với dữ liệu thể tích sẵn có của hàng nghìn hồ ở các cảnh quan khác nhau cho thấy giá trị ước tính từ mô hình này là chính xác.
Bằng mô hình lý thuyết trên, các nhà khoa học ước lượng còn khoảng 184.000 – 199.000km3 nước ngọt chứa trong các hồ, trong đó 20 hồ lớn nhất thế giới chứa khoảng 80% lượng nước.
Chất lượng và khối lượng nước hồ có thể thay đổi nhanh chóng do tác động từ con người. Chẳng hạn, một số khu vực xây dựng nhiều ao hồ cho mục đích cảnh quan, tưới tiêu, sản xuất thủy điện, dự trữ nguồn nước uống, kết quả làm tăng lượng nước ngọt. Mặt khác, một số hồ lớn đã trở nên khô hạn hay biến mất. Poopo là hồ lớn nhất tại Bolivia, trước đây có diện tích mặt nước khoảng 3.000 km2. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và chuyển nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, phần lớn nước hồ đã cạn kiệt, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của cộng đồng địa phương. Trường hợp tương tự cũng xảy ra đối với Hồ Aral Sea, vốn là hồ lớn thứ 4 trên thế giới.
Chất lượng nước tại các hồ lớn nhất đang bị suy thoái do hoạt động của con người. Hồ Erie tại Mỹ và Canada với diện tích mặt nước khoảng 25.667 km2 phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm hữu cơ và tảo nở hoa, khiến hơn 400.000 người thiếu nguồn nước uống.
PGS David Seekell, trưởng nhóm nghiên cứu khẳng định, kết quả đưa ra nhấn mạnh tình trạng khan hiếm nước ngọt từ các ao hồ, và hoạt động của con người đang nhanh chóng thay đổi chất lượng và khối lượng nguồn tài nguyên này.
Công Anh (Theo UMU)