ThienNhien.Net – Nâng cao tiềm lực khoa học cơ bản trong 4 lĩnh vực: Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển; phấn đấu đưa vị thế của khoa học Việt Nam đến năm 2025 đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, nghiên cứu có định hướng để tiếp thu, làm chủ các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực để phục vụ phát triển kinh tế xã hội và góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017 – 2025.
Mục tiêu cụ thể của Chương trình là xây dựng được đội ngũ các nhà khoa học có trình độ cao, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế. Phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ có tiềm năng trong các cơ sở giáo dục đại học, góp phần hình thành các trường đại học nghiên cứu, phấn đấu đến năm 2025 mỗi lĩnh vực hình thành 15 – 20 nhóm nghiên cứu mạnh.
Bên cạnh đó, nâng cao vị thế của khoa học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu đến năm 2025, một số ngành đứng thứ 3 – 4 trong trong khối các nước ASEAN. Tăng số công trình khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế (Danh mục thuộc cơ sở dữ liệu SCOPUS), trung bình hằng năm tăng 20 – 25%, đối với ngành Khoa học biển từ 10 – 15%.
Xác định hướng ưu tiên cho nghiên cứu cơ bản
Nhiệm vụ và giải tháp thực hiện Chương trình là xác định định hướng ưu tiên cho nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng của 04 lĩnh vực khoa học cơ bản đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030, bao gồm những hướng chủ yếu: Lĩnh vực Hóa học (Hóa hữu cơ; hóa dược; hóa vô cơ; hóa lý thuyết và hóa lý; hóa Polyme và vật liệu; hóa phân tích); lĩnh vực Khoa học sự sống (nghiên cứu sự sống ở mức độ phân tử; nghiên cứu sự sống ở mức độ mô, tế bào; nghiên cứu sự sống ở mức độ cơ thể; nghiên cứu sự sống ở mức độ quần thể và sinh thái); lĩnh vực Khoa học trái đất (địa chất; địa vật lý và vật lý địa cầu; địa lý; khí tượng, khí hậu; thủy văn và tài nguyên nước); lĩnh vực Khoa học biển (hải dương học và tương tác biển – khí quyển – lục địa; hóa học biển; sinh học và sinh thái biển; địa lý, địa chất, địa vật lý biển; cơ học và công trình biển).
Nhà nước đặt hàng các nhiệm vụ cấp quốc gia theo những hướng nghiên cứu ưu tiên cho các tổ chức khoa học công nghệ chuyên ngành, hướng đến các sản phẩm ứng dụng trong sản xuất và đời sống.
Nâng cao năng lực nghiên cứu cơ bản của các cơ sở giáo dục đại học (trường đại học, viện nghiên cứu có đào tạo trình độ tiến sỹ). Cụ thể, đầu tư các phòng thí nghiệm khoa học cơ bản trọng điểm cấp bộ ngành trong từng lĩnh vực, tổ chức và triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản cho các tiến sỹ trẻ, các nhiệm vụ nghiên cứu tiềm năng, hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh gắn với các phòng thí nghiệm nêu trên. Có hình thức khen thưởng học sinh, sinh viên đạt giải tại các cuộc thi quốc gia và quốc tế.
Đẩy mạnh triển khai việc đào tạo nguồn nhân lực sau đại học (thạc sỹ, tiến sỹ) trong một số Chương trình đào tạo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sỹ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 – 2020 theo Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17/6/2010; Đề án đào tạo cán bộ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 – 2020 theo Quyết định số 599/QĐ-TTg ngày 17/4/2013), đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia theo nhóm, sau tiến sỹ (Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước theo Quyết định số 2395/QĐ-TTg ngày 25/12/2015) và thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, thông qua hợp tác quốc tế.
Thực hiện việc thưởng cho các nhà khoa học đã công bố bài báo quốc tế trong nghiên cứu cơ bản (ISI, SCI, SCIE); hỗ trợ kinh phí tham gia các hội thảo, hội nghị khoa học trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực theo quy định tại Nghị định số 99/2014/NĐ-CP ngày 25/10/2014 về đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học.
Đầu tư các phòng thí nghiệm khoa học cơ bản ở các cơ sở giáo dục đại học. Đầu tư một số trang thiết bị lớn, hiện đại, đặc thù có cơ chế sử dụng chung, các trạm quan trắc, xử lý số liệu ở các viện chuyên ngành. Có phương án đầu tư và thuê tàu nghiên cứu về khoa học biển.
Ưu tiên tài trợ nghiên cứu khoa học cơ bản 4 lĩnh vực
Nhiệm vụ và giải pháp khác là Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia ưu tiên, tăng cường tài trợ nghiên cứu khoa học cơ bản trong các lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển thông qua các Hội đồng chuyên ngành theo 04 lĩnh vực nêu trên.
Tăng cường hợp tác quốc tế, cụ thể, hợp tác song phương (Quỹ nghiên cứu cơ bản Liên bang Nga,…) và các quốc gia có nền khoa học cơ bản tiên tiến khác ở Đông Á, EU, Bắc Mỹ; hợp tác đa phương, trong đó tập trung các chương trình của UNESCO như: Chương trình nghiên cứu cơ bản quốc tế (IBSP); Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB), Chương trình Hải dương học liên chính phủ (IOC), Chương trình Thủy văn quốc tế (IHP), Chương trình khoa học Địa chất quốc tế và công viên Địa chất toàn cầu (IGGP)… và các kênh hợp tác quốc tế khác có liên quan.
Lồng ghép các nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình với các chương trình đào tạo nhân lực trình độ cao, các chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các chương trình, nhiệm vụ về Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ), về Quy hoạch mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu và phòng thí nghiệm về công nghệ sinh học đến năm 2025 (Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ).