ThienNhien.Net – Thế giới cần nỗ lực hơn nữa trong việc bảo vệ môi trường và các loài động vật sống ở Nam Cực.
Đó là lời kêu gọi của các nhà khoa học đưa ra nhân Ngày Chim cánh cụt thế giới 25/4.
Chim cánh cụt, loài vật mà trẻ em yêu thích bởi dáng đi núng nính, lạch bạch của chúng, sống phần lớn thời gian ở dưới nước, nhưng các hoạt động sinh sản và thay lông của chúng diễn ra trên đất liền.
Với các nhà khoa học, loài sinh vật đáng yêu này là thước đo quan trọng để đánh giá tình trạng biển cũng như giúp hiểu biết về nhu cầu bảo tồn các nguồn tài nguyên ở biển Nam Cực.
Nhà khoa học Christian Reiss cho biết chim cánh cụt là loài biểu tượng cho hệ sinh thái và số lượng loài này phụ thuộc vào cách quản lý hiệu quả dựa trên hệ sinh thái, trong đó có sự hiểu biết về vai trò của tình trạng biến đổi khí hậu và tác động của con người đến loài này.
Theo một nghiên cứu của tổ chức Pew, 2/3 trong tổng số 18 loài chim cánh cụt trên thế giới sinh sống từ đảo Galapagos ở xích đạo tới biển băng ở Nam Cực, đang suy giảm về số lượng.
Loài chim cánh cụt rất nhạy cảm với tình trạng biến đổi khí hậu trong bối cảnh các tảng băng tan chảy đang thu hẹp môi trường sống của chúng và nước biển ấm lên làm giảm số lượng con mồi của chúng.
Các nhà khoa học cho rằng tình trạng đánh bắt cá gắt gao đang ảnh hưởng tới số lượng con mồi của chúng như loài nhuyễn thể, gây ra tình trạng ô nhiễm và suy thoái khu vực sinh sản của chúng cũng như tình trạng biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu chuyên về Nam Cực, Cassandra Brooks thuộc Đại học Stanford cho rằng biến đổi khí hậu đang làm thay đổi nhanh chóng môi trường ở Nam Cực và các loài động vật bao gồm cả hệ sinh thái biển Nam Cực đang cố gắng để thích nghi.
Theo bà Brooks, các nhà khoa học cần tiếp tục làm sáng tỏ mối tương tác phức tạp giữa biến đổi khí hậu và dân số chim cánh cụt.