ThienNhien.Net – Người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm đem lại sự bền vững. Đây là xu hướng mà các DN cần quan tâm để vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường, đồng thời cũng là con đường để phát triển thương hiệu theo chiến lược “xanh”. Đây là ý kiến của bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, đại diện Nielsen Việt Nam khu vực phía Bắc.
Xin bà cho biết khuynh hướng tiêu dùng “xanh”, sạch của người tiêu dùng Việt Nam hiện nay?
Khi chúng tôi nghiên cứu về mối quan tâm của người tiêu dùng thì sức khỏe là mối quan tâm thứ 2 của người tiêu dùng. Theo đó, những thứ liên quan đến sức khỏe gồm thực phẩm, sản phẩm sử dụng hàng ngày, kết hợp chế độ ăn uống ngủ nghỉ… Tuy nhiên, khách hàng cũng đang băn khoăn rằng thực phẩm hiện nay có đảm bảo sức khỏe không, có tác động tiêu cực đến sức khỏe sau này không… Đó là mối quan tâm của khách hàng.
Năm 2013, khi thực hiện một nghiên cứu, chúng tôi nhận được câu trả lời, khách hàng thật sự không biết mua thực phẩm sạch ở đâu. Câu hỏi đặt ra với DN là, khách hàng có nhu cầu như vậy thì liệu họ sẵn sàng chi trả cao hơn cho sản phẩm sạch mà người tiêu dùng mong đợi?
Nghiên cứu cho thấy, trên 80% người tiêu dùng chấp nhận sẵn sàng trả cao hơn cho những sản phẩm đem lại sự phát triển bền vững, cam kết về sản phẩm bởi mối quan tâm của người tiêu dùng là thực phẩm mang lại tác hại lâu dài cho sức khỏe.
Từ những nghiên cứu này, bà đánh giá như thế nào về mối quan tâm của DN?
Nắm bắt được cơ hội này, DN đang thực hiện chiến lược thương hiệu xanh, chú ý đến trách nhiệm xã hội, nguyên vật liệu làm sản phẩm, đồng thời đem lại sức khỏe cho người dân.
Thực tế cho thấy, những thương hiệu đã cam kết mang đến sản phẩm xanh có mức tăng trưởng cao hơn những DN cùng ngành, nếu DN bình thường tăng 1% thì DN cam kết về sản phẩm xanh có mức tăng 4%, đặc biệt trong ngành thực phẩm nước giải khát mức tăng trưởng từ 2%-11%. Riêng với nhãn hàng của Unilever, mức tăng trưởng của họ là 30% khi thể hiện những cam kết của mình.
Như vậy, mối quan tâm của khách hàng, nhu cầu thị trường, thành công của những DN khi cam kết và thực hiện cam kết về xanh, đó là những động lực để DN tiếp tục đầu tư, đưa ra chiến lược phát triển dài hạn xanh và sạch.
Trong quá trình xây dựng thương hiệu theo hướng phát triển xanh, nhiều DN cho rằng họ gặp rất nhiều khó khăn. Theo bà, đó là những khó khăn gì?
Quá trình phát triển thương hiệu theo khuynh hướng phát triển xanh của DN cũng gặp những khó khăn nhất định, đặc biệt ở Việt Nam có nhiều DN nhỏ và vừa. Bởi lẽ, muốn phát triển xanh thì DN phải đầu tư về con người, nguyên vật liệu, công nghệ…, nhưng quan trọng hơn là thái độ sự nhìn nhận của DN trong vấn đề này.
DN đã có những chuyển hướng nhất định nhưng tôi cho rằng vẫn cần có sự quan tâm của Nhà nước, bởi trong chu trình từ sản xuất đến phân phối, logistics đến tay người tiêu dùng, cũng như đảm bảo sau sử dụng, việc giám sát cũng rất quan trọng. Vai trò của Nhà nước là thông tin minh bạch làm sao hỗ trợ DN, nhất là cho những DN thực sự đang làm tốt, phát hiện đâu là DN làm ăn chân chính, đâu là DN làm ăn chộp giật. Việc thông tin minh bạch như vậy giúp DN tự tin hơn trong việc phát triển xanh, bền vững.
Vậy bà có lời khuyên gì đối với DN trong việc xây dựng thương hiệu theo chiến lược “xanh”?
Theo tôi, khi thực hiện chiến lược xanh DN cần quan tâm đến 5 vấn đề sau.
Trước tiên, đây là chiến lược phát triển kinh doanh mang tính dài hạn nên DN cần chú ý đến lợi ích, sức khỏe của người tiêu dùng.
Thứ hai, chiến lược phát triển DN nên chú ý đến những sản phẩm có lợi cho người tiêu dùng, đưa ra sáng kiến về sản phẩm mang lại sức khỏe cho người tiêu dùng.
Thứ ba, khi đã có sản phẩm xanh, sạch DN cần thông tin minh bạch cho khách hàng. Thông tin đó có thể được đưa trên bao bì, hoặc bằng các kênh truyền thông, hoặc thực hiện theo đúng cam kết.
Thứ tư, cần tận dụng kênh truyền thông hiện nay. Hiện nay, kênh mang lại thông tin cho nhiều người tiêu dùng vẫn là tivi, tuy nhiên kênh kĩ thuật số cũng là kênh DN cần chú ý. Người tiêu dùng hiện nay online rất nhiều, trung bình mỗi người sử dụng 24,7 giờ/tuần để vào mạng. Do đó, những kênh tivi, mạng xã hội là những kênh cần chú trọng để kết nối với người tiêu dùng.
Thứ năm, khi sản phẩm đã được quảng bá thì phải khẳng định việc chuyển sản phẩm tới tay người tiêu dùng qua kênh phân phối và hiện nay, ở Việt Nam kênh phân phối truyền thống vẫn là kênh quan trọng.
Xin cảm ơn bà!
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh:
Trên thế giới bắt đầu áp dụng “dấu chân cacbon” (tác động của bạn đến môi trường mạnh đến cỡ nào, những hành động thường nhật của bạn thải thêm vào khí quyển bao nhiêu khí CO2) và đến năm 2018 một số hãng sẽ áp dụng. Ví dụ một chiếc áo sắp tới muốn bán thì DN phải công bố chiếc áo này sử dụng bao nhiêu lít nước hay sử dụng bao nhiêu khí thải. Đây sẽ là thách thức rất lớn cho DN. Việc xây dựng thương hiệu xanh giúp chúng ta có những DN cạnh tranh là điều đáng hoan nghênh nhưng tôi đề nghị các sản phẩm của DN Việt Nam phải chú ý đến “dấu chân cacbon” và phải báo động, có chương trình thực hiện sớm nhằm giảm chi phí năng lượng, khí thải để sản phẩm có thể XK và chiếm lĩnh thị trường. Dù các sản phẩm của Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công nhưng sắp tới đây nếu chúng ta không đáp ứng được thì sẽ gặp khó khăn. Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương): Trên thực tế, trong tâm trí người tiêu dùng và DN, sản phẩm xanh là vấn đề xa xỉ bởi nó gắn với yêu cầu cao và người tiêu dùng phải có khả năng chi trả nào đó mới có thể tiêu dùng sản phẩm xanh. Trong siêu thị nước ngoài có những khu vực dành riêng cho những sản phẩm đó- những sản phẩm đặc biệt chưa phải phổ biến. Tuy nhiên, với sự thành công của Traphaco tôi nghĩ rằng, DN hoàn toàn có thể phát triển xanh ngay từ đầu để khẳng định đó là sản phẩm bình thường được người tiêu dùng đón nhận, chứ không còn là sản phẩm đặc biệt chưa phổ biến. Với vai trò là cơ quan thực hiện chương trình thương hiệu quốc gia, chúng tôi sẵn sàng cùng DN thương hiệu quốc gia tham gia vào những chương trình thương hiệu xanh cũng như việc chúng tôi đang khuyến khích DN thương hiệu quốc gia tham gia vào chương trình giải thưởng chất lượng quốc gia của Bộ Khoa học và Công nghệ, từ đó có thể tăng thêm giá trị cạnh tranh cho DN. Bà Từ Tuyết Nhung, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam: Không phải người tiêu dùng nào cũng sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để mua sản phẩm xanh. Vì thế, DN cũng khó có thể tiếp tục kiên trì phát triển xanh. Chúng tôi đang “vật vã” làm chiến lược “xanh”. Nếu DN có nỗ lực đến mấy mà Chính phủ không có những quyết sách cụ thể thì cũng chưa thể tạo động lực cho DN kiên trì với mục tiêu này và trên thực tế là hiện chưa có chính sách cho nông nghiệp hữu cơ. P.Thu (ghi) |