ThienNhien.Net – Trên 60% dòng chảy vào Việt Nam xuất phát từ nước ngoài. Trong khi đó các nhà khoa học cảnh báo sẽ có khoảng 45% diện tích đất ở Nam Bộ có nguy cơ nhiễm mặn cực độ.
Nguy cơ thiếu nước đã hiện hữu
Tại Hội thảo Quốc tế về An ninh nguồn nước tại Hà Nội ngày 19/4, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VAFIE), cảnh báo rằng Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn về an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
Khoảng 63% tổng lượng dòng chảy vào nước ta xuất phát từ Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Lào và Campuchia. Trong số 208 con sông tại Việt Nam, có đến 126 con sông có nguồn nước từ nước ngoài chảy vào nội địa. 90% lưu lượng sông Mê Kong và và trên 50% đối với sông Hồng xuất phát từ nước ngoài.
Quá trình công nghiệp hóa, khai thác năng lượng dòng chảy và mở rộng diện tích tưới tiêu nông nghiệp của những nước thượng nguồn đang gây khó khăn cho Việt Nam, GS. Nguyễn Mại cho biết.
Tình trạng mất cân đối nguồn nước có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc xây các đập thủy điện tại thượng nguồn, sự phân bổ không đều lượng mưa, hiện tượng suy thoái đát dưới tác động của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, nhiều dòng sông bị ô nhiễm, dư lượng nước hóa nông, tình trạng chặt phá rừng trái phép… làm hạn chế việc điều tiết nguồn nước.
“Thiên tai và biến đổi khí hậu đang đe dọa cán cân nguồn nước… Xu thế thiếu nước như dòng chảy kiệt, nắng nóng kéo dài và mưa giảm gây khô hạn đang đe dọa các vùng trong cả nước”, GS. Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Theo GS. TS. Trần Đình Hòa, Phó giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, do sự phụ thuộc vào lưu lượng từ nước ngoài, Việt Nam không làm chủ được lưu lượng ở các con sông lớn, lượng phù sa, nguồn thức ăn ở các sông và chế độ dòng chảy.
GS. Hòa dẫn chỉ tiêu đánh giá của Hội Tài nguyên nước quốc tế cho biết, một quốc gia có lượng nước mặt nội địa dưới 4.000 m3/người/năm được coi là thiếu nước. Với dân số Việt Nam như hiện nay, bình quân đầu người Việt Nam chỉ nhận được khoảng 3.370 m3/người/năm từ nguồn nước nội sinh. Trong khi nhu cầu dùng nước vẫn ngày một tăng cao.
Dù vậy, phần lớn người Việt vẫn còn suy nghĩ nguồn nước là vô tận, và vẫn dùng nước rất vô tư.
“Nguy cơ thiếu nước ở Việt Nam không chỉ là dự báo nữa mà là hiện hữu ở rất nhiều vùng miền khắp cả nước”, GS. Hòa kết luận.
An ninh nguồn nước trong bối cảnh chịu tác động của biến đổi khí hậu
Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Do vậy, nhiều vấn đề về tài nguyên nước hiện chỉ tiềm ẩn ở dạng nguy cơ thì có thể trở thành hiện thực nhanh hơn.
Do điều kiện địa hình đa dạng, tác động của biến đổi khí hậu đến mỗi vùng miền có những đặc điểm và mức độ khác nhau, GS. Hòa cho biết.
Trong trường hợp khu vực miền núi phía Bắc, tác động của biến đổi khí hậu đối với khu vực này nặng nề xuất phát từ các đợt khô hạn kéo dài và mưa tập trung với cường suất lớn dẫn đến lũ quét nguy hiểm.
Khu vực Nam Trung Bộ có lượng mưa thấp nhất Việt Nam, thường xuyên có các đợt khô hạn kéo dài. Vùng này còn chịu tác động của nước biển dâng, bảo dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn và sạt lở bờ biển.
Trong khi đó, khu vực Nam Bộ dễ bị ngập lụt và xâm nhập mặn. Mực nước biển dâng cao như dự báo vào năm 2030 sẽ có khoảng 45% diện tích đất có nguy cơ nhiễm mặn cực độ, năng suất lúa sẽ giảm khoảng 9%.
Người Việt sẽ được dùng công nghệ lọc nước của Đức
Tại hội thảo, ông Jorrg Ruger, Tham tán phụ trách lĩnh vực môi trường thuộc Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, cho biết các doanh nghiệp Đức sẵn sàng đưa các công nghệ xử lý nước thải tiên tiến của Đức sang Việt Nam để góp phần đảm bảo tương lai ngành nước của Việt Nam.
Từ năm 2005 đến nay, Cơ quan phát triển Đức (GIZ) đã tài trợ nhiều chương trình để hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực thể chế, đào tạo để thích ứng với biến đổi khí hậu và an ninh nguồn nước.
Ông Peter Stamm, thành viên Ban lãnh đạo Tổ chức hợp tác ngành nước Đức (GWP), cho biết tổ chức này đã triển khai một số dự án tại Việt Nam và sẵn sàng chuyển giao kiến thức và thiết bị cho đối tác Việt Nam.
Chia sẻ về những kế hoạch trong thời gian tới, ông Nguyễn Đắc Hoàn, Quản lý Dự án DEVIWAS, cho biết dự kiến đến năm 2020, người dân Hà Nội sẽ được sử dụng nước sạch được xử lý bằng công nghệ Đức. Đồng thời dự án này sẽ hỗ trợ Hà Nội xử lý nước thải, cung cấp các thiết bị môi trường cho các bệnh viện ở Hà Nội và làm sạch các dòng sông trong nội thành.
Tuy vậy, ông Hoàn kiến nghị các cơ quan quản lý của Việt Nam cần giảm bớt các tiêu chuẩn về nước sạch để tạo điều kiện triển khai các dự án. Đơn cử, hiện nay có hơn 110 chỉ tiêu quản lý nước sạch, trong khi Đức và các nước châu Âu chỉ có 25-30 tiêu chuẩn.