ThienNhien.Net – Những doanh nghiệp lớn và quy mô thường tuân thủ khá tốt trách nhiệm xã hội về bảo vệ môi trường như tiết kiệm năng lượng, tái chế chất thải, hạn chế xả thải chưa qua xử lý, hạn chế lãng phí nguồn nguyên nhiên liệu…, tuy nhiên đối với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), điều này dường như bất khả thi. Có nhiều nguyên nhân lý giải cho thực tế này, song lý do cơ bản nhất là do các doanh nghiệp SMEs thường khó tiếp cận các dây chuyền thiết bị công nghệ cao do hạn hẹp về mặt tài chính. Đặc biệt, không ít doanh nghiệp SMEs chưa nhận thức được đầy đủ về việc tuân thủ pháp luật môi trường.
Nhằm hỗ trợ và thúc đẩy nhóm SMEs thực thi các quy định về bảo vệ môi trường, đồng thời tiếp cận và đầu tư công nghệ trong việc nâng cao năng lực kiểm soát ô nhiễm, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) phối hợp Viện Nghiên cứu doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện thí điểm Chương trình đào tạo “Quản lý môi trường theo pháp luật và thực hiện trách nhiệm xã hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” cho 31 cán bộ phụ trách môi trường của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh. Trước đó, CECR đã khảo sát 9 doanh nghiệp SMEs tại Cụm công nghiệp Khắc Niệm và kết quả cho thấy 100% doanh nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt và khí thải; 30% cán bộ môi trường của doanh nghiệp chưa nắm được công ty có cần xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng không; gần 60% cán bộ môi trường cho biết còn vướng mắc trong việc lưu trữ chất thải nguy hại và gần 70% cán bộ môi trường chưa từng tham gia một khóa đào tạo nào về môi trường. Những con số này cho thấy việc thí điểm Chương trình đào tạo trước mắt và duy trì tiếp nối về sau là rất cần thiết.
Bên cạnh việc hỗ trợ đào tạo về mặt chính sách, CECR cũng chú trọng tìm kiếm các giải pháp về mặt công nghệ nhằm giúp nhóm SMEs nâng cao năng lực kiểm soát và bảo vệ môi trường. Đây cũng chính là nội dung được thảo luận xuyên suốt Hội thảo “Quản lý môi trường theo pháp luật và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam” được tổ chức vào sáng nay (28/4) tại Hà Nội với sự tham gia của đại diện Quỹ Bảo vệ Môi trường, Liên minh Sống khỏe Việt Nam, các trường đại học, các đơn vị thiết kế thi công tư vấn môi trường và đại diện một số doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hầu hết các ý kiến tham dự đều cho rằng việc tổ chức các chương trình đào tạo cho nhóm SMEs là rất cần thiết, tuy nhiên nên tiếp cận theo hướng rộng hơn nhằm lôi kéo sự tham gia của đa bên bao gồm các cơ quan nhà nước, các nhà khoa học, cộng đồng và nhà đầu tư. Đặc biệt, theo ông Trương Mạnh Tiến – Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, nguyên Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, cần có chính sách hỗ trợ đặc thù nhằm khuyến khích SMEs phát triển xanh hơn, cụ thể là giúp SMEs tiếp cận được nguồn vốn từ Quỹ Bảo vệ Môi trường để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường. Bên cạnh đó, cần xây dựng Bộ luật về môi trường một cách đồng bộ, trong đó bao gồm các Luật thành phần như: Luật Khoáng sản, Luật ô nhiễm nước, Luật không khí… nhằm đảm bảo thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường một cách chặt chẽ.
Riêng về vấn đề công nghệ, theo chia sẻ của đại diện Công ty phân lân Văn Điển, muốn doanh nghiệp chấp hành hoặc có ý thức tuân thủ trách nhiệm bảo vệ môi trường, cần nhấn mạnh vào lợi ích của doanh nghiệp. Đại diện này cho biết trước đây mỗi năm Công ty phân lân Văn Điển loại bỏ 100.000 tấn chất thải rắn, 14 triệu m3 nước ngầm khai thác để làm mát máy và lọc cặn, do đó đơn vị bị liệt vào danh sách các cơ sở cần phải áp dụng biện pháp đổi mới công nghệ, nâng cấp hệ thống xử lý theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg. Về sau, đơn vị đã cải tiến công nghệ sản xuất bằng cách dùng nhiên liệu trấu ép thay cho than trong công nghệ sấy phân bón, giúp tiết kiệm 5 tỷ đồng mỗi năm, đồng thời nghiên cứu xử lý tuần hoàn nước thải xử lý và triệt tiêu hoàn toàn nước thải, thu hồi được khoảng 3.500 tấn bán thành phẩm lân. Hiện Công ty vừa không phải đóng phí bảo vệ môi trường, vừa thu 35 tỷ đồng mỗi năm từ việc nâng cao, cải tiến công nghệ.
Minh chứng nêu trên cho thấy, cần thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan nhằm giúp doanh nghiệp SMEs nhận thức và tiếp cận với được với các loại hình công nghệ thân thiện, vừa giúp doanh nghiệp thu lợi, vừa nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường của họ.
Hiền Anh