ThienNhien.Net – Liên quan vụ dứa chết và ô nhiễm ở Lào Cai, người dân đề nghị cho dừng hoạt động của Nhà máy để tái đầu tư sản xuất hoặc đề nghị cho di dời.
Sáng 26/4, tại Hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai cùng Tổ Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Lào Cai tại huyện Mường Khương, các cử tri đã tham gia nhiều ý kiến trong phần thảo luận, tiêu điểm liên quan đến vụ dứa chết và ô nhiễm môi trường ở khu vực xã Bản Lầu của huyện này.
Trả lời ý kiến của cử tri, ông Lê Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai nhấn mạnh, nếu Nhà máy không khắc phục được vấn đề môi trường thì sẽ cương quyết đóng cửa.
Các ý kiến tại Hội nghị tiếp xúc cử tri chủ yếu bày tỏ sự lo lắng của người dân về hậu quả ô nhiễm môi trường do Nhà máy luyện kim màu của Công ty cổ phần Tứ Đỉnh gây ra, ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe của người dân trước mắt cũng như lâu dài.
Cử tri Lục Kim Phương, trưởng thôn Na Mạ 1, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai cho biết: “Về sức khỏe thì bà con xung quanh khu vực Nhà máy đề nghị là được đi khám, xét nghiệm xem có bị nhiễm độc trên người hay không. Còn về kinh tế thì bà con rất hoang mang là có nên đầu tư hay không, đầu tư rồi có được thu hay không và thu rồi thì sản phẩm có tiêu thụ được ra thị trường hay không. Cho nên bà con đề nghị cho dừng hoạt động của Nhà máy để tái đầu tư sản xuất, còn nếu không dừng hoạt động thì đề nghị cho di dời Nhà máy về khu công nghiệp của tỉnh”.
Một số ý kiến của các cử tri khác liên quan đến vấn đề này cũng đề nghị việc thống nhất diện tích cây trồng bị thiệt hại của bà con cần sớm được hoàn tất.
Trả lời trước toàn thể cử tri về vấn đề môi trường tại Bản Lầu, ông Lê Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai một lần nữa khẳng định, quan điểm của tỉnh Lào Cai là không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế.
Qua kiểm tra, Nhà máy luyện kim màu của Công ty cổ phần Tứ Đỉnh đang hoạt động không đúng theo thiết kế, với nhiều hạng mục ô nhiễm, nên tỉnh yêu cầu Nhà máy bắt buộc phải sản xuất ra được acid để triệt tiêu hoàn toàn khí thải SO2, thay vì trung hòa thủ công bằng sữa vôi không đảm bảo như hiện nay.
Ông Hưng nhấn mạnh, đến bao giờ Nhà máy này đảm bảo tối đa về môi trường thì mới cho hoạt động, nếu không đảm bảo thì tỉnh sẽ kiên quyết đóng cửa. Còn cho dù di dời về khu công nghiệp thì cũng không được phép gây ô nhiễm môi trường. Tới đây, tỉnh sẽ yêu cầu lắp hệ thống quan trắc xung quanh Nhà máy để giám sát chặt chẽ vấn đề môi trường tại đây.
Ông Hưng cũng cho biết, tỉnh sẽ yêu cầu các bên liên quan phải thực hiện thống kê chính xác thiệt hại cho bà con, việc đền bù phải minh bạch.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến của cử tri cũng đề nghị giải quyết khó khăn cho người dân trong việc đảm bảo diện tích đất sản xuất, đầu ra sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo nguồn giống cho nông dân sản xuất kịp thời vụ, giải quyết nước sạch sinh hoạt tại những khu vực thiếu nước của huyện, trùng tu lại cơ ở y tế bị xuống cấp…