ThienNhien.Net – Nhóm nghiên cứu của Trung Quốc hôm 18/4 đã bắt đầu cuộc khảo sát dự kiến trong 50 ngày với các ghềnh đá trên sông Mê Kông. Điều này khiến các nhà hoạt động môi trường lo ngại vì đây được cho là hoạt động mở đường cho kế hoạch dùng chất nổ phá hủy các ghềnh đá mở tuyến đường thủy dọc sông.
Các nhà hoạt động môi trường cho rằng hành động này sẽ gây nguy hại lớn cho hệ sinh thái của con sông và cộng đồng địa phương.
Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ khảo sát 15 điểm có các ghềnh đá trên 96 km dọc sông Mê Kông bắt đầu từ Tam giác Vàng (khu vực biên giới ba nước Thái Lan, Myanmar và Lào) đến Kaeng Pha Dai, tỉnh Chiang Rai, Thái Lan. Các chuyên gia tư vấn của Công ty Trung Quốc Second Harbor sẽ chủ trì việc thăm dò địa chất, thủy lực và kỹ thuật.
Một mạng lưới các nhà môi trường Thái Lan đã chuẩn bị sẵn sàng để phản đối cuộc khảo sát tại các ghềnh đá trên sông Mê Kông đoạn qua Khop Pi Long, Chiang Rai.
Ông Jeerasak Inthayos, điều phối viên Nhóm bảo tồn Rak Chiang Khong cho biết nhóm của ông cùng các đối tác và người dân địa phương sẽ biểu tình để cả chính phủ Thái Lan và Trung Quốc biết rằng người dân sẽ bảo vệ các ghềnh đá trước các vụ nổ mìn. Ông cho rằng Trung Quốc trước tiên nên tiến hành các nghiên cứu đánh giá kết quả giai đoạn đầu của dự án thực hiện từ năm 2002 trên sông Lan Thương (sông Mê Kông đoạn qua lãnh thổ Trung Quốc).
Nội các Thái Lan đã thông qua “Kế hoạch phát triển quốc tế sông Lan Thương – Mê Kông: 2015-2025” vào tháng 12 năm ngoái. Trong đó bao gồm kế hoạch nổ mìn phá các ghềnh đá nhằm thông luồng cho các tàu trọng tải 500 tấn dọc theo sông Mê Kông từ tỉnh Vân Nam phía tây nam Trung Quốc đến Luang Prabang ở bắc Lào.
Vào thời điểm đó, 20 mạng lưới hoạt động bảo vệ sông Mê Kông đã đưa ra tuyên bố với nỗ lực ngăn chặn dự án. Họ khẳng định những vụ nổ sẽ gây nguy hiểm cho hoạt động nuôi cá và đe dọa các loài quý hiếm như cá tra khổng lồ trên sông Mê Kông và dẫn đến hàng loạt các hệ lụy tiêu cực khác.
Các nhà phê bình khác cho rằng cuộc khảo sát có thể đe dọa chủ quyền lãnh thổ của Thái Lan đối với một số khu vực dọc biên giới với Lào.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o gạt đi những lo ngại này và cho rằng quan trọng là phải hài hòa giữa môi trường với phát triển kinh tế.
Bích Ngọc (Theo Bangkok Post)