ThienNhien.Net – Tại dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ này đã đề xuất thành lập Tạp chí Biển và Hải đảo Việt Nam thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Theo dự thảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam gồm 8 tổ chức hành chính giúp Tổng cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước gồm: 1. Vụ Kế hoạch – Tài chính; 2. Vụ Chính sách và Pháp chế; 3. Vụ Tổ chức cán bộ; 4. Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học và Công nghệ; 5. Văn phòng; 6. Cục Kiểm soát tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển và hải đảo; 7. Cục Quản lý điều tra cơ bản biển và hải đảo; 8. Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo.
8 tổ chức sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam gồm: 1. Viện Nghiên cứu biển và hải đảo; 2. Trung tâm Điều tra tài nguyên – môi trường biển; 3. Trung tâm Hải văn; 4. Trung tâm Trắc địa và Bản đồ biển; 5. Trung tâm Quy hoạch và Quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Bắc; 6. Trung tâm Quy hoạch và Quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam; 7. Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo; 7. Tạp chí Biển và Hải đảo Việt Nam.
So với Quyết định số 43/2014/QĐ-TTg, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam giữ nguyên về số lượng gồm: 16 tổ chức, trong đó có 8 đơn vị quản lý nhà nước và 8 đơn vị sự nghiệp. Tuy nhiên, Trung tâm Đào tạo và Truyền thông biển, hải đảo sáp nhập vào Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường và Trung tâm truyền thông tài nguyên và môi trường thuộc Bộ, Bộ đề xuất thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng cục là Tạp chí biển và Hải đảo Việt Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, biển và hải đảo có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, quy mô tuyên truyền phổ biến nhỏ lẻ, không chuyên sâu, thiếu tính hệ thống. Chính vì vậy cần thiết đề xuất thành lập Tạp chí Biển và Hải đảo Việt Nam nhằm thông tin, tuyên truyền và nâng cao nhận thức đến lãnh đạo, lực lượng cán bộ nghiên cứu, quản lý các cấp ở trung ương, địa phương; các tổ chức, đoàn thể hoạt động trong lĩnh vực biển, hải đảo và liên quan; đội ngũ giảng viên, sinh viên, cán bộ nghiên cứu, đào tạo tại các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư ven biển, nhân dân trong cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài; đồng thời giới thiệu đến quốc tế về tiềm năng biển, hải đảo của Việt Nam, chủ trương, đường lối và chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước Việt Nam trong quản lý biển đảo cũng như phát triển bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam nói riêng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia nói chung.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.