ThienNhien.Net – Sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn, dần hướng đến sản xuất hữu cơ là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên hiện nay, trên cả ba lĩnh vực chủ lực của vùng là: lúa gạo, thủy sản, trái cây, việc thực hành nông nghiệp sạch vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Để tạo đòn bẩy cho ngành nông nghiệp khu vực, bên cạnh việc ban hành cơ chế, chính sách, còn cần sự thay đổi tư duy trong sản xuất của nông dân và doanh nghiệp.
Nói dễ, làm khó
Trong chuyến tìm hiểu thực tế ĐBSCL, chúng tôi có buổi trao đổi ý kiến với đồng chí Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp về việc làm thế nào để nông nghiệp ĐBSCL “tiệm cận” gần hơn với phương thức sản xuất hữu cơ. Đồng chí Lê Minh Hoan chia sẻ: Trước hết phải thay đổi tư duy tăng trưởng nông nghiệp dựa trên năng suất và sản lượng sang tư duy tăng trưởng dựa trên chất lượng, bởi xu hướng của người tiêu dùng ngày nay là sản phẩm sạch và an toàn, bổ dưỡng. Đi ngược với xu thế đó, chúng ta sẽ phải trả giá, mà sự thật là chúng ta đã và đang phải trả giá. Tất nhiên, điều này nói thì dễ nhưng thực hiện không dễ, đòi hỏi cả nông dân và ngành nông nghiệp phải nghĩ khác, làm khác. Gạo sạch của Công ty TNHH MTV Nuôi trồng thủy sản Tâm Việt ở huyện Hồng Ngự là một thí dụ. Nhìn lại cách làm của anh Võ Văn Tiếng, Giám đốc công ty thì thật đơn giản, chỉ là trở lại cách canh tác không phân hóa học, thuốc trừ sâu, chỉ sử dụng các loại phân hữu cơ, nhưng cái đáng quý mà cũng khó vượt qua là anh Tiếng đã dũng cảm thoát ra khỏi tâm lý đám đông, dám tìm một hướng đi và tự tin vào đích đến. Đó là làm ra nông sản sạch, trước hết vì sức khỏe cho gia đình, sau đó là cho cộng đồng.
Cùng với đổi mới tư duy sản xuất là thay đổi về tư duy bán hàng của người nông dân, tức là thương mại hóa sản phẩm, từ bỏ “tư duy chị nuôi” đứng ở “cửa sau” bảo đảm bếp ăn cho cả nước, để tiến lên “cửa trước” trở thành một người bán hàng chuyên nghiệp. Mô hình “cây xoài nhà tôi” ở hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) là một điển hình sinh động cho sự thay đổi này. Với mô hình này, những cây xoài của xã viên sẽ được giới thiệu lên trang web của đơn vị, người mua ưng ý một hoặc nhiều cây xoài sẽ làm hợp đồng sở hữu trong thời gian nhất định. Theo đó, khách hàng được hưởng toàn bộ nguồn lợi từ cây xoài với cam kết sản xuất an toàn từ các hộ xã viên. Một ý tưởng không mới của nước này, nước nọ, nhưng ở xứ mình vẫn còn mới lạ. Nhìn rộng ra, nó cũng phản ánh một góc nhỏ của tái cơ cấu nông nghiệp – đó là quá trình chuyển tăng trưởng dựa vào quy mô sản xuất sang tăng trưởng dựa trên đổi mới, sáng tạo trong nền kinh tế tri thức. Đây cũng là tiến trình chuyển từ sản xuất nông nghiệp, sang kinh doanh nông nghiệp và người nông dân sẽ chuyển thành nhà kinh doanh.
Cùng quan điểm về đổi mới trong sản xuất nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng trăn trở: Lâu nay dân gian vẫn lưu truyền câu ca “Cần Thơ gạo trắng nước trong / Ai đi đến đó lòng không muốn về” – nghe thôi đã thấy hiển hiện một nền nông nghiệp trù phú và no ấm. Nhưng tiếc thay, nhiều năm nay, cả Cần Thơ cũng như toàn vùng ĐBSCL vẫn loay hoay trong bài toán phát triển nông nghiệp sạch và bền vững. Muốn tìm thực phẩm sạch, an toàn ở vùng châu thổ cũng “đỏ mắt” mà còn đầy nghi ngại. Mô hình sản xuất VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ trên lúa, thủy sản, trái cây… đã bắt đầu xuất hiện, nhưng còn lẻ tẻ, manh mún và thậm chí khó tiêu thụ giữa một rừng sản phẩm nông nghiệp “vàng thau lẫn lộn”. Do đó, thay đổi cách nghĩ, cách làm phải đồng bộ, từ các hộ nông dân, ngành nông nghiệp đến bản thân người tiêu dùng. Sự thay đổi này có thể đòi hỏi hy sinh, mất mát trong trước mắt. Cụ thể như năng suất, sản lượng nông nghiệp giảm, thu nhập của một bộ phận nông dân có thể bấp bênh trong những năm đầu chuyển đổi phương thức canh tác, do phải bỏ chi phí và thời gian cải tạo đất, nước, nhưng khi đã hình thành được những vùng nông nghiệp sạch theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP hay hữu cơ với sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu thì chắc chắn lợi nhuận sẽ bù đắp xứng đáng cho sự hy sinh đó. Câu hỏi đặt ra là cả người dân và chính quyền địa phương có đồng lòng bắt đầu một sự thay đổi lớn?
Xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ
Thực tế, không chỉ riêng ĐBSCL mà trên cả nước, việc xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bắt đầu từ việc thúc đẩy áp dụng các quy trình thực hành tốt (GAP) vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vì quy trình sản xuất khắt khe, phải có thời gian dài cải tạo đất và nguồn nước dẫn đến chi phí sản xuất cao. Đồng thời, phải từ bỏ cách làm đơn giản theo kiểu truyền thống là phun xịt thuốc khi dịch bệnh, bón phân hóa học cho đất…
Vì vậy, việc xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ là vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện nay. Trước hết, cần sớm hình thành hệ thống tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm hữu cơ, có các tổ chức chứng nhận và khung pháp lý đồng bộ cho sản xuất… Còn hiện nay, khi chưa có khung tiêu chuẩn, rất dễ xảy ra tình trạng “tự xưng”, tự dán nhãn sạch, hữu cơ, dẫn đến nhiễu loạn thị trường thực phẩm.
Về vấn đề này, kỹ sư nông nghiệp Hồ Quang Cua nhận định: Hiện nay, phong trào sản xuất gắn mác sạch hoặc hữu cơ ở ĐBSCL rất lộn xộn. Việc chứng nhận VietGAP, GlobalGAP ở nước ta cũng còn diễn ra tùy tiện. Đơn cử như gạo hữu cơ phần lớn là “tự xưng”, vì chưa có quy chuẩn nên cũng đâu có chứng nhận, chỉ số ít doanh nghiệp đầu tư sản xuất gạo hữu cơ được nước ngoài chứng nhận, thì hầu hết xuất khẩu. Vì vậy, để sản phẩm sạch có chỗ đứng và có giá trên thị trường, cần chấn chỉnh lại việc cấp chứng nhận. Đặc biệt, việc lạm dụng danh xưng, dán nhãn cần sớm được các cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt nếu không muốn người tiêu dùng mất lòng tin, quay lưng các sản phẩm được chứng nhận, dù các doanh nghiệp có thực tâm làm thật.
Bên cạnh đó, ông Hồ Quang Cua bày tỏ quan điểm về vấn đề kiểm soát sử dụng vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật: Muốn thực hiện sản xuất nông nghiệp sạch, hướng đến hữu cơ, cần thực hiện song song hai việc, một là huấn luyện lại nông dân, hai là phải kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y. Từ năm 1992, với sự trợ giúp của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã mở ra chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) rất khoa học và hiệu quả, nhất là khi hóa chất bảo vệ thực vật còn khan hiếm. Nhưng sau đó, lượng hóa chất nhập về nhiều, không kiểm soát được, dẫn đến nông dân lạm dụng gây mất an toàn lương thực, thực phẩm. Chúng ta đã học làm IPM từ In-đô-nê-xi-a rất thành công, nhưng lại không học được phương cách quản lý của họ. Họ không cho phép quảng cáo thuốc qua phương tiện nghe nhìn; sau khi khảo nghiệm và được phép đưa vào kinh doanh, chỉ có các chuyên viên kỹ thuật của Nhà nước mới được hướng dẫn nông dân sử dụng, chứ không phải dễ dàng mua, bán, sử dụng như ở nước ta.
Ở một góc nhìn khác, PGS, TS Bùi Bá Bổng, chuyên gia cao cấp của FAO tại Việt Nam, khẳng định: Xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ tại ĐBSCL hiện nay cần sự chung sức, tận tâm của các doanh nghiệp trong việc hình thành những mô hình chuỗi giá trị. Nếu không có doanh nghiệp thì việc tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu là rất khó khăn. Theo đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ thông qua tín dụng ưu đãi, tiền thuê đất, nhất là ưu tiên cho thuê những khu đất chưa bị ô nhiễm. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất phân bón hữu cơ, phân sinh học, vi sinh, chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học để phục vụ sản xuất hữu cơ trên diện rộng trong tương lai. Mặt khác, các chính sách cho kinh tế hợp tác, nhất là HTX kiểu mới, tổ hợp tác, tổ liên kết cũng cần được quan tâm hơn, vì đây là mô hình mang tính cộng đồng cao, có điều kiện và khả năng hỗ trợ, quản lý, giám sát các thành viên thực hiện sản xuất theo quy trình một cách đồng bộ.
Xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ cho ĐBSCL hẳn còn là một hành trình dài với nhiều nỗi gian truân. Nhưng không đi thì làm sao đến, không gõ thì làm sao mở? Những mô hình canh tác thành công, dù nhỏ hay lớn cũng đang gieo niềm hy vọng cho sự hình thành một nền nông nghiệp hữu cơ trong tương lai. Chỉ có điều, hành trình ấy phải được thực hiện bằng tất cả sự nỗ lực, kiên trì, đầy tâm huyết và nhân văn của những người trong cuộc.
Nguyên tắc chung của sản xuất theo nông nghiệp hữu cơ là phải có đầu vào sạch, gồm đất, nước, không khí, các loại con/cây giống phải thuần không được sử dụng giống biến đổi gen (GMO), các chất sử dụng trong sản xuất phải hoàn toàn hữu cơ và được cho phép (phân bón và thuốc trừ sâu phải là chế phẩm sinh học hữu cơ), cuối cùng là sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn về dinh dưỡng. Theo tiêu chí chứng nhận hữu cơ USDA, của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, hàm lượng các loại độc tố và kim loại nặng trong đất, nước phải ở mức cực nhỏ từ vài đơn vị đến dưới 100 ppm tùy loại theo danh mục quy định. |