ThienNhien.Net – Rừng ngập mặn Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh có nhiều loài đặc sản tự nhiên như cua biển, “sâm đất” (sá sùng)… là chốn mưu sinh của nhiều cư dân nghèo vùng ngoại thành. Len lỏi chui qua những “mê cung” rễ đước, rễ bần, lặn ngụp cả ngày trong bùn lầy cùng những người thợ săn cua, đào “sâm đất” mới thấy cuộc mưu sinh vì miếng cơm manh áo xiết bao nhọc nhằn, cay đắng!
Nhiều cư dân nghèo ở các xã An Thới Đông hay xã đảo Thạnh An của huyện Cần Giờ lấy nghề săn cua, đào “sâm đất”, bẫy bạch tuộc làm kế mưu sinh chính bởi nghề này không phải đầu tư ngư cụ, tàu thuyền… những thứ vượt quá khả năng tài chính của họ. Chỉ cần một cái cuốc hay que sắt là có thể kiếm tiền, tất nhiên là rừng đước, bần, mây trông có vẻ hiền hoà kia nhưng không hào phóng như bề ngoài của nó. Để vượt qua những trùng trùng điệp điệp rễ đước, rễ bần, người thợ săn cua hay đào “sâm đất” có lúc phải chui, phải bò, thậm chí đổ máu hay bị rễ mây đâm vào chân, vào tay; hoặc nhào xuống nước khi trượt chân té ngã.
Cũng chẳng phải hôm nào cũng hân hoan ca khúc khải hoàn vì thiên nhiên có cho không ai bao giờ. Mỗi ngày một thợ đào sá sùng, săn cua kiếm được vài trăm ngàn đủ trang trải cho gia đình cũng là may mắn lắm, không thì trắng tay trở về cũng là chuyện thường.
Đứng trong bóng tối của rừng bần, rừng đước ngập trong bùn với những người nghèo đang nhọc nhằn mưu sinh mới thấu hiểu lý lẽ: Ăn của rừng rưng rưng nước mắt!